Chỉ số giá tiêu dùng hạ nhiệt: Hiệu ứng tích cực
18:07, 23/06/2011
Sau 8 tháng có xu hướng tăng cao (từ tháng 10-2010), đến tháng 6-2011 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã giảm mạnh. Dự kiến, CPI 6 tháng của cả nước chỉ tăng khoảng 1%, giảm đáng kể so với mức tăng 3,32% trong tháng 4 và 2,21% tháng 5.
Chặn đà tăng giá
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPI tháng 6 của cả nước ước tăng 1%, giảm đáng kể so với mức tăng 3,32% (tháng 4) và 2,21% (tháng 5). Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, CPI đã ghi nhận dấu hiệu giảm mạnh. Trong tháng 6, CPI của Hà Nội chỉ tăng 1,21%. Có 10/11 nhóm hàng trong "rổ" tính CPI tăng giá, trong đó, 3/11 nhóm hàng tăng trên 1%, còn lại chỉ tăng dưới 1%. Tại TP Hồ Chí Minh, CPI đã giảm mạnh từ 2,4% (tháng 5) xuống 0,69%.
Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, trong tháng 6, giá hàng thiết yếu nhìn chung giảm và ổn định so với tháng 5-2011. Tại miền Bắc, giá thóc, gạo ổn định. Tại miền Nam, giá gạo thành phẩm xuất khẩu giảm khoảng 250-400 đồng/kg; gạo 25% tấm giảm từ 100-600 đồng/kg. Giá thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả giảm nhẹ; giá các loại thịt ổn định, riêng giá thịt lợn vẫn tăng, tuy nhiên thấp hơn tháng trước. Giá một số loại vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép ở mức ổn định. Đặc biệt, giá gas bán lẻ trong nửa đầu tháng 6 đã giảm khoảng 23.000-25.000 đồng/bình (loại bình 12kg và 13kg).
Theo các chuyên gia kinh tế, tháng 6 là tháng thứ hai liên tiếp CPI có dấu hiệu tăng chậm lại. Nguyên nhân là do các giải pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ được triển khai đồng bộ đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh các giải pháp kiềm chế lạm phát như cắt giảm vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, tiết kiệm 10% chi thường xuyên, chương trình bình ổn giá năm 2011 đã được nhiều địa phương triển khai tích cực. Tại Hà Nội, UBND TP đã tăng quỹ bình ổn giá từ mức 400 tỷ đồng (năm 2010) lên mức 475 tỷ đồng (năm 2011), để bình ổn giá 10 mặt hàng thiết yếu...
Xu hướng ổn định
Nhận xét về tốc độ tăng CPI tháng 6, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng: tốc độ "giảm nhiệt" của CPI đã xuất hiện và có khả năng kéo dài đến tháng 10. Việc CPI "hạ nhiệt" là một xu hướng tốt, chặn đứng đà tăng giá kéo dài liên tiếp trong 8 tháng qua, sẽ mang lại những tác động tích cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Về hiệu quả của chương trình bình ổn giá, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, thời gian qua, chương trình này đã được nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội triển khai tích cực. Song, để thu được hiệu quả cao, nên có một số thay đổi về cách thực hiện. Ngoài việc tăng thêm ngân sách phục vụ bình ổn giá, công tác tuyên truyền về các điểm bán hàng bình ổn cần được đẩy mạnh hơn. Việc mở rộng điểm bán hàng ra ngoại thành, tạo thêm điểm bán tại chợ truyền thống cũng rất cần thiết để người thu nhập thấp có nhiều cơ hội mua được hàng bình ổn giá....
Dấu hiệu hạ nhiệt của CPI cho thấy giá thị trường đang có xu hướng ổn định, tác động tích cực đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế sớm khôi phục đà tăng trưởng. Tuy nhiên, việc kiềm chế lạm phát vẫn còn nhiều thách thức. Việc Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến các DN, nhất là DN nhỏ và vừa gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguy cơ lạm phát và việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều quốc gia trên thế giới kèm theo áp lực tăng giá tâm lý sau khi có sự điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu trong nước (xăng, điện, than)... đã làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, tăng giá hàng tiêu dùng. Do đó, mặc dù CPI đã có xu hướng tăng chậm lại, song việc giữ chỉ số này ở con số 15% của cả năm vẫn còn không ít khó khăn, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách đưa ra những giải pháp phù hợp.
H.H (
Nguồn: HNMO)
Ý kiến bạn đọc