Multimedia Đọc Báo in

Chống thất thu thuế TNDN cần phải quyết liệt, đồng bộ

09:15, 15/07/2011

Vấn đề quan trọng là ngành thuế phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện nghĩa vụ thuế cần bảo đảm sự công bằng giữa những người nộp thuế với nhau. Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN) khi nói về việc chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong hoạt động kinh doanh cà phê mà ngành thuế đang triển khai.

Theo các DN, việc chống thất thu thuế TNDN đối với hoạt động kinh doanh cà phê đã được các cấp, ngành liên quan đưa ra “mổ xẻ”, xây dựng phương án thực hiện từ nhiều năm trước. Cụ thể: cuối năm 2007, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 14 về việc chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh cà phê. Theo đó, giao Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Thương mại và Du lịch (nay là Sở Công thương) khảo sát, dự báo để xây dựng giá cà phê thực tế bán ra theo nguyên tắc giá thị trường, nhằm ngăn chặn lợi dụng nâng giá mua vào để trốn thuế TNDN;  Cục Thuế tỉnh xây dựng phương án chống thất thu thuế TNDN đối với hoạt động kinh doanh cà phê và chỉ đạo các chi cục thuế huyện, thành phố triển khai thực hiện. UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá mua cà phê theo từng thời điểm, tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm thu mua trá hình, núp bóng doanh nghiệp… Cụ thể hóa nội dung Chỉ thị 14, đầu năm 2008, Cục thuế tỉnh đã triển khai Phương án chống thất thu thuế TNDN đối với hoạt động kinh doanh cà phê. Theo đó, tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu tối thiểu là 0,5%. Nếu đơn vị nào có tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu thấp hơn ngưỡng trên sẽ bị xem là kê khai chưa sát đúng, phải giải trình bổ sung.

a
Chế biến cà phê xuất khẩu. (Ảnh minh họa)
Dường như, ngưỡng thu nhập chịu thuế/doanh thu nêu trên không phản ánh đúng tình hình thực tế, nên đến tháng 11-2008, tỷ lệ này được hạ xuống còn 0,3%. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là kết quả chống thất thu trước và sau khi có Chỉ thị 14 và Phương án chống thất thu của ngành thuế chưa có sự khác biệt đáng kể nào. Theo các DN kinh doanh ngành hàng cà phê, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, song nguyên nhân cơ bản nhất là do công tác chống thất thu chưa được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ. Thực tế cho thấy, việc quản lý còn bị buông lỏng, làm theo kiểu “mềm nắn, rắn buông”. Vì thuế TNDN chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với số thuế mà cơ quan thuế thu được từ các DN, nên không ít chi cục thuế chỉ quan tâm đến VAT. Và cũng chính vì lý do này, một số chi cục thuế không dám “mạnh tay” chống thất thu thuế TNDN vì sợ mất nguồn thu VAT do DN sẽ chuyển sang địa bàn khác để kê khai…

Từ thực trạng trên, nhiều DN đề nghị: để việc chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh cà phê đạt hiệu quả, Cục thuế tỉnh cần có biện pháp tổ chức công việc cho phù hợp. Nên chăng Cục yêu cầu các chi cục thuế xây dựng dự kiến thu thuế TNDN hàng năm. Trên cơ sở đó, Cục tiến hành giao chỉ tiêu thu cả năm cho từng chi cục nhằm khắc phục tình trạng quản lý theo kiểu “được chăng hay chớ” hiện nay. Cùng với đó, ngành thuế phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nộp thuế, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện.

Trần Sáu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.