Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn 25 năm đổi mới – nhìn từ nông thôn

11:32, 29/04/2011

Đã 25 năm kể từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới và 36 năm sau ngày thống nhất đất nước, những đổi thay mạnh mẽ đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, mang lại diện mạo mới cho những vùng nông thôn Dak Lak.

Chăm sóc sức khỏe nhân dân ở xã Dray Sáp (Krông Ana): Những đổi thay trong nhận thức của người dân
Trạm y tế xã Dray Sáp (Krông Ana) nằm trên địa bàn buôn Kla trông khá khang trang và sạch sẽ. Mỗi ngày, ngay từ sáng sớm, cán bộ y bác sĩ của trạm lại tất bật với công việc khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, tư vấn cho người dân cách phòng bệnh. Số bệnh nhân đến khám và điều trị tại trạm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước, riêng trong năm 2010, trạm đã đón tiếp 15.151 lượt bệnh nhân. Theo bác sĩ Lê Thị Ngọc Diệp, Trưởng trạm y tế xã Dray Sáp, người đã có gần chục năm gắn bó với công tác y tế ở xã, đây là những chuyển biến đáng phấn khởi trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Bác sĩ Diệp cho biết: “Xã Dray Sáp có trên 8.700 dân thì đồng bào Ê đê đã chiếm đến trên 40%. Những năm trước đây, người dân, nhất là bà con người dân tộc thiểu số, không có thói quen đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, phụ nữ mang thai không đi khám thai định kỳ, hầu hết đều sinh tại nhà… Đồng bào nuôi trâu bò dưới gầm sàn, không giữ gìn vệ sinh nơi ở, sử dụng nguồn nước không bảo đảm nên thường mắc các bệnh tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết… Nhưng đó là chuyện của hàng chục năm về trước, bây giờ thì khác lắm rồi”.

Khi đau ốm, người dân đã tìm đến trạm y tế xã để điều trị. (Ảnh: Hồng Thủy)
Khi đau ốm, người dân đã tìm đến trạm y tế xã để điều trị. (Ảnh: Hồng Thủy)

Được xây dựng mới vào năm 2006, đến nay Trạm y tế xã Dray Sáp đã có trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Biên chế của trạm hiện có 8 người, trong đó có 1 bác sĩ đa khoa, 1 y sĩ sản nhi, 2 nữ hộ sinh, 3 điều dưỡng và 1 dược sĩ, chỉ còn thiếu 1 kỹ thuật viên xét nghiệm. Sắp tới, trạm cũng sẽ được đầu tư và triển khai thêm dịch vụ siêu âm. Nhờ những đầu tư trong công tác y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và làm tốt công tác tuyên truyền nên những năm gần đây, các dịch vụ y tế cơ bản gần như đã “phủ sóng” đến mọi đối tượng người dân trong xã. Chỉ tính trong năm 2010, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng đạt 98,4%; trên 98% trẻ em từ 6 đến 60 tháng tuổi được uống Vitamin A và trẻ em từ 24-60 tháng tuổi được tẩy giun; trên 95% sản phụ sinh con tại các cơ sở y tế; hơn 90% số hộ đã sử dụng giếng nước hợp vệ sinh và khoảng 50% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Những năm gần đây, ngoài các đối tượng được cấp, khá đông người dân đã tự nguyện tìm đến mua thẻ Bảo hiểm y tế (trong năm 2010 đã có 60 người mua thẻ Bảo hiểm y tế tự nguyện). Những dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết… đã được khống chế. Dray Sáp cũng đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2007. Tuy nhiên, thành quả đáng phấn khởi nhất chính là những thay đổi trong nhận thức của người dân. Bác sĩ Diệp cho biết: “Đồng bào đã biết ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh môi trường, biết mang con đến tiêm chủng mỗi khi có chiến dịch và tự tìm đến trạm y tế mỗi khi mắc bệnh… Chị em phụ nữ cũng đã bảo nhau đi khám phụ khoa, sử dụng các biện pháp tránh thai để bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc gia đình, phát triển kinh tế. Đó chính là những chuyển biến đáng kể nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở xã”.

Ea Kuăng nay đã khác rồi
Những con đường to đẹp, những ngôi nhà ngói mới, những ruộng lúa chín vàng trĩu bông…là diện mạo ở vùng quê Cách mạng Ea Kuăng (huyện Krông Pak) 36 năm sau ngày thống nhất đất nước.

Ea Kuăng là vùng căn cứ kháng chiến, được chia tách năm 1984 với dân số hiện nay là 13.500 nhân khẩu, gồm 11 dân tộc anh em cùng chung sống. Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 10 km, nhưng những năm về trước, đây là một trong những địa phương khó khăn nhất huyện, cơ sở hạ tầng hạn chế, đời sống người dân rất thiếu thốn. Ông Nguyễn Lưu Luyến, Bí thư Đảng ủy xã Ea Kuăng chia sẻ: “Hơn chục năm về trước, nghe nói đến Ea Kuăng ai cũng thấy ngại vì giao thông rất khó khăn, mùa khô bụi mù trời, mùa mưa thì lầy lội; xã có rất ít nhà xây kiên cố. Đến nay, mặc dù chưa khá hơn so với các địa phương khác, nhưng Ea Kuăng đã thật sự có nhiều đổi thay”.

Đường giao thông nông thôn ở Ea Kuăng đã khang trang, sạch đẹp. (Ảnh: Minh Thông)
Đường giao thông nông thôn ở Ea Kuăng đã khang trang, sạch đẹp. (Ảnh: Minh Thông)

Minh chứng rõ nhất cho sự thay da đổi thịt ở đây là hệ thống đường giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện. Đường liên xã từ xã Ea Phê đi Vụ Bốn chạy qua trung tâm xã Ea Kuăng (là trục giao thông chính của địa phương) đã được Nhà nước đầu tư nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương với các địa phương khác. Bên cạnh đó, các tuyến đường liên thôn cũng được nhựa hoặc bê tông hóa khang trang sạch đẹp. Riêng năm 2010, bằng hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, địa phương đã xây dựng được hơn 8 km đường nhựa từ trung tâm xã đến các thôn với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều công trình khác như trường học, trạm y tế, đê bao chống lũ, trạm bơm… cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Nhờ cơ sở hạ tầng được cải thiện, đời sống người dân địa phương ngày càng được cải thiện, với thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 12 triệu đồng/người. Thăng Lập 2 là thôn có kinh tế phát triển nhất xã, với 100 hộ chủ yếu trồng cà phê, lúa; nhờ đường giao thông thuận lợi, các công trình thủy lợi đập Krông Buk hạ, hồ Cây khế Thăng Lập cung cấp nước tưới đầy đủ nên năng suất luôn đạt cao. Một nửa số hộ trong thôn đã có nhà ngói khang trang, nhà nào cũng có xe máy, mỗi năm hàng chục em đỗ đại học, cao đẳng. Trưởng thôn Trần Văn Tư phấn khởi cho biết: “Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống của người dân ở đây ngày càng được nâng lên, trẻ em được học hành đàng hoàng, bà con vui lắm!”

Huyện Krông Buk:  Hệ thống trường, lớp đã phát triển đến tận thôn, buôn
Trong những năm qua, huyện Krông Buk đã tập trung phát triển mạng lưới trường, lớp; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị  giáo dục, coi đây là một trong những nhân tố góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn. Những ngôi trường, lớp học tranh tre tạm bợ đã được thay thế bằng những trường, lớp tường xây, mái ngói kiên cố; không còn cảnh trẻ con đi học phải mang theo cơm đùm, cơm nắm; học sinh phải nghỉ học vì đường xa, nhà nghèo khó…

Toàn huyện hiện có tổng số học sinh các cấp là 14.647 học sinh (học sinh dân tộc ít người chiếm tỷ lệ 30%), trong đó có 2 trường THPT, 8 trường THCS, 17 trường tiểu học, 6 trường mầm non, 2 tổ mẫu giáo và 5 lớp mẫu giáo công lập. Việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường hằng năm đều đạt trên 98%. Điều nổi bật là 100% các trường học trong huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy và học. Năm học 2010-2011, hơn 5.400 bộ sách giáo khoa và 40.000 quyển vở đã được cấp cho học sinh dân tộc thiểu số; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho các trường với tổng kinh phí gần 1,9 tỷ đồng. Riêng năm 2011-2012, phòng GD-ĐT dự kiến dành kinh phí 6,3 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, sửa chữa, xây mới phòng học. Đặc biệt, ngoài sự hỗ trợ kinh phí từ nhà nước, còn có phần đóng góp rất đáng kể của người dân trong việc xây dựng hệ thống trường lớp. Chỉ tính riêng trong năm học 2009-2010, người dân đã đóng góp hơn 530 triệu đồng để xây dựng, kiên cố hóa trường lớp.
Nhờ những nỗ lực trên, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ học sinh bỏ học trong học kỳ I năm học 2009-2010 giảm xuống còn 1,7%; tỷ lệ học sinh lên lớp, được công nhận tốt nghiệp ở các bậc học phổ thông đạt gần 90%; nhiều hoạt động ngoại khóa như: An toàn giao thông, phòng chống ma túy, hoạt động văn nghệ… được tổ chức nhằm giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện.

Cơ giới hóa trên đồng ruộng Ea Kar
Những năm gần đây, đời sống người dân huyện Ea Kar ngày càng được nâng lên. Một trong những chiếc chìa khóa để nâng cao sức lao động, tạo ra năng suất cao là đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Cơ giới hóa đã mang lại nhịp điệu mới trên những cánh đồng của huyện Ea Kar. Hiện nay, Ea Kar được đánh giá là vùng sản xuất giống lúa lai đạt năng suất cao, chuyên cung cấp hạt giống cho nông dân cả nước… Vụ đông xuân 2009 - 2010, Trung tâm sản xuất giống lúa lai Ea Kar đã sản xuất hạt giống lúa lai F1 được 442 ha (chiếm 24,5% tổng diện tích cả nước), tăng trên 325 ha.

Đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa. (Ảnh: Thế Hùng)
Đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa. (Ảnh: Thế Hùng)

Kể từ khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, số lượng các loại máy móc phục vụ cho việc làm đất, tưới tiêu, thu hoạch… đã tăng lên nhanh chóng. Phong trào mua sắm máy móc phục vụ sản xuất trong dân rộ lên từ những năm 2006-2007. Khi ấy, nhiều hộ gia đình mạnh dạn bỏ ra từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để mua các loại máy móc phục vụ cho làm đất và thu hoạch lúa. Đi trên những cánh đồng lúa ở huyện Ea Kar hôm nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc máy cày thay cho người dân từ việc làm đất đến gặt lúa ngày một nhiều. Anh Nguyễn Tiến Quyết, thôn 2, xã Cư Huê tâm sự: trước đây do thiếu nhân lực nên mgười dân trong thôn phải thuê mướn nhân công với giá cao, nhưng từ khi đưa các loại máy móc vào phục vụ nông nghiệp như máy làm đất, máy bơm nước tưới tiêu cho đồng ruộng, sử dụng máy gặt đập liên hợp thay vì cắt lúa thủ công trong thu hoạch, thì nông dân có thể chủ động mùa vụ; theo đó sản lượng lương thực cũng tăng lên. Hiện nay sản lượng lương thực của huyện đạt trên 30 nghìn tấn/năm, lương thực bình quân đạt 700 kg/người/năm, số hộ nghèo ngày càng giảm. Mỗi mùa thu hoạch lúa trên những cánh đồng huyện Ea Kar, máy gặt đập liên hợp đã trở thành hình ảnh quen thuộc với nông dân. Theo đánh giá của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, công suất thu hoạch của máy trong 10 phút gặt được 1 sào (nếu gặt thông thường thì 10 người làm 1 buổi), tỷ lệ rơi rụng dưới 3%... Hiện nay, toàn huyện có trên 20 máy gặt đập liên hợp, bảo đảm thu hoạch trên 8.000 ha lúa. Giá thành thu hoạch lúa bằng máy khoảng 280.000/sào, trong khi cắt lúa bằng thủ công khoảng 700.000 đồng/sào...

Việc cơ giới hóa không chỉ giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần hình thành nên vùng sản xuất kinh tế theo hướng hàng hóa, đưa bộ mặt nông thôn Ea Kar ngày càng khởi sắc…

Xã Hòa Sơn (Krông Bông): Những khởi sắc trong đời sống văn hóa
Từ khi xã Hòa Sơn (Krông Bông) hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đời sống tinh thần của người dân địa phương đã có những đổi thay đáng mừng.

Ông Đỗ Tấn Phan, Chủ tịch UBND xã cho biết: xã có 2.023 hộ, 9.713 khẩu, với nhiều đồng bào thuộc các dân tộc như: Ê đê, Mường, Tày, Nùng. Đến nay, hầu hết người dân trong xã đã có cuộc sống ổn định; giao thông dễ dàng, thuận lợi, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, thông thoáng hơn. Dọc hai bên đường, nhiều nhà xây san sát mọc lên bên cạnh những ngôi nhà sàn truyền thống của người Êđê. Bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây, con mới vào sản xuất; thu nhập, ổn định, trung bình mỗi năm, số hộ nghèo giảm 5%. Bên cạnh nỗ lực thoát nghèo, phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Hằng năm, 100% số hộ trong xã đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, trong đó năm 2010 có 1.430 hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm trên 70% tổng số hộ; 100% thôn, buôn xây dựng và chấp hành nghiêm chỉnh “Hương ước”…

Ở xã Hòa Sơn còn lưu giữ nhiều nếp nhà dài. (Ảnh: Đỗ Lan)
Ở xã Hòa Sơn còn lưu giữ nhiều nếp nhà dài. (Ảnh: Đỗ Lan)

Là địa phương có cư dân chủ yếu là người Quảng Nam vào sinh sống cùng bà con các dân tộc Êđê tại chỗ và Mường, Tày, Nùng… từ phía bắc di cư vào, xã Hòa Sơn đã thành lập và duy trì các đội văn nghệ, câu lạc bộ cồng chiêng Ê đê, chiêng Mường, đàn tính, hát then; phục hồi các lễ hội, trò chơi dân gian như hội bài chòi, mừng lúa mới, khai hạ… nhằm phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống của các vùng đất. Đặc biệt, Hòa Sơn là một trong những địa phương còn lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường trên đất Tây Nguyên. Ở một số thôn trong xã, chủ yếu là ở thôn 6, trong những ngày đầu năm luôn rộn ràng tiếng hát, điệu chiêng của người Mường. Người dân ở đây còn duy trì được lễ khai hạ của người Mường vào dịp đầu năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa. Một người dân trong xã cho biết: “Trước đây, ngày đi làm đồng, tối về chúng tôi chỉ biết đóng cửa đi ngủ sớm, nhưng giờ mọi người có thể tham gia vào các hoạt động văn nghệ: tập đánh cồng chiêng Êđê, hay ngồi với nhau đánh đàn tính, hát then Mường… Chiều đến, mọi người cùng nhau luyện tập thể thao, tạo nên không khí vui vẻ, phấn khởi sau những giờ lao động mệt mỏi”. Hiện nay, hầu hết các thôn, buôn trong xã đều có các đội bóng đá, bóng chuyền và duy trì sinh hoạt đều đặn. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được loại trừ ra khỏi đời sống cộng đồng…

Nhóm PV (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc