Kiểm soát lạm phát năm 2011 ở mức khoảng 15%
Ảnh minh hoạ (L.H) |
Tuy nhiên, nền kinh tế còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhất là trong bối cảnh tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của giá nhiên liệu, lương thực tăng và lạm phát cao ở nhiều nước trên thế giới; nhập siêu còn cao; tốc độ tăng trưởng thấp, ảnh hưởng đến việc làm và giảm thu nhập; lãi suất cao ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh; thị trường chứng khoán sụt giảm; thị trường bất động sản đang có diễn biến bất thường; đầu tư nước ngoài giảm; đời sống của người nghèo, người thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn...
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục kiên định thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ, tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu kiểm soát lạm phát năm 2011 ở mức khoảng 15%; tăng trưởng khoảng 6%; giảm bội chi ngân sách nhà nước dưới 5%; nhập siêu không quá 16%; tiết kiệm chi thường xuyên 10%.
Trong đó, một số nội dung đáng chú ý để thực hiện tốt những mục tiêu trên là: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%, trong đó chú ý điều hành phân bổ đều theo các quý, tháng phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt là các thời điểm mùa vụ sản xuất, kinh doanh khi nhu cầu vốn tăng cao; để tạo khả năng thanh khoản trên thị trường, tiếp tục sử dụng linh hoạt các loại lãi suất thuộc công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước; quán triệt các ngân hàng thương mại tạo sự đồng thuận, tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh; tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, vàng, đặc biệt là những tháng cuối năm, để có giải pháp điều hành thích hợp; thực hiện các biện pháp để tăng dự trữ ngoại tệ; kiểm soát nợ xấu, giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng; tăng cường thanh tra, kiểm tra tính tuân thủ, chấp hành kỷ cương của các tổ chức tín dụng và xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm; xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn hệ thống.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ theo đúng Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2011. Sau thời hạn trên, thu hồi toàn bộ về ngân sách Trung ương đối với số vốn mà các bộ, cơ quan, địa phương đã bố trí không đúng quy định; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với các công trình, dự án thực sự cấp bách, cần có giải pháp xử lý ngay về vốn thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh, chương trình hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, các dự án đầu tư các nhà máy điện, một số cầu yếu có nguy cơ sập, Trung tâm Tim mạch trẻ em và Trung tâm Ung bướu thuộc Bệnh viện Bạch Mai.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện quản lý và kiểm soát giá theo đúng quy định của Pháp lệnh Quản lý giá và các văn bản pháp luật về quản lý giá, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu, liên quan đến đời sống; kiên trì và nhất quán trong điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; điều hành linh hoạt công cụ thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, tăng thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm và giảm bội chi; nghiên cứu và xây dựng phương án miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình Chính phủ trong tháng 6 năm 2011 để xem xét báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng tại phiên họp thường kỳ này, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; Báo cáo tổng kết Dự án “Trồng mới 5 triệu ha rừng” và Kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình; Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.
Tình hình KTXH 5 tháng đầu năm 2011:
-Tổng thu NSNN ước đạt 227,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,6% dự toán năm.
-Tổng chi NSNN ước đạt 299,8 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán năm.
-Tổng đầu tư phát triển xã hội trong 6 tháng ước đạt trên 450 nghìn tỷ đồng.
-Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng thực hiện đạt 5,1 tỷ USD, bằng 94%, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt 8 tỷ USD, bằng 95% so cùng kỳ năm trước.
-Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt trên 762,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ năm trước.
-Tổng phương tiện thanh toán ước tăng 1,59% so với cuối năm 2010 (tính đến 20/5)
-Kim ngạch XK ước đạt 34, tỷ USD, tăng 32,8% so cùng kỳ, gấp 3 lần chỉ tiêu QH đề ra.
-Kim ngạch NK ước đạt trên 41,3 tỷ USD, tăng 29,7% so cùng kỳ.
-Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 2,21%, ước tháng 6 tăng khoảng dưới 1% so với tháng trước.
-Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 5,6%, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,9%, công nghiệp xây dựng tăng 6,6%, dịch vụ tăng 6,3%.
(Nguồn: Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Ý kiến bạn đọc