"Giảm tốc” CPI - quan trọng nhất là chính sách
17:22, 29/06/2011
Để thực hiện được mục tiêu CPI không vượt quá 15% trong năm 2011 theo chỉ đạo của Chính phủ , quan trọng nhất chính sách đúng đắn, phù hợp.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, trong 2 tháng qua, chỉ số CPI đã giảm tốc liên tiếp, tốc độ tăng CPI tháng 6 là1,09%, bằng một nửa so với tháng 5 (2,11%). Nếu theo đà này thì khả năng kiểm soát thị trường sẽ tốt dần. Chỉ số CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước, các nhóm có mức tăng cao là giao thông, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, lương thực, thực phẩm.
Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước: giá hàng hóa 6 tháng đầu năm tăng cao do nhiều yếu tố: hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, ảnh hưởng tới giá hàng xuất khẩu, gây áp lực lên hàng hóa trong nước; biến động về tỷ giá tác động đến giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu nhập khẩu; chi phí đầu vào tăng; thời tiết dịch bệnh không thuận lợi...
Theo dự báo, trong thời gian tới, giá nhiều loại hàng hóa có xu hướng ổn định, tình hình dịch bệnh đã được khống chế sẽ hỗ trợ cho nguồn cung thực phẩm, nhu cầu tiêu dùng nhiều loại hàng hóa đang ở mức thấp. Tuy nhiên do đang chuẩn bị vào mùa mưa bão nên có thể gây mất cân đối cung cầu hàng hóa và tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Tổ Điều hành dự báo chỉ số CPI trong tháng 7 tăng khoảng 0,7 – 0,9% so với tháng 6.
![]() |
Nguồn cung cầu hàng hóa được bảo đảm |
Nhằm bảo cung cầu hàng hóa, đối phó với tình hình lụt bão diễn ra phức tạp trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các Sở Công Thương về tình hình dự trữ hàng hóa. Đến nay, hầu hết các tỉnh đã có báo cáo với tổng lượng hàng hóa dự trữ khả quan.
Về lượng hàng hóa cung - cầu, quan ngại nhất là vấn đề vòng quay sản xuất chậm, lượng hàng hóa tiêu thụ khó khăn. Chính vì vậy, bên cạnh việc thắt chặt tiền tệ, chủ yếu cắt giảm phi sản xuất, tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cần có cơ chế lãi suất riêng cho các ngành hàng nông nghiệp, xuất khẩu, không thể đánh đồng với nhiều nhóm hàng khác, bởi hiện nay nhiều mặt hàng tồn kho chịu lãi suất cao; có biện pháp để tháo gỡ cho doanh nghiệp giải quyết lượng hàng tồn kho để bán ra thị trường đều đặn ...
Tuy nhiên, để thực hiện giảm tốc CPI trong quý III và những tháng tiếp theo, nhiều ý kiến cho rằng: chính sách Nhà nước vừa qua đã ảnh hưởng lớn tới chỉ số CPI và lạm phát. Đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định: Lạm phát gắn rất chặt với chính sách, theo quy luật sau Tết Nguyên đán phải cho giá tiêu dùng hạ nhiệt, trở về mặt bằng giá bình thường ngay đầu năm; nhưng ngay sau tết, khi giá cả chưa hạ nhiệt thì Nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu khiến thị trường không kịp đi xuống đã tăng, gây lạm phát trở lại và tăng rất nhanh.
![]() |
Nông dân xã Ea Tân (Krông Năng) làm thủ tục vay vốn ưu đãi hỗ trợ sản xuất nông nghiệp |
Đánh giá chung về tình hình thị trường trong nước trong 6 tháng qua và những tháng tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhận xét: Chỉ số CPI trong tháng 6 thấp nhất trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, mức độ giảm hẳn thì chưa thể tính đến. Để giữ chỉ số CPI cả năm không quá 15%, phải thực hiện 3 giải pháp:
Thứ nhất, đề nghị các hiệp hội, ngành hàng, bộ, ngành đề xuất chính sách cơ chế tạo được hỗ trợ ưu đãi về lãi suất, thúc đẩy sản xuất, tránh tình trạng mất cân đối cung - cầu;
Thứ hai, nghiên cứu chính sách điều chỉnh giá, xăng, dầu, điện ở thời điểm nào để không ảnh hưởng tới việc tăng chỉ số CPI;
Thứ ba, đề nghị các bộ, ngành theo dõi chặt biến động về giá cả, tiếp tục thực hiện các chính sách, biện pháp của Nghị quyết 11 CP. Đặc biệt, các địa phương kiểm soát và giám sát chặt chẽ tình hình thị trường để nếu có biến động về hàng hóa, ảnh hưởng tới nguồn cung tạo sự bất ổn cho thị trường thì báo cáo kịp thời về cơ quan quản lý để xử lý.
H.H
(Nguồn: CTO)
Ý kiến bạn đọc