Multimedia Đọc Báo in

Giảm thiểu rủi ro về tỷ giá: Giải pháp nhiều, sử dụng chưa bao nhiêu

09:42, 22/06/2011

Tính đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại đã đưa ra thị trường khá nhiều sản phẩm có thể giúp doanh nghiệp (DN) tránh hoặc hạn chế được một phần rủi ro do sự biến động của tỷ giá. Dù vậy, rất ít DN sử dụng các sản phẩm này, thậm chí là không biết gì về nó…

Nhiều DN xuất khẩu cà phê phản ánh, tình trạng biến động thất thường giữa tỷ giá đồng Việt Nam và một số ngoại tệ, nhất là USD trong thời gian qua đã gây cho họ nhiều thiệt hại, nhất là không tính toán cụ thể được doanh thu, lợi nhuận trong tương lai nên khó xây dựng được kế hoạch sản xuất-kinh doanh một cách chi tiết. Về vấn đề này, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) cho rằng: những thiệt hại do tỷ giá gây ra hoàn toàn có thể hạn chế được, thậm chí DN còn có thể kiếm được lợi nhuận nếu sử dụng linh hoạt các giải pháp tài chính, giải pháp giảm thiểu rủi ro về tỷ giá cũng như các gói sản phẩm ngoại hối.  Ông Nam lấy ví dụ: DN A xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ với giá trị hợp đồng là 2 triệu USD và được thanh toán sau 2 tháng kể từ ngày hôm nay (giả định tỷ giá giao ngay là 20.618 đồng/USD). Để bảo hiểm cho khoản thu của mình, DN có thể ký hợp đồng giao dịch bán kỳ hạn với ngân hàng, theo đó, sau 2 tháng, DN sẽ bán cho ngân hàng 2 triệu USD với tỷ giá kỳ hạn thỏa thuận là 21.000 đồng/USD. Tại thời điểm 2 tháng tới, nếu tỷ giá USD/đồng Việt Nam là 20.700, khoản thu của DN được bảo hiểm sẽ cao hơn so với không được bảo hiểm 300 đồng/USD, tương đương khoảng 600 triệu đồng. “Đây là một bài toán không quá khó, các DN hoàn toàn có thể thực hiện được”, ông Nam nhấn mạnh

Các ngân hàng khuyến cáo, DN xuất khẩu cà phê nên sử dụng các công cụ về tỷ giá để tránh rủi ro. (ảnh minh họa)
Các ngân hàng khuyến cáo, DN xuất khẩu cà phê nên sử dụng các công cụ về tỷ giá để tránh rủi ro. (ảnh minh họa)
Liên quan đến vấn đề giảm thiểu rủi ro về tỷ giá, tính đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng thương mại đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chứa đựng các phương pháp bảo hiểm rủi ro tỷ giá khác nhau, như: giao dịch kỳ hạn (Forward contract), giao dịch kỳ hạn ngang bằng (Par Forward), giao dịch quyền chọn (Option contract)… Mỗi sản phẩm có những đặc trưng riêng, tùy thuộc vào hoạt động của DN là xuất khẩu hay nhập khẩu cũng như những phán đoán về biến động tăng hoặc giảm của tỷ giá trong tương lai mà lựa chọn cho phù hợp. Chẳng hạn, khi phán đoán tỷ giá ngoại hối tăng, DN chọn thực hiện hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn với ngân hàng. Trường hợp phán đoán tỷ giá giảm hoặc ổn định, DN thực hiện bán ngoại tệ kỳ hạn. Trường hợp dự báo thị trường biến động mạnh, tiềm ẩn các yếu tố bất ổn không thể tính toán trước được thì DN nhập khẩu nên thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn, còn DN xuất khẩu thì thực hiện bán ngoại tệ kỳ hạn nhằm cố định chi phí đầu vào và doanh thu dự tính trong tương lai. Nhìn chung, các sản phẩm này mang lại cho DN nhiều lợi ích, nhất là phòng ngừa được rủi ro về tỷ giá, bảo đảm phương án kinh doanh khi tỷ giá biến động; kiểm soát được chi phí, ổn định lợi nhuận và chi phí trong kỳ; tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm là hiện có rất ít DN sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá mà nguyên nhân quan trọng, theo họ là có quá ít thông tin cũng như kinh nghiệm sử dụng các công cụ này. Giám đốc một DN xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh phản ánh: Lâu nay, khái niệm “đồng hành cùng DN” được khá nhiều ngân hàng nhắc đến trong chiến lược, kế hoạch kinh doanh của mình. Song thực tế cho thấy, việc “đồng hành” này còn rất mờ nhạt, những kinh nghiệm của ngân hàng trong lĩnh vực tiền tệ chưa được “chuyển giao” đến khách hàng của mình một cách đầy đủ. Tình trạng ít DN biết và sử dụng các sản phẩm nêu trên của ngân hàng đã nói lên điều đó. Về mặt lý thuyết, các sản phẩm trên mang lại cho DN nhiều lợi ích. Tuy nhiên, để chọn lựa sử dụng công cụ nào, vấn đề quan trọng là DN phải có những thông tin chính về tình hình kinh tế trên thế giới, khu vực lẫn trong nước; nắm bắt được diễn biến của thị trường tiền tệ, đồng thời phán đoán được xu hướng tăng hoặc giảm của tỷ giá giữa đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ mà DN thanh toán trong tương lai. Công việc được đánh giá là quá tầm đối với không ít DN nếu không có sự hỗ trợ, tư vấn tích cực từ phía ngân hàng. Thực tế này hoàn toàn phù hợp với những gì diễn ra tại Hội thảo “Triển vọng khu vực Tây Nguyên năm 2011 và cơ hội cho các doanh nghiệp” do VIB tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột hồi đầu tháng 3-2011. Hầu hết đại diện các DN tham dự hội thảo là những DN xuất khẩu cà phê cỡ lớn của tỉnh, có quan hệ hợp tác với VIB nhiều năm, đều tỏ ra bỡ ngỡ khi nghe đại diện VIB giới thiệu một số công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Đông đảo DN đề nghị: trong thời gian tới, các ngân hàng nói chung, VIB nói riêng sớm có cách thức hỗ trợ DN, đặc biệt là DN xuất khẩu cà phê trong việc nắm bắt thông tin kinh tế, những dự báo trong tương lai gần; kỹ năng tiếp cận các giải pháp tài chính… Về phía đơn vị tổ chức, ông Trần Hoài Nam cũng tỏ ra bất ngờ khi các DN chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lại thiếu những thông tin về các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Ông Nam cho biết, trong thời gian tới, VIB sẽ chú trọng hơn đến việc trao đổi thông tin, tư vấn cho khách hàng về những sản phẩm, dịch vụ tiền tệ, ngân hàng. Rất có thể, VIB sẽ tổ chức một số cuộc hội thảo chuyên biệt nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, lựa chọn sử dụng các giải pháp tài chính cho DN.

L.N

Ý kiến bạn đọc