Vụ đông xuân 2010-2011: Đối mặt với nhiều khó khăn
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 22.000 ha lúa đông xuân, chiếm 57% tổng diện tích. Tuy nhiên, hầu hết nông dân trồng lúa ở các địa phương đang phải đối mặt với một vụ lúa giảm sụt sản lượng trầm trọng.
Thiệt hại kép
Có thể nói, chưa năm nào sản xuất lúa vụ đông xuân trên địa bàn Dak Lak lại chịu thiệt hại kép như năm nay: lúa đang kỳ trổ bông thì gặp lạnh, sau đó là hạn hán làm cho hàng nghìn ha bị giảm năng suất hoặc mất trắng, khiến nhiều nông dân điêu đứng. Tại huyện Ea Kar, tuy tránh được đợt hạn gay gắt vừa qua, nhưng cây lúa lại chịu thiệt hại nặng nề do đợt lạnh hồi tháng 3. Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện, từ ngày 14 đến 30-3, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp kèm theo mưa phùn kéo dài nhiều ngày đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số đối tượng cây trồng đang thời kỳ ra hoa đậu quả, đặc biệt là cây lúa nước. Tổng diện tích bị thiệt hại 1.325ha, trong đó, lúa thương phẩm gần 1.100 ha, sản lượng bị mất 3.518 tấn; lúa lai F1 có 226 ha bị mất trên 70% năng suất, chỉ thu được 110 tấn, sản lượng bị mất 568 tấn (riêng 43,2ha của Trung tâm sản xuất giống lúa lai mới bắt đầu bung phấn nên chưa biết kết quả). Tương tự, huyện Krông Pak, cũng có trên 700 ha lúa đông xuân bị lép hạt, chiếm gần 15% trong tổng diện tích, trong đó có 143ha bị khô hạn; gần 500ha năng suất giảm từ 30% - 70%. Tại các xã Cư M’gar, Ea M’Đróh, Ea H’Đing, Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar), nhiều diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng do không có nước nên đã khô cháy. Một số diện tích, bà con chủ động gieo giống ngắn ngày nhưng cũng không tránh khỏi khô hạn, sản lượng thu được chưa bằng 1/10 năm ngoái. Trong tổng số trên 1.000 ha lúa đông xuân của huyện, có trên 256 ha bị khô hạn, trong đó 115 ha mất trắng. Ở huyện Lak, nơi được coi là vựa lúa của tỉnh cũng bị thiệt hại khá nặng có trên 368 ha bị khô hạn (mất trắng trên 50 ha); trên 1.100 ha bị lép hạt, trong đó có 929 ha bị giảm năng suất từ 30%-70%, 180ha bị giảm năng suất trên 70%... Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh, tính đến ngày 4-5, toàn tỉnh có khoảng 7000ha lúa đông xuân tại các huyện Krông Pak, Krông Ana, Krông Bông, Ea Kar, Ea Súp, M’Drak và Lak bị nghẽn đòng, lép hạt. Trong đó, gần 2.400 ha bị giảm năng suất từ 10 đến 30%, gần 3.400 ha bị giảm năng suất từ 30 - 70% và hơn 1.117 ha giảm năng suất trên 70%; tổng thiệt hại ước tính trên 135 tỷ đồng. Chưa hết, đợt nắng nóng kéo dài trong tháng 4 vừa qua cũng khiến gần 1.700ha lúa nước bị khô hạn, gây ảnh hưởng đến năng suất, trong đó đã có gần 700 ha mất trắng.
Vào vụ thu hoạch lúa đông xuân nhưng nông dân kém vui vì sản lượng sụt giảm. (Ảnh: L.N) |
Nguy cơ thiếu đói và thiếu lúa giống
Hiện toàn tỉnh đã thu hoạch được 57% diện tích lúa đông xuân, năng suất đạt 55 tạ/ha. Theo đánh giá của Phòng trồng trọt, tiến độ thu hoạch chậm so với thời vụ và năng suất giảm hơn so với vụ đông xuân năm trước (năng suất lúa đông xuân 2009-2010 đạt gần 64 tạ/ha).
Trên cánh đồng của xã Hòa Tiến (huyện Krông Pak), chị Nguyễn Thị Khanh gom từng bó lúa nửa lép, nửa mẩy xót xa nói: gia đình có hơn 2 sào ruộng, nhưng vụ này chỉ thu được vài bao lúa, không biết lấy gì trang trải cho mùa vụ tới. Cũng giống như chị Khanh, chị Lê Thị Hà, có 3 sào lúa, mọi năm thu được khoảng 5 tạ/sào, năm nay mót tới mót lui cũng chỉ được 2-3 tạ. Đưa tay chỉ đồng lúa trước mặt, anh Y Tik ở buôn Alê, xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) cho biết, cả cánh đồng hầu như bị hư hại hoàn toàn, ruộng nào may mắn lắm chỉ được vài tạ, còn không thì mất trắng. Riêng gia đình anh có 1 sào, mọi năm thu hoạch được 7-8 tạ, năm này thu được có 1 tạ. Được biết, toàn xã Ea Hồ có 100 ha lúa nước, nhưng có đến 65 ha bị mất trắng do bị lạnh và khô hạn. Tương tự, tại huyện Cư M’gar hàng trăm nông dân cũng “dở khóc, dở mếu” vì tình trạng lúa mất trắng, nhiều nông dân thu hoạch chỉ để lấy rơm rạ làm thức ăn cho trâu, bò. Không chỉ có lúa sản xuất trong dân bị mất mùa, mà ở những cánh đồng sản xuất lúa lai cũng rơi vào cảnh khốn đốn, gần như toàn bộ 380 ha lúa giống F1 gieo cấy trong vụ đông xuân 2010-2011 đều bị mất mùa, năng suất giảm từ 60-70% tùy từng giống lúa, nhất là giống Nhị ưu 838. Trong bối cảnh đó, nguy cơ thiếu đói và cạn kiệt lúa giống đang treo lơ lửng trên đầu hàng chục nghìn nông hộ trồng lúa trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình trên, nhiều địa phương đã trích ngân sách hỗ trợ nông dân; đồng thời đề nghị Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh hỗ trợ kinh phí cho địa phương mua giống lúa cấp cho những hộ nghèo để bà con kịp thời triển khai vụ mùa 2011.
Ý kiến bạn đọc