Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch thiết kế và công tác quản lý vận hành liên hồ chứa ở Tây Nguyên còn nhiều bất cập

08:25, 28/06/2011

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký và phê duyệt danh mục các hồ thủy lợi, thủy điện trên các lưu vực sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa để thống nhất về việc xả lũ, bảo đảm phát điện và an toàn cho dân cư vùng hạ du. Trong đó Tây Nguyên đã có 3 hệ thống sông: Lưu vực sông Ba (An Khê – Ka Nak, Ayun hạ, Krông Năng, sông Hinh, sông Ba Hạ); lưu vực sông Sê San (Plei Krông),Ya Ly, Sê San 4); lưu vực sông Sêrêpôk (Buôn Tua Sarh, Buôn Kuôp, Sêrêpôk 3 và Sêrêpôk 4) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa.

Khi quy hoạch thiết kế hồ chứa phải quan tâm đến việc xây dựng bài toán quy trình vận hành cho lợi ích tổng hợp và quy trình vận hành không tách rời mùa cạn và mùa lũ. Đối với Tây Nguyên bài toán giải quyết khô hạn, cạn kiệt tài nguyên nước trong mùa khô cũng là rất cấp thiết bởi thiệt hại hàng năm cho sản xuất và phát triển kinh tế ở Tây Nguyên có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng do khô hạn gây nên. Quy trình vận hành liên hồ chứa của 3 lưu vực sông ở Tây Nguyên chủ yếu là các hồ chứa thủy điện, duy nhất chỉ có hồ Ayun hạ là có nhiệm vụ cấp nước tưới cho nông nghiệp. Trong khi đó xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa chỉ tập trung bảo đảm an toàn công trình, góp phần giảm lũ cho hạ du và bảo đảm hiệu quả phát điện. Như vậy mục tiêu “Giảm lũ cho hạ du” không phải là nhiệm vụ chính của quy trình vận hành liên hồ chứa mà chỉ là góp phần. Còn “góp phần” giảm như thế nào, ảnh hưởng ra sao đến hạ du và vùng hạ lưu nào được hưởng lợi từ quy trình vận hành thì không được phân tích nêu rõ cả trong quyết định phê duyệt lẫn trong báo cáo thuyết minh. Các hồ thủy điện trong quy trình vận hành liên hồ chứa khi hạ mực nước để đón lũ được xem xét chủ yếu dựa trên cơ sở không làm giảm nhiều sản lượng điện. Trên thực tế tổng dung tích phòng lũ của các hồ chứa ở Tây Nguyên đã được phê duyệt là rất nhỏ so với tổng lượng lũ đến của các lưu vực.

Ví dụ: Trên hệ thống sông Ba (tỉnh Gia Lai) tại hồ thủy điện Ka Nak có dung tích toàn bộ là 313,70.106m3, dung tích phòng lũ chỉ có 28,2x106m3, chiếm chưa tới 9% dung tích toàn bộ. Còn với 5 hồ trên hệ thống sông Ba tổng dung tích phòng lũ của các hồ là 260,5.106m3 cũng rất nhỏ so với tổng lượng lũ 5 ngày max tại Củng Sơn là 2.507.106m3 (trạm Củng Sơn còn cách vùng hạ lưu tới 40-50km). Lưu vực sông Sê San và sông Sêrêpôk vùng bảo vệ giảm lũ hạ du là không rõ ràng, quy trình vận hành là thượng nguồn của lưu vực sông Mê Kông chỉ là giảm lũ cho hạ du và không gây biến động dòng chảy đột ngột vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Trong quy trình vận hành liên hồ khi xả lũ cũng chưa có quy định cụ thể nào về xử phạt khi xả sai quy trình.

    Thủy điện Ka Nak xả lũ nửa đêm, làm thiệt hại 14 tỷ đồng cho người dân Gia Lai     vào cuối tháng 5.                                                                                       Ảnh: T.L
Thủy điện Ka Nak xả lũ nửa đêm, làm thiệt hại 14 tỷ đồng cho người dân Gia Lai vào cuối tháng 5. (Ảnh: T.L)

Các nguyên nhân bất cập của quy trình vận hành liên hồ chứa ở Tây Nguyên có thể nói từ các văn bản quy phạm pháp luật, đến trách nhiệm quản lý, chỉ đạo chưa rõ ràng, còn chồng chéo giữa các bộ, ngành… Do vậy cách khắc phục trước mắt, cần rà soát đánh giá lại công tác quy hoạch thiết kế các hồ chứa ở Tây Nguyên, kể cả nhiệm vụ của công trình vì mục tiêu lợi ích tổng hợp để điều chỉnh, bổ sung, do bản thân quy trình vận hành có nhiều hạn chế, không thể khắc phục thay cho công tác quy hoạch thiết kế.
Đối với quy định của các hồ chứa ở Tây Nguyên: Khi mực nước hồ đã đến mực nước dâng bình thường hoặc mực nước trước lũ, lưu lượng xả lũ không được lớn hơn lưu lượng về hồ. Điều đó không sai nhưng chưa đủ vì mực nước hồ nhỏ hơn mực nước dâng bình thường, hồ có dung tích xả (Qxả = 0) đến khi mực nước đạt mực nước dâng bình thường sẽ xả lũ với lưu lượng bằng lưu lượng lũ đến, sẽ gây đột biến dòng chảy cho hạ du vì đột ngột tăng từ 0 đến lưu lượng rất lớn, sẽ gây sạt lở, thiệt hại cho người và của ở hạ du (có thể gọi đó là: “Xả lũ không an toàn”). Do đó, cần phải bổ sung thêm các điều về “xả lũ an toàn cho hạ du” vào các quy trình vận hành cho hồ chứa ở Tây Nguyên.

Ngoài ra cần rà soát lại các quy trình đã ban hành đối với hệ thống trên sông Ba, sông Sêrêpôk, sông Sê San ở Tây Nguyên bởi với trình độ dự báo lũ như hiện nay, các chủ hồ rất khó vận hành theo quy trình đã ban hành. Trước hết nói về quy trình dự báo lũ đã được Chính phủ ban hành đối với Tây Nguyên có thời gian dự kiến từ 6-12 giờ, thậm chí đối với sông vừa và nhỏ chỉ là 3-6 giờ. Nhưng trong quy trình vận hành liên hồ chứa lại yêu cầu dự báo trước 24 giờ lưu lượng về hồ (lưu lượng lũ giới hạn để tiến hành xả lũ). Ví dụ như tại hồ Ka Nak; lưu lượng (Q-120m3/s), hồ Pleikrông (Q=450m3/s), hồ Ya Ly (Q tại thủy văn Kon Tum là 350m3/s), hồ Buôn Tua Sarh (Q=600m3/s), hồ Sêrêpôk 3 là 1.000 m3/s,… là một nhiệm vụ hết sức khó khăn cho dự báo thủy văn. Đặc biệt trong tình trạng hiện nay thông tin số liệu phục vụ cho dự báo thủy văn còn nhiều bất cập, mạng lưới quan trắc, đo đạc chưa có hoặc quá thưa thớt…

Mặt khác, đối với các chủ hồ chứa, trong quy định Phó trưởng Ban Quản lý vận hành điều tiết, phòng chống thiên tai lũ lụt phải là kỹ sư thủy văn, hơn thế nữa là người phải có chuyên môn nghiệp vụ cao trong lĩnh vực này thì mới chỉ đạo và thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa có hiệu quả được; tuy nhiên trên thực tế các công trình hồ chứa đáp ứng được yêu cầu này còn rất hạn chế... Và do vậy trên hết, để công tác quản lý vận hành liên hồ chứa ở Tây Nguyên có hiệu quả hơn nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc các quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa giữa các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Kỹ sư thủy văn Nguyễn Văn Thường
(Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.