Multimedia Đọc Báo in

Đi tìm không gian “xanh” trong định hướng quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột

14:47, 13/07/2011
Không chỉ đẹp độc đáo về kiến trúc, về tôn trọng giá trị bản sắc văn hoá, khái niệm “xanh” cũng là đích ngắm của công tác quy hoạch Buôn Ma Thuột được nhiều chuyên gia đề cập tới. Cùng kỳ vọng một Buôn Ma Thuột – thủ phủ kinh tế - văn hóa - xã hội, thủ phủ xanh của vùng Tây Nguyên, “xanh” không đơn thuần là xanh về môi trường, thiên nhiên mà còn bao gồm ý nghĩa phát triển bền vững.
Một góc thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh: G.T))
Một góc thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh: G.T)

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Hãy nâng niu, yêu quý đặc trưng thiên nhiên Buôn Ma Thuột đang sở hữu.

Buôn Ma Thuột sở hữu một vùng thiên nhiên rộng lớn, đặc trưng thiên nhiên đa dạng với nền nhiệt độ mát mẻ quanh năm. Theo đó, đây là mảnh đất hội tụ những điều kiện tốt để quy hoạch một đô thị sinh thái đặc trưng cho cao nguyên với các khu chức năng đô thị nằm đan xen trong cảnh quan cây xanh, mặt nước sắp xếp theo địa hình từ Bắc xuống Nam và tạo vòng cung về phía Đông. Hãy nâng niu, yêu quý những gì Buôn Ma Thuột đang sở hữu. Thể hiện là trong định hướng chiến lược phát triển không gian của thành phố, các khu chức năng đô thị phải tôn trọng đặc trưng địa hình, tôn trọng yếu tố địa lý tự nhiên để khai thác và làm đẹp đô thị.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch: Dành nhiều khoảng không cho việc phát triển các công viên rừng.

 Ở góc độ du lịch, Buôn Ma Thuột là cửa ngõ của du lịch Tây Nguyên, là trung tâm cung cấp các dịch vụ thiết yếu cũng như các thông tin du lịch và phương tiện cho du khách khi đến du lịch Dak Lak và Tây Nguyên. Theo đó, vấn đề đặt ra đối với việc phát triển du lịch ở thành phố trẻ này là xây dựng môi trường xanh song hành với sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nếp sinh hoạt văn minh của người dân. Trong không gian phát triển của thành phố tương lai cần dành nhiều khoảng không cho việc phát triển các công viên rừng để Buôn Ma Thuột thực sự là điểm đến xanh điển hình mang đậm bản sắc Tây Nguyên.

Giáo sư Heng Chye Kiang, Trường Đại học quốc gia Singapo: Đề cao đặc trưng cảnh quan tự nhiên và văn hóa trong thiết kế không gian đô thị.

 Để Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ xanh của vùng Tây Nguyên, trong thiết kế cần tuân thủ nguyên tắc đề cao các đặc trưng về cảnh quan tự nhiên và văn hoá của khu vực. Đề cao các đặc trưng cảnh quan tự nhiên thể hiện ở chỗ là làm nổi bật đặc điểm địa hình, củng cố hệ thống mặt nước hiện có. Còn đề cao đặc trưng về cảnh quan văn hoá của khu vực có thể làm nổi bật lên đặc điểm lịch sử của Buôn Ma Thuột. Nguyên tắc thiết kế này có thể thể hiện ở việc tạo ra các cảnh quan tuyến phố, những cạnh mảng đô thị có hình thái cảnh quan của vùng ngoại ô với các đặc điểm như có nhiều không gian mở, không gian trang trại và công trình hài hoà với môi trường xanh xung quanh; tạo các hành lang, điểm kết nối xanh giữa các khu vực không gian mở chính thông qua việc thiết kế lối đi bộ, công trình kiến trúc phụ trợ và dải phân cách nhằm nâng cao chất lượng không gian công cộng.

Ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – Bộ Giao thông Vận tải: Quan điểm không gian xanh tạo cách nhìn khác cho quy hoạch mạng lưới giao thông Buôn Ma Thuột.

Nếu dựa trên quan điểm phát triển Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê xanh sẽ đặt ra cho quy hoạch giao thông đô thị một cách nhìn khác so với quy hoạch giao thông ở các thành phố lớn khác. Ví dụ khi hoạch định chỉ giới quy hoạch xây dựng cần xem xét quy mô mặt cắt ngang của các trục đường sao cho việc bố trí vỉa hè đủ rộng, đủ để trồng cây xanh, quan tâm nhiều hơn đến đường dành cho người đi bộ đồng thời tách được các dòng xe thô sơ ra khỏi dòng xe cơ giới. Tại các nút giao thông cần xem xét tới các điều kiện đủ mở rộng làn xe theo các hướng. Dải phân cách cũng phải bố trí đủ rộng để trồng cây xanh nhằm giảm ảnh hưởng của giao thông như bụi, tiếng ồn đến môi trường sống của người dân.
 

Hiện tại Buôn Ma Thuột chưa có đường sắt. Theo chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2030 và Quyết định số 07/2011/QĐ/TTg ngày 25-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định: Cần nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Đà Nẵng – Kon Tum thuộc tuyến đường sắt Tây Nguyên từ Đà Nẵng – Kon Tum – Dak Lak – Buôn Ma Thuột – Chơn Thành đến thành phố Hồ Chí Minh. Đây là loại hình vận tải thân thiện với môi trường, vì vậy việc tổ chức kết nối giữa đường sắt quốc gia và các loại hình vận tải khác một cách hợp lý ngay trong quy hoạch đô thị là cần thiết.

 

Đàm Thuần (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc