Loạn lãi suất huy động đồng Việt Nam: Bài toán cần lời giải
Nhìn vào thống kê, đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành thì các tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang thực hiện nghiêm quy định về trần lãi suất huy động đồng Việt Nam (VNĐ). Tuy nhiên, theo phản ánh của đại diện nhiều TCTD, những gì diễn ra trong thực tế thì hoàn toàn ngược lại…
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cũng như chi nhánh NHNN Dak Lak được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thì thị trường tiền tệ tiếp tục có những chuyển biến tích cực; NHNN đã và đang tập trung cho công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là hành vi huy động VNĐ vượt trần lãi suất. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với nhận định của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, nhiều cán bộ của các TCTD khẳng định: quy định về trần lãi suất huy động VNĐ chỉ tồn tại trên giấy, tình trạng ngân hàng trả lãi suất tiền gửi cao hơn trần lãi suất huy động VNĐ mà nhiều người thường gọi là ngân hàng “đi đêm” với khách hàng diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn. Theo ông B, cán bộ của một chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn: chưa bao giờ thị trường huy động vốn VNĐ lại lộn xộn như thời gian gần đây. Khi cuộc đua tranh giành khách hàng gửi tiết kiệm mới bắt đầu, chi nhánh của ông cũng thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước, thẳng thừng từ chối đề nghị trả thêm lãi suất tiết kiệm của khách hàng. Vậy nhưng, ngày càng nhiều khách hàng tiền gửi, trong đó có không ít khách hàng truyền thống, thường xuyên có số dư tiền gửi từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng vẫn lần lượt rút tiền đi gửi nơi khác để hưởng lãi suất cao hơn, thì chi nhánh ông không thể “đứng ngoài cuộc” được nữa. “Trần lãi suất huy động bị phá vỡ trên diện rộng chứ không còn là hiện tượng như trước; khách hàng tiền gửi chỉ cần có vài trăm triệu đồng là có thể mặc cả với ngân hàng về lãi suất. Trên thị trường đã và đang xuất hiện đối tượng khách hàng tiền gửi chuyên mặc cả lãi suất thỉnh thoảng lại đến ngân hàng nơi họ đang gửi tiết kiệm và “dọa” rút tiền đi gửi nơi khác để hưởng lãi suất cao hơn, buộc ngân hàng này phải bấm bụng chi thêm” - ông B nói thêm. Mặc dù NHNN Việt Nam không thừa nhận có tình trạng lách trần lãi suất huy động VNĐ, nhưng trong báo cáo về hoạt động ngân hàng tháng 5-2011 của đơn vị này lại thể hiện: “Lãi suất cho vay VNĐ bình quân thực tế khoảng 18,3%/năm, tăng 3%/năm so với cuối năm 2010”, hoặc “chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động VNĐ bình quân là 2,9%/năm”. Như vậy, tính lãi suất huy động bình quân đã lên đến 15,4%/năm, vượt xa trần lãi suất huy động VNĐ là 14%/năm (áp dụng cho các ngân hàng thương mại) và 14,5%/năm (áp dụng cho các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) đã được quy định tại Thông tư 02/2011/TT-NHNN. Lãnh đạo nhiều TCTD đề nghị NHNN Việt Nam điều chỉnh trần lãi suất huy động VNĐ cho phù hợp. Trường hợp giữ nguyên trần lãi suất huy động VNĐ thì phải có biện pháp phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để lập lại trật tự trên thị trường.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Dak Lak. |
Theo ý kiến một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, trước mắt, NHNN Việt Nam cần tập trung xác định, phân tích đâu là nguyên nhân chính gây ra các cuộc đua lãi suất huy động VNĐ. Đồng thời, chủ động sử dụng các công cụ lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc để điều tiết lãi suất thị trường.
Ý kiến bạn đọc