Multimedia Đọc Báo in

Cảm nhận Phú Xuân

06:47, 20/07/2011

Phú Xuân-huyện Krông Năng được công nhận danh hiệu xã Văn hóa cấp huyện từ năm 2007. Hiện địa phương này đang nỗ lực phấn đấu để ghi tên mình vào danh sách xã Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2012. Trong những thành quả đạt được, phải kể đến sự đồng thuận của người dân khi cấp ủy và chính quyền địa phương đưa ra quyết tâm xây dựng Phú Xuân trở thành mô hình điểm nông thôn mới trên địa bàn Dak Lak.

Từ câu chuyện về chợ...
Trước năm 2007, xã Phú Xuân chưa có chợ. Mọi hoạt động thương mại ở đây bị hai thị tứ nằm ở hai đầu (thị trấn Krông Năng và thị trấn Ea Kar) hút hết. Ông Văn Khả Hùng- Chủ tịch UBND xã Phú Xuân nhớ lại: Lúc ấy, bà con mình có nhu cầu mua bán bất kỳ thứ gì cũng đều tìm đến hai địa chỉ trên. Điều đó khiến cho đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Các dịch vụ, hàng quán thưa thớt làm cho bộ mặt nông thôn Phú Xuân trở nên nghèo nàn, buồn tẻ… Hơn thế, vấn đề quan trọng mà cấp ủy, chính quyền địa phương nhận ra rằng, một khi không phát triển được hoạt động thương mại thì có nghĩa “nội lực” không thể mạnh lên được. Chưa nói đến nguồn thu ngân sách bị hạn chế, điều đáng quan tâm là công ăn, việc làm cho người dân ở đây khó được cải thiện.

Vì thế vào năm 2007, xã Phú Xuân đã nỗ lực tìm mọi cách thu hút đầu tư để xây chợ. Ông Văn Khả Hùng cho biết, đầu tiên phải tìm cho được mặt bằng thích hợp. Từ 3 sào đất nằm gần trung tâm xã, liền kề tỉnh lộ 13 (nối Krông Năng-Ea Kar), chính quyền địa phương đã tích cực vận động bà con sống xung quanh khu vực đó đóng góp thêm quỹ đất 7 sào nữa để thực hiện công trình. Ngân sách xã không có thì một mặt huy động trong dân (những hộ có nhu cầu buôn bán trong chợ), mặt khác mời gọi các nhà thầu từ nơi khác đến tham gia theo phương thức hoàn trả sau khi công trình đưa vào sử dụng. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị ở địa phương, cuối cùng khu chợ Phú Xuân cũng được xây dựng khá bề thế, với quy mô gồm một nhà lồng và 32 ki ốt buôn bán cố định. Vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng cho khu chợ này lúc đó không phải là số tiền nhỏ. HĐND xã Phú Xuân có hẳn nghị quyết để giải quyết “bài toán” huy động vốn xây dựng công trình này. Ông Văn Liệu, lúc đó là Bí thư Đảng ủy xã, đến giờ vẫn không quên những dự tính (có thể nói là rất táo bạo) để thực hiện bằng được khu chợ. Ông Liệu tâm tình: Anh em cán bộ xã ít nhiều đều có mối quan hệ với các doanh nghiệp, nên chúng tôi kêu gọi họ tận dụng mối quan hệ ấy để giúp cho xã, nói đúng hơn là giúp cho bà con mình. Vì thế, những người như anh Trần Văn Huy, Văn Khả Hùng, Lê Đình Chủng, đều là cán bộ chủ chốt của xã đã ngược xuôi cả tháng trời để mời được Công ty xây dựng Tuấn Việt đứng ra thi công công trình với thỏa thuận: khi nào chợ đưa vào hoạt động và có nguồn thu, xã sẽ trả dần. Cứ thế gần hai năm sau, mọi việc được thu xếp ổn thỏa. Phú Xuân có được một công trình do chính sức mình làm nên để phục vụ kinh tế, dân sinh cho hơn 18.000 dân trên địa bàn.

Chị Lê Thị Hà, một tiểu thương trong chợ Phú Xuân cho biết: nhờ có trung tâm thương mại này, hoạt động mua bán trở nên nhộn nhịp hơn. Sự sầm uất của một vùng nông thôn nơi đây đã thể hiện rõ qua từng chuyến hàng nông sản, cây trái của miền núi xuôi về đồng bằng; và ngược lại tôm cá, hải sản từ các miền sông nước chở lên. Anh Nguyễn Hiền, chuyên thu gom bơ trái, mít, xoài… ở chợ phấn khởi cho biết: đời sống gia đình cũng như nhiều người khác đã khá hơn nhờ hoạt động kinh doanh, mua bán ngày càng được mở ra ở đây. Ông Nguyễn Kỳ - Phó chủ tịch UBND huyện Krông Năng nhận xét: Chợ Phú Xuân được làm nên từ sự đồng thuận của chính quyền và người dân nên đã phát huy hiệu quả trông thấy. Trong khi đó trên địa bàn tỉnh có nhiều khu chợ lồng được đầu tư từ ngân sách Nhà nước đến 5-7 tỷ đồng, nhưng người dân không hưởng ứng, hợp tác thì cũng đành vứt bỏ, hoặc phải chuyển đổi mục đích sử dụng, thật lãng phí! Từ câu chuyện chợ Phú Xuân, ông Văn Khả Hùng ngẫm ra: sức dân cùng sự năng động, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương chính là “nội lực” quan trọng làm thay đổi cuộc sống ở nông thôn.

Chợ Phú Xuân (Krông Năng) được đầu tư xây dựng bằng chính nguồn lực của người dân.
Chợ Phú Xuân (Krông Năng) được đầu tư xây dựng bằng chính nguồn lực của người dân.
...Đến cách nghĩ, cách làm của cán bộ trẻ Phú Xuân
Ông Nguyễn Kỳ đánh giá: Có được khu chợ như hôm nay, cần phải nói thêm đến sự năng động, dám nghĩ, dám làm của anh em cán bộ chủ chốt trẻ của Phú Xuân; và trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay rất cần những con người như thế. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã Phú Xuân đương nhiệm được xem là trẻ nhất của huyện Krông Năng. Sức trẻ ấy cộng thêm trình độ và lòng nhiệt huyết, đã cùng người dân địa phương làm nên những thành quả đáng trân trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở vùng kinh tế mới này.

Ông Văn Khả Hùng cũng rất thực tế khi cho rằng, bài toán xóa đói giảm nghèo ở đây sẽ không bền vững nếu như trong công tác điều hành, chỉ đạo, địa phương không linh hoạt và chú trọng đến tập quán sinh sống mang tính chất truyền thống, lịch sử của từng nhóm cư dân trên địa bàn, bởi mối kết dính trong đời sống của người dân từng vùng miền ở Phú Xuân thể hiện rất rõ. Chẳng hạn người Huế thì khéo buôn bán, giỏi làm dịch vụ; người Quảng Nam mạnh mẽ, xông pha; dân Hà Tĩnh, Nghệ An cần cù, chịu khó... Biết những “đặc điểm” đó để cấp ủy và chính quyền xã mở hướng cho bà con làm ăn có hiệu quả hơn. Từ đó, phân công cán bộ phụ trách công tác xóa đói, giảm nghèo ở những thôn có người Huế sinh sống thì phải nắm rõ mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ để có những gợi ý, định hướng sát thực cho Ban chỉ đạo xã ra những quyết định phù hợp. Anh Lê Đình Chủng- Phó chủ tịch UBND xã, thành viên trong Ban công tác xóa đói, giảm nghèo Phú Xuân dẫn chứng: Từ thực tế nảy sinh là nhiều ngành nghề được coi là thế mạnh của người Huế như may mặc, chạm khắc mỹ nghệ… không thể phát huy được ở địa phương anh đã đề xuất chủ trương khuyến khích loại hình lao động này ra các tỉnh, thành khác làm ăn, tích lũy tiền bạc gửi về phát triển kinh tế gia đình. Nhờ thế, trong những năm qua, cộng đồng người Huế ở đây đã có hàng trăm lao động có tay nghề vững vàng đi làm ăn các nơi và hàng năm mang về cho gia đình số tiền không nhỏ, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Những cộng đồng cư dân khác ở Phú Xuân cũng vậy, bằng cách này hay cách khác, cán bộ xã phụ trách đều tìm ra hướng giải quyết cho người dân. Trong đó, nói như Bí thư Đảng ủy xã - Trần Văn Huy là việc tích lũy đất đai để phát triển và xóa nghèo bền vững được chính quyền địa phương khuyến khích, chú trọng. Với dân số đông mà diện tích đất tự nhiên chỉ hơn 4.500 ha thì quả là thách thức trong phát tiển kinh tế, xã hội của địa phương. Song, không vì thế mà Phú Xuân không tìm được lối ra - anh Huy cho biết phải tạo điều kiện  cho các hộ sản xuất nông nghiệp tích lũy đất đai: mua lại từ các nông lâm trường, khai hoang phục hóa diện tích đất cằn cỗi, ao đầm. Nhờ thế, đến nay trên địa bàn xã đã có vài chục trang trại nông nghiệp hình thành, góp phần giảm số hộ nghèo ở Phú Xuân xuống còn 8,39%. Phú Xuân phấn đấu trong 4 năm nữa xã sẽ không còn hộ nghèo.

Có thể nói, ngày nay Phú Xuân đã có nhiều đổi thay sâu sắc, kinh tế tăng trưởng ổn định hàng năm trên 12%. Tiềm năng, nội lực trong dân được khơi dậy để xây dựng quê hương. Xin ghi lại những đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Krông Năng thay cho lời kết: Chưa có địa phương nào mà trên tất cả 32 thôn đều có nhà văn hóa. Đường giao thông nội vùng cũng đã bê tông hóa hoàn chỉnh bằng chính nguồn lực của người dân và sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ trẻ, giàu tâm huyết ở đây. Và trên đà phát triển ấy, ai cũng tin Phú Xuân là một trong những địa phương đầu tiên sẽ vinh dự đón nhận danh hiệu xã Văn hóa cấp tỉnh trong năm tới.

Đình Đối

Ý kiến bạn đọc