Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay ở vùng căn cứ

08:18, 23/05/2011

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa… đặc biệt là vùng căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi thay sâu sắc. Hàng chục nghìn hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, từng bước có tích lũy để đầu tư phát triển sản xuất. Sự nghiệp giáo dục, y tế và kiến thiết lại buôn làng cũng được các cấp, ngành và chính quyền địa phương chăm lo thường xuyên, kịp thời hơn. Nhờ đó bộ mặt của nhiều vùng nông thôn Dak Lak ngày càng đổi mới.   

Có thể nói, từ nguồn lực của Chương trình 135 (giai đoạn 2006-2010) mà Chính phủ đầu tư cho Dak Lak đã thật sự tạo “cú hích” cho người dân vùng khó khăn vươn lên. Ngoài việc xây dựng 108 công trình hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, đập thủy lợi, cầu cống, điểm cấp nước tập trung, trường học và trạm y tế để phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt cho bà con, chương trình còn trực tiếp hỗ trợ gần 20 tỷ đồng giúp cho hơn 6.300 hộ nghèo mua máy móc nông nghiệp, cây-con giống, vật tư, phân bón để phát triển sản xuất. Từ nguồn lực đầu tư to lớn này, nói như ông Ama Phong- Trưởng Ban dân tộc tỉnh: “Đây chính là chiếc cần câu hữu hiệu để các hộ nghèo vươn lên…”.

Điển hình như các xã vùng sâu Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao của huyện Krông Bông - là những địa phương được thụ hưởng Chương trình 135 đã có những đổi thay đáng kể. Phó chủ tịch UBND xã Cư Pui-Y Then Niê đánh giá: từ khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chương trình 135, cuộc sống của người dân ở đây hoàn toàn khác xưa. Bà con được tiếp cận, làm quen với khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt thông qua hàng trăm lớp học khuyến nông, mở tại địa phương. Những kiến thức mới mẻ , bổ ích này đã giúp bà con  tự tin mở rộng và thâm canh cây lúa, cây bắp cho năng suất, sản lượng cao hơn trước gấp 3-4 lần. Hiện nay, Cư Pui đã hình thành vùng nguyên liệu bắp lớn nhất huyện Krông Bông, với diện tích hơn 2.000 ha, sản lượng đạt gần 15.000 tấn/vụ, chiếm hơn 1/6 sản lượng bắp của toàn huyện. Ông Y Khít Niê ở buôn Chăm tâm sự: Chương trình 135 của Chính phủ thật sự là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội ở địa phương. Nếu như trước đây, cây lúa, cây bắp không nuôi sống nổi con người vì lối canh tác lạc hậu, “nhờ trời”…thì nay nhiều gia đình đã khấm khá và giàu lên nhờ cây trồng chủ lực này. Y Khít lấy hoàn cảnh gia đình mình để đánh giá, so sánh: nhờ kinh phí hỗ trợ của Chương trình 135, ông mua được 2 con bò sinh sản, thâm canh, tăng năng suất hơn 3 ha bắp và gần 6 sào lúa nước hai vụ, mỗi năm cho thu nhập   70-80 triệu đồng. Tài sản đó, theo ông Y Khít thật lớn, nhưng điều làm ông cũng như bà con dân làng phấn khởi hơn chính là cuộc sống trong mỗi nếp nhà và cả cộng đồng đã không còn tăm tối như xưa.

Sản xuất nông nghiệp tại xã Cư Pui - Krông Bông từng bước được cơ giới hóa. Trong ảnh: Bà con nông dân đã sử dụng máy tuốt lúa thay cho tuốt bằng tay như trước đây.
Sản xuất nông nghiệp tại xã Cư Pui - Krông Bông từng bước được cơ giới hóa. Trong ảnh: Bà con nông dân đã sử dụng máy tuốt lúa thay cho tuốt bằng tay như trước đây.

Cảm nhận ấy đã lan tỏa trong tâm tư, suy nghĩ của nhiều người. Bà H’Krer Byă, ở buôn Quanh-xã Yang Mao bộc bạch: trước đây mỗi lần bị ốm đau phải mời thầy mo về cúng, chẳng những bệnh không thuyên giảm mà có trường hợp chết oan. Nay có trạm y tế ở gần, khi đau ốm chỉ cần mang thẻ bảo hiểm y tế đến đó là được cán bộ khám chữa bệnh không mất tiền. Bà H’Krer vui hơn khi thấy cuộc sống đã thực sự đổi thay: đường điện đã được kéo về tận thôn buôn. Trong những ngôi nhà sàn truyền thống đã có điện chiếu sáng, bà con được xem tivi, nghe đài…để nắm bắt thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuyến đường liên xã (Yang Mao- Cư Drăm- Cư Pui) đến trung tâm huyện được nhựa hóa hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, giao thương, buôn bán. Buôn trưởng Y Rinh chia sẻ thêm: nhờ Chương trình 135, buôn Quanh đã có trường mầm non, có nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, rộng rãi… Đặc biệt là công trình nước sạch được đưa về tận buôn phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân. Hàng ngày không còn thấy cảnh già trẻ còng lưng đi lấy nước xa hàng cây số như trước đây. Điều đó cũng có nghĩa đã góp phần làm thay đổi dần tập quán xưa cũ của bà con, tiến tới xây dựng đời sống văn minh hơn trên vùng đất căn cứ này. Trong thời gian tới, ba xã (Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao) sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác, trong đó giáo dục - đào tạo được ưu tiên hàng đầu. Hiện tại, trên vùng đất căn cứ này, ngoài 3 trường PTCS được xây dựng hoàn thiện trên địa bàn 3 xã, còn có một trường PTTH được mở ra từ ba năm nay, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em người dân trong vùng, nhất là con em đồng bào dân tộc bản địa. Đã có gần 100 học sinh người Ê đê, M’nông từng theo học tại đây; trong số đó có khoảng 12 em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp. Đây là lực lượng trí thức tại chỗ góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp trong tương lai.

 

Phương Bối 

Ý kiến bạn đọc