Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác xã thổ cẩm - Bao giờ tìm được lối ra...?

08:53, 29/06/2011

Trước thực tế các HTX dệt thổ cẩm trên địa bàn Dak Lak phải lần lượt đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng vì thiếu vốn và bế tắc đầu ra... đã làm nản lòng những ai còn đau đáu với cái nghề truyền thống, được coi là nét văn hóa độc đáo của các tộc người bản địa ở đây. Việc đầu tư cho người làm thổ cẩm sống được bằng nghề đang là bài toán khá hóc búa đặt ra cho nhiều HTX hiện nay.

Hầu hết các HTX thổ cẩm đều không có cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh, phải mượn tạm nhà văn hóa cộng đồng để dệt thổ cẩm.
Hầu hết các HTX thổ cẩm đều không có cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh, phải mượn tạm nhà văn hóa cộng đồng để dệt thổ cẩm.
Lay lắt với nghề
Chỉ cần dạo quanh TP. Buôn Ma Thuột để tìm hiểu thị trường thổ cẩm, bất kỳ ai cũng thấy đầu ra cho sản phẩm này thật sự đang gặp khó khăn. Những cửa hiệu bán đồ lưu niệm, trong đó có thổ cẩm của các dân tộc Êđê, J’rai, M’nông… thi thoảng mới được khách phương xa tìm đến mua một vài món (chủ yếu là túi xách, bóp, khăn choàng), còn những mặt hàng “cổ điển” khác như váy áo, tấm đắp… thì tuyệt nhiên không thấy. Chi H’Lung Niê ở buôn A Kô Dhông (phường Thắng Lợi – TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự: Mặc dù đã thay đổi mẫu mã, sản phẩm thổ cẩm cho phù hơp với thị hiếu khách hàng, nhưng để tiêu thụ được nó không phải là chuyện dễ dàng. Hàng hóa của chị em ở buôn này làm ra đem đi ký gửi tại các Shop trong phố, cũng như tại những điểm du lịch có khi mất mấy tháng trời mới bán được. Tính ra không sống nổi với nghề nên ngày càng có nhiều người đành ngậm ngùi chia tay với thổ cẩm.

Và cũng vì thế, không chỉ trong các buôn làng vắng hoe khung cửi, mà ngay cả trong những HTX dệt thổ cẩm được thành lập nhiều năm trước đây, giờ cũng lay lắt, eo sèo. Có nơi thì đã giải thể như HTX dệt thổ cẩm AlêA (phường Ea Tam - Buôn Ma Thuột); có nơi đóng cửa suốt cả gần hai năm nay như HTX dệt thổ cẩm Dăm Ye nằm ngay cửa ngõ Buôn Ma Thuột, cạnh quốc lộ 14. Đến nay chỉ còn lại HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao-Buôn Ma Thuột) là họat động cầm chừng. Mỗi tháng một xã viên làm được chừng 1-2 sản phẩm (khăn tay, túi xách), sau đó gom lại đem đi bán dạo, hoặc nhờ người quen tiêu thụ giúp, nhưng vẫn chẳng ăn thua gì. Chị H’Dăm Niê - Chủ nhiệm HTX này than thở: Vừa chạy vạy ngược xuôi để tìm đầu ra cho sản phẩm; vừa xoay xở đồng vốn giúp chị em mua nguyên vật liệu để dệt hàng đã có nhiều lúc “vắt kiệt” sức lực của mọi người trong Ban chủ nhiệm. Trước tình trạng ấy, đã có nhiều chị em phải rời xa khung dệt để theo nghề trồng trọt, hoặc chăn nuôi kiếm sống, vì đồng vốn đầu tư cho nghề truyền thống này đã trở nên hết sức khó khăn.

HTX thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao - TP. Buôn Ma Thuột), nay chỉ còn lại đôi ba khung dệt hoạt động cầm chừng do thiếu vốn và không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
HTX thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao - TP. Buôn Ma Thuột), nay chỉ còn lại đôi ba khung dệt hoạt động cầm chừng do thiếu vốn và không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Xây dựng, quảng bá văn hóa thổ cẩm
Một số HTX thổ cẩm như Tơng Bông (xã Ea Kao - TP Buôn Ma Thuột), Buôn Sút (huyện Cư M’gar), Lak… đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch “phục hưng” thổ cẩm bằng cách kết hợp ngành nghề truyền thống này với hoạt động du lịch văn hóa tại địa phương. Chị H’Miriam (HTX thổ cẩm Tơng Bông) và Amí Liu (HTX thổ cẩm Buôn Sút) đã nhiều năm nay bỏ không ít công sức cùng với chị em thạo nghề nghiên cứu, tìm hiểu và nắm vững các yếu tố văn hóa thổ cẩm của dân tộc mình để phô diễn, giới thiệu với du khách, mong xoay chuyển tình hình khó khăn trước mắt. Song khổ một nỗi, nguồn vốn đầu tư ban đầu không có, hạ tầng cơ sở để có thể kết hợp giữa du lịch và văn hóa thổ cẩm chưa thể đáp ứng được, nên lại rơi vào tình cảnh “lực bất tòng tâm”. Amí Liu tâm sự: Có đôi lần một số đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh dẫn khách đến Buôn Sút tham quan, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm của bà con. Và qua sự giới thiệu, quảng bá của các nghệ nhân ở đây về thổ cẩm, họ tỏ ra thích thú thật sự, nhờ vậy một số mặt hàng chủ lực và công phu nhất như váy, khố, áo, tấm đắp… được bán đi với giá khá cao, đủ để cho chị em trang trải cuộc sống và tái đầu tư sản xuất. Thế nhưng, cơ hội đó không nhiều, một năm thi thoảng đôi lần, vì thế khó khăn đối với các HTX thổ cẩm kết hợp với du lịch hiện nay vẫn chưa tìm được lối ra thật sự ổn định và bền vững.

Trao đổi vấn đề trên với ông Trương Bi - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Dak Lak, được biết: thời gian qua, Phòng nghiệp vụ của sở đã phối hợp với nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong làng thổ cẩm bản địa nghiên cứu, tìm hiểu và văn bản hóa các yếu tố văn hóa đặc sắc về nghề truyền thống này để giúp cho các HTX thổ cẩm có “cẩm nang” để quảng bá và phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, những người làm thổ cẩm - hoặc là do thiếu sự đầu tư (vốn, kỹ năng tiếp thị…), hoặc là do sự liên kết, hợp tác giữa du lịch với các làng nghề còn lỏng lẻo nên chưa tạo được động lực và cơ hội cho thổ cẩm “lột xác” vươn lên. Bởi suy cho cùng, bất kỳ một ngành nghề nào, khi vốn văn hóa của nó có bề dày và độc đáo thật sự thì sẽ lan tỏa đến người tiêu dùng rất lớn. Vấn đề ở đây là làm sao người dệt thổ cẩm am hiểu và biết cách đưa vốn văn hóa ấy đến với khách hàng dưới nhiều hình thức, góc độ khác nhau với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành.

Hiện nay, “cẩm nang” về văn hóa thổ cẩm của dân tộc Êđê đã có. Các nghệ nhân ở các HTX thổ cẩm có thể tường tận giới thiệu, hướng dẫn với mọi người về vốn văn hóa ấy của mình. Chẳng hạn như chị H’Miriam, Amí Liu… đã khái quát với khách hàng, đồng thời là du khách đến tham quan, nghiên cứu văn hóa thổ cẩm của mình rằng: Thổ cẩm là một loại vải thô được dệt thủ công bằng tay của các dân tộc thiểu số. Ở đó, tùy vào óc tư duy nghệ thuật và trình độ phát triển kinh tế mà mỗi dân tộc có mỗi cách phô diễn khác nhau về kỹ thuật dệt, màu sắc và đường nét hoa văn… nhằm đạt đến một giá trị văn hóa nhất định. So với các dân tộc ít  người ở Tây Nguyên, người Êđê có truyền thống và bản sắc văn hóa thổ cẩm khá ấn tượng. Trong kỹ thuật dệt của họ chủ yếu dùng phương pháp chắp vải để tạo hoa văn. Và việc bố cục màu sắc đối với các nghệ nhân là hết sức quan trọng. Màu sắc truyền thống của người Êđê thể hiện trên những sản phẩm (váy, khố, áo, tấm đắp…) là những màu đen, đỏ và trắng. Tuy phổ màu không phong phú lắm, còn hạn chế nghệ nhân khi tung hứng sáng tạo, nhưng không vì thế mà thổ cẩm của họ không “bắt mắt”, bởi họ biết cách phối màu hợp lý, tạo ra những đường nét sống động và tinh tế, đạt đến phong cách ổn định và riêng biệt. Nhất là hai màu đen, trắng được người Êđê (và các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung) sử dụng nhiều nhất. Hầu như nó được dành riêng để làm nền cho mặt trang trí; và chính nhờ sự tương phản mạnh mẽ đó mà thổ cẩm ở đây rất khỏe khoắn, ấn tượng. Nếu hiểu được những yếu tố văn hóa được chứa đựng trong đó thì hẳn ai cũng ra sức nâng niu, gìn giữ nghề truyền thống ấy là lẽ đương nhiên. Khốn một nỗi, những nỗ lực ấy, đến nay chưa được ai “tiếp sức”, khiến những cuộc “chia tay” với thổ cẩm vẫn đang là vấn đề ngày càng bức xúc hơn.

Phương Đình

Ý kiến bạn đọc