Tìm hướng đi mới cho xoài Ea Súp
Từ lâu, chất lượng trái xoài Ea Súp đã được khẳng định, được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên để tạo được thương hiệu và chỗ đứng vững chắc trên thị trường, giúp người trồng xoài có thu nhập cao vẫn còn là một bài toán khó.
Cây xoài “bén duyên” trên đất Ea Súp khô cằn từ hàng chục năm nay. Nhận thấy loại cây này dễ trồng, đầu tư ít nên người dân ở đây trồng xoài ngày càng nhiều. Đến nay, trong số 700 ha cây ăn quả của huyện thì cây xoài chiếm khoảng một nửa, tập trung ở thị trấn Ea Súp, xã Ea Bung, Ea Lê, Cư M’lan…Tuy nhiên, phần lớn người dân trồng theo kiểu tự phát, manh mún trong vườn nhà, thị trường tiêu thụ không ổn định; điệp khúc được mùa mất giá và ngược lại cứ lặp đi lặp lại, nên thu nhập từ trái xoài chẳng được bao nhiêu.
Những năm trước, xoài Ea Súp được mùa nhưng giá bán chỉ khoảng 2.000 đồng/kg nên người dân không buồn thu hoạch. Thời điểm này đang chính vụ thu hoạch xoài ở Ea Súp, nhiều vườn xoài trái chín vàng, thơm phức, giá bán 5000-6000 đồng/kg. Tuy nhiên, không vì thế mà các chủ vườn xoài ở đây vui mừng. Nguyên nhân là khối lượng trái thu hoạch mỗi hộ không nhiều, xoài chín không bảo quản được lâu, khó vận chuyển xa nên các thương lái không mấy mặn mà. Người trồng xoài phải đem đến chợ bán lẻ, còn lại để rụng vàng dưới gốc. Chị Trần Thị Liên (tổ 2, thị trấn Ea Súp) có hơn 20 gốc xoài cát bản địa đang mùa thu hoạch, chị bán lẻ ở chợ được giá 5.500/kg do thương lái không muốn mua sỉ. Trong khi đó, vườn xoài của gia đình chị Nguyễn Thị Thắm (thôn 10, xã Ea Lê) đã chín nhưng để rụng đầy dưới gốc. Chị rầu rĩ: “Những năm trước, tuy giá rẻ nhưng các mối buôn vào mua tận gốc; năm nay chở ra chợ thị trấn thì xoài dập nát hết, bán không được nên đành bỏ vậy!”
Nông dân Ea Bung thu hoạch xoài. |
Người trồng xoài Ea Súp thừa nhận, tuy xoài ở đây thơm, ngọt nhưng ruột mỏng, hạt to, quả mềm nên không vận chuyển, bảo quản được lâu. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến xoài Ea Súp không có chỗ đứng trên thị trường và bị thương lái thờ ơ. Cán bộ phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho rằng, điều kiện đất đai, khí hậu ở đây không những phù hợp với giống xoài bản địa mà còn có thể trồng được các giống xoài ghép gốc Bến Tre, xoài lai Thái Lan và cả xoài cát Hòa Lộc. Những giống xoài này có chất lượng tốt, giá cao, quả cứng, có thể vận chuyển xa nên rất dễ bán, việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng xoài là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, khó khăn là giá mua cây giống rất cao. Hiện nay, huyện Ea Súp mới chỉ có hai trang trại trồng xoài quy mô lớn thành công và cho thu nhập cao là thị trấn Ea Súp và xã Ea Bung. Anh Nguyễn Quốc Việt (thôn 9, xã Ea Bung) là người mạnh dạn đầu tư số vốn lớn để trồng xoài theo quy mô trang trại. Hiện, anh có 4 ha trồng xoài ba mùa và cát Hòa Lộc, thu hoạch mỗi năm 2 vụ, thu nhập khoảng 700 triệu đồng. Xoài của anh được các thương lái ở Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Hà Tĩnh đến mua với giá cao, đặc biệt là xoài trái vụ.
Với điều kiện của mình, việc phát triển cây xoài ở Ea Súp một cách bài bản và có chiến lược để cạnh tranh trên thị trường là điều có thể thực hiện được. Ông Trần Văn Long, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết: vấn đề quan trọng nhất là nâng cao chất lượng xoài Ea Súp bằng các giống tốt để từng bước xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thay đổi cách làm “tự cung tự cấp” bằng trồng quy mô lớn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ tốt hơn cho người nông dân về nguồn vốn, cây giống, kỹ thuật và cách xây dựng thị trường. Nếu làm được như thế, giấc mơ vê thương hiệu “xoài Ea Súp” sẽ trở thành hiện thực.
Ý kiến bạn đọc