Multimedia Đọc Báo in

Màu xanh no ấm trên đồi 519

09:29, 04/05/2011

Đồi 519 (thuộc xã Ea Pil, huyện M’Drak) nằm dưới chân đèo Phượng Hoàng, nơi lưu dấu những trận đánh ác liệt thời chống Mỹ, nay đã hồi sinh mãnh liệt với những cánh đồng mía xanh ngút ngàn.

Hồi ức của một người lính
Đồi 519 cách quốc lộ 26 hơn 500m về phía Đông, có nhiều tảng đá lớn nhấp nhô. Đây là trận địa của quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; thường xuyên có các đơn vị pháo binh, bộ binh đóng giữ nhằm bảo vệ phòng tuyến phía Đông, ngăn chặn địch tấn công từ Nha Trang lên hoặc chặn đánh địch trên đường rút lui. Chúng tôi gặp Trung tá Nguyễn Xuân Thành, Phó phòng Tuyên giáo, Hội Cựu chiến binh tỉnh, người đã trực tiếp chiến đấu ở quả đồi khói lửa một thời vào một ngày giữa tháng tư lịch sử. Ông Thành vào chiến trường tháng 8-1970 và được biên chế vào Đại đội 16 (đại đội súng máy 12 ly 7) thuộc Trung đoàn 25, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) chiến đấu trên các chiến trường Gia Lai, Kon Tum, Dak Lak. Tháng 2-1975, đơn vị của ông được điều động về đóng trận địa trên đồi 519 với nhiệm vụ không cho địch từ Nha Trang, Phan Rang vượt qua đèo Phượng Hoàng tấn công Buôn Ma Thuột. Ông nhớ lại những ngày tháng hào hùng năm xưa: “Sau khi địch thất thủ trong việc đánh chiếm lại Buôn Ma Thuột, chúng rút về cố thủ ở Cam Ranh theo QL 21 (nay là QL 26 – PV). Đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng bộ binh đánh chặn, cắt đường không cho lực lượng địch tháo chạy. Đầu tháng 3, Đại đội 16 cùng với du kích địa phương đã chặn đánh hơn 100 xe cơ giới của địch đang trên đường bỏ chạy ngay dưới chân đồi. Sau đó cũng tại địa điểm này, lữ đoàn dù hàng trăm tên với phương tiện hùng hậu của lực lượng ngụy được điều động lên ứng cứu cũng bị đánh tơi tả; Đại đội súng máy của ông đã bắn hỏng chiếc trực thăng chở tên sư đoàn phó của địch rút lui, bắt sống tướng giặc. Trên đà thắng lợi, Đại đội truy kích địch xuống đến tận sân bay Thành Sơn (Phan Rang – Ninh Thuận) để bảo vệ sân bay, chuẩn bị cho việc tấn công vào Sài Gòn”. Với những chiến công cùng với các đồng đội trong đơn vị, ông Thành được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay và Huân chương chiến công hạng 3. Sau khi từ chiến trường trở về, Trung tá Nguyễn Xuân Thành làm trưởng ban Tuyên giáo, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đến năm 2000 chuyển về công tác tại Hội Cựu chiến binh tỉnh cho đến nay.

Thượng tá Hồ Sỹ Luyện, nguyên trợ lý tuyên giáo Trung đoàn 25 cho biết: trong dịp kỷ niệm 36 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột vừa qua, đoàn cựu chiến binh TP. Tuyên Quang gồm những người đã trực tiếp chiến đấu tại đồi 519 năm xưa đã về thăm lại chiến trường xưa, chôn bia lưu niệm tại quả đồi lịch sử năm nào. Ông nói: “Việc làm đó nhằm mục đích ôn lại những kỷ niệm chiến đấu, tưởng nhớ những đồng đội đã đổ xương máu trên mảnh đất lịch sử này”.

Cuộc sống người dân trên đồi 519 đã khá lên nhờ cây mía.
Cuộc sống người dân trên đồi 519 đã khá lên nhờ cây mía.

Màu xanh đã trở lại
Sau chiến tranh, khu vực cao điểm 519 và toàn bộ đèo Phượng Hoàng trở nên hoang tàn, đất đai cằn cỗi, dân cư thưa thớt. Từ đầu những năm 1980, người dân khắp nơi mới đến đây sinh cơ lập nghiệp, mảnh đất này bắt đầu hồi sinh. 36 năm sau ngày giải phóng, vùng đất này đã khoác lên chiếc áo mới, khỏe khoắn và đầy màu xanh. Tất cả những đổi thay nơi đây đều nhờ những cánh đồng mía ngọt ngào. Cây mía là cây trồng chủ lực của bà con, với hơn 2000 ha, bình quân mỗi hộ trồng 1,5 – 2 ha, hộ nhiều nhất trồng tới 25 ha. Cây mía bắt đầu bén duyên với vùng đất này cách đây khoảng 10 năm, người nông dân được các công ty Cổ phần mía đường 333, Nhà máy đường Tâm Thắng, Nhà máy đường Ninh Hòa… hỗ trợ vốn, kỹ thuật, phân bón và giúp bao tiêu sản phẩm. Những năm gần đây, mía liên tục được giá, nhiều người dân chuyển từ các loại cây trồng khác sang trồng mía và có được thu nhập cao. Ông Lê Ngọc Nhơn (thôn 2) là một trong những hộ có diện tích trồng mía nhiều nhất xã, với gần 20 ha, thu nhập mỗi năm mấy trăm triệu đồng. Nhờ thu nhập từ cây mía, ông đã có cuộc sống khá giả, xây dựng nhà khang trang, sắm tiện nghi đắt tiền. Chị Nguyễn Thị Thủy (thôn 10) chuyển gần 1,5 ha đất trồng sắn sang trồng mía từ năm 2009, vụ mía năm nay, gia đình chị thu nhập gần 50 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Ở Ea Pil, rất nhiều người đã giàu lên từ cây mía, thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng là điều bình thường. Ông Lò Văn Đấm, Chủ tịch UBND xã Ea Pil phấn khởi cho biết: trước đây nói đến Ea Pil là người ta nghĩ đến một vùng đất heo hút, đói nghèo. Bây giờ diện mạo của địa phương đã khá lên nhiều, cây mía đã thực sự làm thay đổi đời sống của người dân nơi đây”.

Thêm một mùa mía ngọt lại đến, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của người nông dân Ea Pil… Và màu xanh no ấm đã thực sự trở về trên quả đồi 519 lịch sử…

 Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc