Multimedia Đọc Báo in

Đột phá về cây lúa lai ở Krông Năng

20:23, 08/05/2011

Tuy là địa phương có diện tích sản xuất lúa nước không cao nhưng lại là huyện có cơ cấu giống lúa lai cao nhất trong toàn tỉnh, chiếm 80% trong tổng diện tích lúa. Nhờ mạnh dạn ứng dụng và đưa các giống lúa lai vào sản xuất, nông dân nơi đây đã bội thu những mùa vàng.

Những ngày này, trên các cánh đồng của vùng đất Krông Năng lúa đông xuân đang trong giai đoạn chắc hạt, những bông lúa bắt đầu trĩu xuống, báo hiệu một mùa bội thu. Ngừng tay chăm sóc đám lúa lai gần nhà, chị Nguyễn Thị Thơm, ở thôn Xuân Thái, xã Ea Dah cho biết:, thông qua các mô hình của Trạm Khuyến nông huyện, chị đã mạnh dạn mua giống lúa Nhị ưu 838 để gieo cấy. Vụ trước, năng suất vượt trội, được 7 tấn/ha, cao hơn giống lúa thuần gần 2 tấn. Cũng tham gia cấy lúa lai, anh Lê Xuân Phúc (cùng thôn) cũng đã mạnh dạn gieo cấy toàn bộ 4 sào lúa. Anh Phúc phấn khởi nói: nghe các anh cán bộ nông nghiệp khuyến cáo giống lúa lai cho năng suất cao hơn lúa thuần nên tôi mạnh dạn đăng ký và cấy hết diện tích. Thật đáng mừng, lúa lai cho năng suất bình quân cao hơn lúa thuần gần chục tạ/ha, có những hộ thực hiện thâm canh tốt đã đạt gần 10 tấn/ha. Niềm vui của anh Phúc cũng là niềm vui chung của bà con huyện Krông Năng tham gia cấy lúa lai trong vụ mùa vừa qua.

Nông dân xã Ea Dah (Krông Năng) bên ruộng lúa lai. (Ảnh: L.N)
Nông dân xã Ea Dah (Krông Năng) bên ruộng lúa lai. (Ảnh: L.N)

Vốn là một huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề quan tâm hàng đầu của các cấp chính quyền. Theo đó, từ nhiều năm trước, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây, con giống mới có năng suất cao vào sản xuất nhằm từng bước giúp nông dân xóa đói giảm nghèo đã được huyện đẩy mạnh. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của huyện, sự vào cuộc tích cực của các phòng ban chuyên môn, như Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông huyện đã thử nghiệm một số mô hình sản xuất các giống lúa lai: Nhị ưu 838, Nông ưu 28, Nghi hương 2308, Pac 807..., kết quả cho thấy các giống lúa lai rất phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu ở địa phương; khả năng chống chịu các đối tượng sâu bệnh tốt, năng suất khá cao, bình quân từ 6 - 7 tấn/ha, cao hơn từ 1- 2 tấn/ha so với giống lúa đối chứng. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã trọng điểm lúa nước của huyện như: Ea Hồ, Ea Tam, Cư Klông, Dliê Ya nhờ thâm canh tốt, sản lượng đạt từ 10 - 12 tấn thóc/ha/ vụ. Từ những kết quả đáng phấn khởi trên, các giống lúa lai đã tạo được lực hút mạnh mẽ đối với bà con nông dân ở địa phương, giúp bà con dần thay đổi tập quán canh tác, làm quen với công thức luân canh mới. Trong vòng 5 năm trở lại đây, diện tích gieo cấy lúa lai trên địa bàn huyện luôn chiếm 80% trong cơ cấu giống của cả 2 vụ đông xuân và hè thu. Điều dễ nhận thấy là lúa lai đã tạo được bước đột phá về năng suất và chất lượng trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện, một số giống đã khẳng định được vị trí và hiệu quả trong sản xuất như Nhị ưu 838, Nông ưu 28. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp bà con nông dân mặn mà hơn với các giống lúa lai.

Ông Lê Rế, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết: một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công trong việc đưa giống lúa lai vào sản xuất là bước chuyển về nhận thức của người dân trong quá trình lựa chọn giống lúa phù hợp. Bây giờ, từ người kinh đến đồng bào dân tộc thiểu số đều đưa các giống lúa lai vào gieo cấy vì giống lúa này cho năng suất và thu nhập cao hơn. Đồng thời, thông qua các mô hình khuyến nông cũng đã tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các giống lúa mới cũng như quy trình kỹ thuật chăm sóc lúa. Vụ Đông xuân 2010-2011, huyện đưa vào sản xuất 809 ha lúa, trong đó lúa lai chiếm 80% diện tích. Huyện sẽ tiếp tục tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, đưa những mô hình giống lúa mới, phù hợp để người dân tìm hiểu, ứng dụng vào sản xuất.

 

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.