Multimedia Đọc Báo in

Dự án trồng rừng tại xã Krông Nô (Lak): Cơ hội để nông dân thoát nghèo

09:32, 01/04/2011

Sau 2 năm triển khai, Dự án FLITCH (trồng rừng từ nguồn vốn Chính phủ vay Ngân hàng Châu Á-ADB) tại xã Krông Nô (Lak) đã phủ xanh gần 100 ha đất trống, đồi trọc.

Dự án FLITCH tại xã Krông Nô được triển khai từ năm 2007 nhằm phát triển lâm nghiệp, hỗ trợ cho người dân các địa phương vùng sâu, vùng khó khăn trồng rừng, ổn định kinh tế, thoát nghèo, gồm 4 mục tiêu chính là trồng rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng vừa và nhỏ, quỹ phát triển xã cho các hộ dân vay vốn phát triển kinh tế ngắn và trung hạn, nâng cao năng lực sản xuất của nông dân thông qua tập huấn và đào tạo. Tuy nhiên trên thực tế, mãi đến năm 2009, dự án này mới chính thức thực hiện. Trong 2 năm (2009 và 2010), toàn xã đã có 65 hộ dân đăng ký và tham gia trồng gần 100 ha rừng (trung bình mỗi hộ đăng ký trồng hơn 1,5 ha). 

Diện tích đất trồng rừng tại xã Krông Nô tập trung ở 6 buôn gồm: Trang Yuk, Yông Hăt, Rơ Cai A, Rơ Cai B, Phidiza B, Dăk Rmưk. Hầu hết là đất bị hoang hóa, bạc màu ven các cánh rừng, đồi không sử dụng sản xuất nông nghiệp được. Ông Y Krang Ndu, Chủ tịch UBND xã Krông Nô cho biết: “Dự án trồng rừng là cơ hội tốt cho nông dân thoát cảnh nghèo khó. Vùng đất đồi này từ bao đời không thể trồng được cây gì, vì mưu sinh bà con nông dân vẫn phải trồng lúa rẫy, do đất xấu nên lúa không cho hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng đất này rất thích hợp với cây keo lai giâm hom. Mới trồng chưa được 2 năm nhưng các vườn cây phát triển rất tốt, cây cao hơn 5 mét và có đường kính từ 12-15 cm”. Theo dự án, hộ nông dân đăng ký trồng rừng thì cứ 1 ha đất được hỗ trợ 500 USD (bao gồm giống cây trồng, tiền công trồng, chăm sóc, phân bón, và hướng dẫn kỹ thuật trồng, thuốc bảo vệ thực vật). Mỗi ha các hộ được hỗ trợ 2.220 cây giống, trồng hàng cách hàng 3m, cây cách cây là 1,5 m, và cộng thêm 10% cây giống để trồng dặm nếu cây bị chết. Dự án sau 8 năm trồng và chăm sóc, tính theo giá sản phẩm hiện nay, 1 ha sẽ cho thu nhập từ 80-90 triệu đồng, khi khai thác người dân chỉ phải trích cho dự án 20% số tiền khai thác được từ việc trồng rừng.

Đến năm  2014 dự án sẽ kết thúc. Ông Y Krang Ndu, Chủ tịch UBND xã Krông Nô và người dân nơi đây đều tin tưởng: Dự án sẽ là cơ hội tốt để nông dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo. Nông dân không bỏ tiền đầu tư mà được hỗ trợ hoàn toàn, trồng rừng không bỏ công chăm sóc nhiều, phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương.

 

Vi Thủy

 


Ý kiến bạn đọc