Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường các biện pháp bảo vệ đời sống và sản xuất trong điều kiện thời tiết ẩm ướt của mùa mưa

08:51, 20/06/2011

Những ngày giữa tháng 6, thời tiết ở nhiều vùng của khu vực Tây Nguyên có xu thế chuyển xấu; hầu hết thời gian trong ngày đều thấy bầu trời nhiều mây, ban ngày nắng yếu hoặc không có nắng; đêm có mưa rào; dù không xảy ra mưa to nhưng mưa rả rích, độ ẩm không khí khá cao (phổ biến trên 85%) khiến cho bầu trời lúc nào cũng âm u, ẩm ướt. Hiện tượng thời tiết này thường chỉ xảy ra trong thời kỳ giữa mùa mưa hằng năm (tháng 7, tháng 8) nhưng năm nay lại có dấu hiệu xuất hiện sớm hơn bình thường. Theo nhận định, thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều sẽ còn duy trì trong những ngày tới, sau đó sẽ có một số ngày thời tiết tốt (vào khoảng các ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7) và hiện tượng ẩm ướt, mưa dầm sẽ trở lại với mức độ cao hơn trong thời kỳ tháng 7, tháng 8. Đây một dạng thời tiết thường xuất hiện trong mùa mưa hằng năm ở Tây Nguyên, tuy lượng mưa không lớn nhưng thời gian có mưa kéo dài gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Những ngày ẩm ướt, mưa dầm kéo dài với đặc thù mưa liên miên, ít khi tạnh hẳn làm ảnh hưởng lớn tới giao thông, đi lại của nhân dân, nhất là giao thông ở các vùng nông thôn, vùng có hệ thống giao thông chưa phát triển và bị tàn phá nhiều bởi thiên tai. Ngoài ra, hiện tượng sương mù cũng xuất hiện nhiều trong thời kỳ này. Sương mù làm cho tầm nhìn giảm xuống khá thấp, chỉ còn nhìn thấy rõ trong khoảng 100mét, thậm chí có lúc chỉ còn nhìn được khoảng 10 – 15mét gây khó khăn, trở ngại cho giao thông. Để hạn chế những tác động xấu của thời tiết ẩm ướt, mưa dầm đến giao thông, đi lại của nhân dân, các địa phương cần tích cực huy động các nguồn lực để cải thiện hệ thống đường giao thông như sửa chữa những đoạn bị sụt lở, hư hỏng; gia cố cầu cống, khơi thông hệ thống thoát nước ven đường để hạn chế nước chảy qua hoặc đọng lại thành vũng trên mặt đường; cắm biển cảnh báo, nhắc nhở ở những khu vực có độ an toàn thấp; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông,…

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Đối với sức khỏe con người, trong những ngày mưa dầm, do độ ẩm không khí cao, thường trên 85%, cá biệt trên 90% làm cho mọi vật dụng, đồ dùng, chăn màn quần áo đều có thể bị ẩm mốc khiến sinh hoạt, nghỉ ngơi không được thoải mái. Mặt khác, điều kiện nhiệt độ cao lại thêm độ ẩm lớn sẽ hạn chế quá trình bài tiết mồ hôi, do đó gây khó khăn cho việc điều hòa nhiệt độ cơ thể nên người cảm thấy khó chịu, bứt rứt, lao động chóng mệt mỏi, hiệu suất kém. Vậy nên, cần bố trí thời gian lao động và nghỉ ngơi hợp lý; tăng cường các biện pháp vệ sinh; làm cho nhà cửa luôn thông thoáng, vật dụng sinh hoạt luôn sạch sẽ, khô ráo để chống lại các tác hại xấu về thời tiết cũng là một trong các biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường sống, nâng cao năng suất lao động và bảo vệ sức khỏe con người.

Trong sản xuất, mưa dầm liên miên khiến bầu trời luôn âm u, thiếu ánh nắng mặt trời làm cho quá trình quang hợp của cây trồng không được đầy đủ, cây phát triển kém, dễ bị sâu bệnh. Ở những nơi độ ẩm và nhiệt độ cùng cao thì gây tác hại về mặt sinh lý, hàm lượng nước trong hạt ngũ cốc tăng lên, gây khó khăn cho việc phơi phóng và bảo quản đồng thời thúc đẩy quá trình lên men trong hạt nhanh hơn, làm giảm phẩm chất dinh dưỡng của hạt cũng như kìm hãm sự mọc mầm trong tương lai. Do vậy, đối với việc trữ, bảo quản lương thực, thực phẩm, các dụng cụ kim loại, dụng cụ điện, điện tử, các dụng cụ quang học… cần phải bảo đảm thông gió, điều hòa nhiệt độ, độ ẩm thích hợp để tránh hư hỏng do han gỉ, ẩm mốc gây nên. Một điểm lưu ý đối với sản xuất nông nghiệp là trong thời kỳ này, xen kẽ những đợt mưa kéo dài là những ngày nắng đẹp trời, nhiệt độ tăng cũng là điều kiện cho thuận lợi cho sâu bệnh, dịch bệnh, các loại nấm mốc, vi trùng và côn trùng sinh sôi nảy nở gây hại, là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh phổ biến của cây như héo táp đầu lá, đạo ôn, nấm, tiêm lửa, phấn trắng; các loại sâu như sâu keo, sâu đục thân, đục trái, rầy nâu… Vì vậy, cần thực hiện việc gieo trồng và chăm sóc cây trồng đúng quy trình, kỹ thuật, đúng thời vụ; tích cực làm cỏ, xới xáo cho đất tơi xốp, bón phân hợp lý để tăng khả năng đề kháng của cây và chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết.

Đối với chăn nuôi, thời tiết ẩm ướt mà chuồng trại lại ít được thông gió thì các khí Amôniắc (NH3), Cácbôníc (CO2) sẽ tích tụ nhiều trong chuồng trại, gia súc, gia cầm thường bị mỏi mệt, kém ăn, chậm lớn, có khi bị bệnh. Hạn chế tác hại của thời tiết ẩm ướt trong chăn nuôi cần làm chuồng trại đủ rộng, thoáng và phải được vệ sinh thường xuyên cho sạch sẽ; không nhốt gia súc, gia cầm quá chật cũng không nên nhốt xen kẽ nhiều loại vật nuôi trong một chuồng trại.

Trong mỗi loại hình thời tiết khí hậu đều có những mặt có lợi và có những mặt hạn chế. Điều kiện nóng ẩm trong mùa mưa ở Tây Nguyên rất thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng nên mùa mưa là mùa làm ăn của các nhà nông lâm nghiệp, là mùa tăng diện tích trồng trọt, năng suất mùa màng. Nhưng mùa mưa cũng là mùa có nguy cơ cao về thiên tai, dịch bệnh. Do đó, trong sản xuất và sinh hoạt nên có sự hài hòa giữa việc đẩy mạnh sản xuất với cải thiện đời sống sinh hoạt, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, dịch bệnh có hiệu quả.

Nguyễn Văn Huy

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.