Diện tích trồng sắn tăng mạnh
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2010 toàn tỉnh có 27.500 ha trồng sắn nhưng đến nay đã tăng lên gần 35.000 ha (tăng khoảng 30% diện tích), tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Súp, Ea H’Leo, Ea Kar, Krông Bông, M’Drak.
Niên vụ 2010, giá sắn tăng lên khá cao nên người dân ồ ạt chuyển đất trồng hoa màu, đậu đỗ sang trồng sắn. |
Niên vụ 2010, giá sắn tăng lên khá cao, một số hộ nông dân trồng sắn thu tiền tỷ, đó là động lực thúc đẩy người dân mở rộng diện tích trồng sắn. Số hộ trồng vài chục ha sắn trở lên ngày một tăng. Ở nhiều địa phương, nông dân đang ồ ạt chuyển đất trồng hoa màu, đậu đỗ sang trồng sắn, thậm chí nhiều vùng đất đỏ bazan màu mỡ cũng chuyển sang trồng sắn. Nhiều hộ dân còn lấn chiếm rừng để trồng sắn, bất kể đó là rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn hay rừng của Vườn Quốc gia… Trước tình trạng trên, các ngành chức năng đã khuyến cáo các địa phương, nông dân trồng sắn nên luân canh với các loại cây trồng khác, không nên trồng sắn trên một diện tích đất liên tục từ 3 vụ trở lên và phải sử dụng phân hữu cơ, chống xói mòn bởi sắn còn là loại cây trồng làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất rất lớn. Ở những vùng đất bazan màu mỡ, không nên trồng sắn mà chọn những cây màu, cây công nghiệp ngắn, dài ngày có giá trị kinh tế cao hơn để đất không bị thoái hoá, cạn kiệt nguồn dinh dưỡng. Hơn nữa, trồng sắn phải theo quy hoạch để đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn, tránh tình trạng sản lượng quá tải đối với nhà máy.
H.C
Ý kiến bạn đọc