Huyện Cư M’gar: Phát triển mô hình kinh tế trang trại - hướng đi mới cho người nông dân
Cùng với sự phát triển của các loại hình cây công nghiệp như cà phê, cao su, tiêu… nhiều mô hình kinh tế trang trại (TT) cây lâu năm, chăn nuôi, thủy sản, tổng hợp ra đời đã góp phần vào việc tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài địa bàn huyện Cư M’gar. Đây là một mô hình đang được người dân chú trọng và phát triển trong thời gian qua.
Với những lợi thế đặc thù về tự nhiên và kinh tế - xã hội, Cư M’gar là địa phương có điều kiện để phát triển một nền kinh tế nông nghiệp đa dạng nói chung và kinh tế TT nói riêng. Những năm gần đây, loại hình kinh tế TT này đã và đang không ngừng khởi sắc, với những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có 256 TT, trong đó, cây hàng năm là 31 TT, cây lâu năm 209 TT, chăn nuôi 12 TT, nuôi trồng thủy sản 1 TT và 3 TT tổng hợp. Từ sự năng động, đổi mới, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm; nhiều nông dân đã vươn lên, không những thoát nghèo mà còn sở hữu trong tay số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Thành lập TT cây lâu năm từ năm 1999, đến nay ông Y Kuôl Êban (xã Cuôr Đăng) là chủ nhân của 25 ha đất trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê… với tổng thu nhập sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi gần 600 triệu đồng. Ông nhớ lại, cách đây 20 năm, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Lúc đó, chỉ với 3 ha đất chủ yếu trồng hoa màu, cà phê nên kinh tế đem lại không cao, đến năm 1993 tôi mua thêm hơn 20 ha đất trồng cao su nên thu nhập cũng dần khá hơn”. Căn nhà xập sệ lúc trước giờ đã được thay thế bằng ngôi nhà khang trang, không những thế ông còn thành lập TT cây lâu năm, tạo việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên với mức lương khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Cũng như ông Y Kuôl Êban, gia đình ông Y Jăk Ayun (xã Ea Kuêh), vào những năm 90, bằng đồng lương công nhân ít ỏi của mình mà phải nuôi 4 miệng ăn nên lúc nào cũng túng thiếu. Trước hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông quyết định phát triển kinh tế bằng cách trồng cà phê, cao su trên 1 ha đất rẫy của mình. Sau một thời gian, ông mua thêm 15 ha đất, đầu tư trồng cà phê, cao su, điều… mỗi năm thu nhập hơn 300 triệu đồng. Kinh tế gia đình phát triển, không những chăm lo cho các con học hành thành tài, mà ông còn xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm trang bị tiện ích trong gia đình đầy đủ, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong xã.
Trang trại nuôi heo của gia đình anh Bảy (xã Ea M'nang) cho thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm. |
Có thể nói, việc phát triển kinh tế TT hiện đang là định hướng phát triển lâu dài, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Bên cạnh phần lớn các TT tập trung phát triển cây lâu năm như cà phê, cao su, điều, tiêu…, hiện nay trên địa bàn huyện Cư M’gar còn chú trọng phát triển TT chăn nuôi heo, bò, gà công nghiệp… đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Phạm Hưng Bảy, chủ trang trại chăn nuôi heo ở xã Ea M’nang cho biết: “Năm 2000, gia đình tôi chỉ nuôi mấy con heo, nhưng về sau thấy hiệu quả nên tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi thêm. Bây giờ TT của tôi có hơn 40 con heo nái và gần 200 con heo thịt… trung bình mỗi năm thu vào khoảng 500 triệu đồng. Cũng từ trang trại chăn nuôi này, 4 lao động nhàn rỗi trong gia đình anh đã có việc làm thường xuyên, không còn phải đi làm thuê ngoài như thời gian trước. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện có tổng đàn gia súc-gia cầm trên 484.000 con các loại. Trong đó đàn trâu bò có 10.450 con, đàn heo 43.600 con, đàn dê 3.229 con và trên 425.000 con gia cầm các loại. Nhìn chung công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm đang phát triển theo quy mô TT gia đình, nhiều trường hợp đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với số lượng 256 hộ làm kinh tế TT trên địa bàn huyện, hơn 1.000 lao động tại chỗ (ngoài số lao động của trang trại) được tạo việc làm; góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ dân ở địa phương. Phần lớn TT thuê từ 2 đến 4 lao động thường xuyên (chiếm gần 57% số trang trại); có 50% số TT thuê từ 500-1000 công lao động thời vụ/năm. Theo anh Bùi Văn Khánh, chuyên viên trồng trọt Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Mô hình kinh tế TT trên địa bàn huyện phát triển mạnh từ những năm 1994, trong đó, TT nhỏ nhất khoảng 3 ha, lớn nhất thì hơn 20 ha. Mô hình kinh tế TT là một bước phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn; là hình thức tổ chức thích hợp để khai thác các loại đất; huy động mọi nguồn vốn, lao động nhàn rỗi trong dân cư để phát huy thế mạnh của người nông dân thời đại mới. Do đặc trưng của địa phương, nên mô hình TT cây lâu năm đang là xu hướng phát triển mạnh bởi nó tận dụng được những vùng đất hoang hóa, đất trống đồi trọc để canh tác, tạo thêm thu nhập”.
Nhằm nâng cao chất lượng, năng suất để phát triển kinh tế TT, bà con nông dân đã chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; đầu tư con giống mới; cải tạo ghép chồi cà phê cho năng suất, chất lượng cao; đa dạng hóa các loại cây trồng trong TT; ứng dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất… Từ đây, nhiều mô hình kinh tế TT có hiệu quả hình thành, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế nông, lâm nghiệp của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Ý kiến bạn đọc