Multimedia Đọc Báo in

Quản lý thị trường vàng qua “sàn vàng”

09:45, 24/04/2011

Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và các văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thị trường vàng đã và đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để ổn định thị trường này một cách căn cơ, đặc biệt là có thể huy động được số vàng đang cất trữ trong dân vào phục vụ phát triển thì việc tổ chức, quản lý thị trường vàng cần được xem xét cẩn trọng.

Hơn 1 tháng qua, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội thì việc kinh doanh vàng miếng đã trở thành vấn đề “thời sự”, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhìn chung, trừ giới đầu cơ, còn hầu hết người dân và các nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp đều ủng hộ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có việc tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do mà Chính phủ đã đề ra. Bởi lẽ, việc kinh doanh vàng miếng tự do phát triển tràn lan như thời gian qua không mang lại lợi ích gì, nếu không muốn nói là luôn chứa đựng những bất ổn đối với nền kinh tế. Điều này thể hiện rõ nét ở mối quan hệ giữa giá vàng và USD trong những năm qua. Mỗi khi giá vàng tăng là giá USD cũng được “kích hoạt” tăng theo vì giới buôn lậu vàng gom USD để nhập mặt hàng này. Tranh thủ cơ hội, giới buôn USD cũng gom hàng, đẩy giá lên cao. Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều người sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, khiến cho một lượng vốn lớn tồn đọng trong dân không được đưa ra đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, mỗi khi giá vàng tăng “nóng”, Nhà nước lại phải can thiệp bằng cách nhập khẩu vàng, vừa tốn ngoại tệ, vừa làm tăng nhập siêu, tác động xấu đến cán cân thương mại, cán cân thanh toán, tiêu tốn dự trữ ngoại hối của đất nước.

Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng: chủ trương của Chính phủ trong việc kiểm soát hoạt động thị trường vàng là hoàn toàn đúng đắn, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ giá trị của nội tệ. Tuy nhiên, cần phải xem xét một cách toàn diện trước khi đưa ra các quyết định có liên quan đến thị trường này. Theo ý kiến các chuyên gia: nếu quy định mua bán vàng miếng chỉ được thực hiện ở một số đầu mối nhất định thì cũng chỉ có tác dụng chấn chỉnh lại thị trường vàng miếng đang diễn ra tùy tiện chứ không giải quyết được những hệ lụy của nó đối với nền kinh tế. Điều này chỉ làm lợi cho một số tổ chức nhất định, thậm chí nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn tới vàng bị làm giá, bởi việc thu hẹp về một số đầu mối sẽ khiến cho việc mua bán vàng của người dân trở nên khó khăn hơn.

Khách hàng chọn mua vàng ở Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kim Ngân.
Khách hàng chọn mua vàng ở Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kim Ngân.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy: giải pháp hiệu quả nhất là thành lập “Trung tâm giao dịch vàng quốc gia”, hay còn gọi là “sàn vàng”, đặt dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan chức năng. Khi có trung tâm này, trước tiên buộc giới đầu cơ phải giao dịch qua sàn vàng này. Lúc đó, áp lực trên thị trường vàng miếng tự do giảm, vì ở đây họ có thể kinh doanh nhưng không nhất thiết phải mua vàng miếng để cất trữ, đồng nghĩa với việc áp lực lên vàng vật chất không lớn nên không cần phải nhập vàng miếng. Sau lộ trình này, việc kinh doanh vàng miếng của người dân cũng được đưa lên sàn giao dịch vàng tập trung, lúc đó người dân sẽ quen dần với phương thức giao dịch qua sàn. Đối với Nhà nước, sàn giao dịch vàng quốc gia đem đến nhiều lợi ích, đó là chủ động thống kê và kiểm soát việc tích trữ vàng và ngoại tệ của người dân; thu được thuế từ các giao dịch vàng; giảm được áp lực lên tỷ giá nhờ xóa bỏ sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Thông qua sàn vàng, NHNN có thể dễ dàng hơn trong việc huy động vàng trong dân và làm tăng dự trữ ngoại hối quốc gia một cách linh hoạt khi cân đối, điều tiết giữa ngoại tệ và vàng. Với người dân, sàn giao dịch vàng cũng mang đến nhiều sự thuận tiện, có thể mua bán thông qua các thành viên trên thị trường. Đặc biệt, việc sở hữu vàng không hoàn toàn bằng vàng vật chất cất trữ riêng lẻ trong gia đình, mà được tập trung trong kho vàng quốc gia, vừa an toàn, vừa thuận tiện trong mua bán, vận chuyển. Cùng với việc thành lập sàn giao dịch vàng tập trung, việc xây dựng hành lang pháp lý đối với sản xuất và kinh doanh vàng cũng cần được quan tâm. Hiện tại, Việt Nam có 8 thương hiệu vàng miếng, nhưng thực tế số lượng đơn vị kinh doanh mặt hàng này lên tới hàng nghìn và việc cấp phép thời gian qua cũng rất đơn giản. Thị trường vàng Việt Nam hiện chưa phát triển ổn định, một phần do hành lang pháp lý hiện hành đối với hoạt động kinh doanh vàng chưa hoàn thiện. Nghị định 174 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành từ năm 1999, nhưng hiện không còn phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như thực tế thị trường vàng. Song song đó, cũng có một số ý kiến đề nghị, nên mở lại nghiệp vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài để giúp các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cân đối trạng thái, qua đó phòng ngừa rủi ro biến động giá thông qua các công cụ phát sinh, mà không nhất thiết phải thực hiện xuất, nhập khẩu vàng. Việc cho phép mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài chỉ nên giới hạn đối với các doanh nghiệp có thị phần kinh doanh lớn, có đủ kinh nghiệm và chuyên gia. Liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu vàng hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị cần có cơ chế linh hoạt hơn nhằm giúp thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế, tránh được những cú sốc về giá và góp phần giảm thiểu tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới. Hoạt động xuất nhập khẩu cần tập trung cho những doanh nghiệp có khả năng tài chính, có kinh nghiệm và có mạng lưới sản xuất kinh doanh, đủ điều kiện để bình ổn thị trường. Hạn mức được cấp phải phù hợp với nhu cầu của thị trường và khả năng cân đối ngoại tệ của doanh nghiệp đó. Nên tránh tình trạng cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng trong thời gian quá ngắn, dẫn tới tình trạng thu gom đôla để nhập khẩu, gây căng thẳng cho thị trường ngoại tệ, gây bất lợi cho doanh nghiệp vì không có điều kiện để chọn giá nhập thích hợp, từ đó không phát huy được vai trò bình ổn giá.

 

Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.