Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội cho xuất khẩu trái cây

17:34, 29/06/2011
Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thời gian qua, việc xuất khẩu rau hoa quả của VN sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có nhiều thuận lợi.

Thị trường Mỹ đã cho phép nhập khẩu chôm chôm VN và cấp phép cho vùng sản xuất chôm chôm có diện tích 34 ha tại Bến Tre. Đây là vùng trồng chôm chôm đầu tiên của VN được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ. Trước đó, mặt hàng thanh long cũng gặt hái nhiều thuận lợi từ những thị trường khó tính. Từ đầu năm tới nay, cả nước đã xuất khẩu 600 tấn thanh long sang Mỹ và 200 tấn thanh long sang Nhật Bản, tăng 70% so với cùng kỳ; riêng thị trường Hàn Quốc do mới bắt đầu xuất khẩu nên đạt 40 tấn. Dự kiến năm nay, lượng thanh long xuất khẩu đi Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đạt khoảng 2.600 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2010.
 
Mới đây một đoàn chuyên gia của New Zealand đã tới VN để kiểm tra các khâu chuẩn bị xuất khẩu xoài tươi vào thị trường này. Dự kiến qua năm 2012, xoài của VN có thể được xuất khẩu vào New Zealand sau khi được xử lý bằng các phương pháp là chiếu xạ và hơi nước nóng.
 
a
Mặt hàng thanh long được thị trường nướcngoài ưa chuộng

Hiện nay, nhu cầu rau quả tại Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia...đang tăng mạnh,  do vậy, có thể giá trị kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả trong năm 2011 sẽ đạt từ 500 - 510 triệu USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả của VN đang phải đối mặt với thực trạng: chất lượng ngon nhưng khó đẩy mạnh xuất khẩu do diện tích trồng tập trung ít, sản lượng không bảo đảm tiêu thụ quanh năm. Theo Cục Trồng trọt: hiện tại vùng Nam Bộ có khoảng 22 cơ sở công nghiệp chế biến rau quả (chiếm 45% so với cả nước) với tổng công suất thiết kế còn thấp, đạt khoảng 170.160 tấn sản phẩm/năm. Số cơ sở công nghiệp chế biến các loại quả thường có công suất nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu, nhãn hiệu hàng hóa ít được người tiêu dùng biết đến... Việc cung cấp nguyên liệu không đều và thiếu ổn định do chưa làm tốt công tác rải vụ thu hoạch, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà vườn với nhà máy, do đó các cơ sở chế biến hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất. Mặt khác, trong chuỗi giá trị gia tăng gắn kết giữa sản xuất - thu mua - chế biến bảo quản - tiêu thụ trái cây nước ta, khâu chế biến bảo quản còn quá nhiều hạn chế, yếu kém đã ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển ngành hàng trái cây VN. Vì vậy, trong thời gian tới, việc đầu tư vùng nguyên liệu tập trung theo hướng VietGAP để có sản phẩm sạch cho chế biến là một nhu cầu thiết yếu.

(Nguồn: CTO)

Ý kiến bạn đọc