Kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn đối mặt với áp lực lạm phát
15:59, 29/07/2011
6 tháng đầu năm 2011, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh đã “vật lộn” với nhiều khó khăn để trụ vững và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong một số lĩnh vực thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất nông, lâm nghiệp… Tuy nhiên, mảng sáng đó vẫn chưa rõ nét, trong khi khó khăn của những tháng còn lại là rất lớn.
Có thể thấy rằng, trong phát triển kinh tế những tháng đầu năm 2011, Dak Lak chỉ có một số thuận lợi là giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn… tăng cao, nhưng bên cạnh đó, khó khăn cũng không phải ít, nhất là tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, giá cả hầu hết các loại nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất đều tăng cao, kéo theo giá cả trong nước cũng hình thành một mặt bằng mới. Ngoài ra, thời tiết, dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến bất thường đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, chỉ riêng vụ đông xuân 2010-2011, toàn tỉnh có gần 2.620ha cây hàng năm bị khô hạn và hơn 10.415ha cà phê bị thiếu nước tưới nghiêm trọng; hơn 1.652 ha lúa bị khô hạn (gần 615 ha mất trắng), trên 720 ha ngô (mất trắng 336 ha), 245ha đậu đỗ các loại (trên 115ha mất trắng); khoảng 7.688 ha lúa bị ảnh hưởng gió lạnh gây lép hạt, nghẹn đòng, không trổ bông, trong đó có hơn 1.574 ha mất trắng. Trong chăn nuôi cũng vậy, chỉ qua nửa năm mà người chăn nuôi phải đối mặt với cả 3 loại dịch bệnh nguy hiểm là lở mồm long móng, tai xanh trên lợn và cúm gia cầm, mặc dù được khống chế ngay từ đầu, không để lây lan trên diện rộng, nhưng vẫn gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao đã tác động xấu đến sự phát triển của cả nền kinh tế, đặc biệt ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm do giá thành sản xuất cao.
Theo số liệu tổng hợp của UBND tỉnh, tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm đạt khoảng 50% kế hoạch (KH) cả năm (KH), tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 54% KH, so với cùng kỳ tăng trên 5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chưa đến 40% KH, tăng gần 18%; khu vực dịch vụ xấp xỉ 50% KH, tăng gần 21%. Nhìn chung, mảng sáng nhất trong kinh tế 6 tháng đầu năm 2011 là thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 59% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 52% kế hoạch năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2010. Trước những tác động tiêu cực, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cả năm 2011, UBND tỉnh đã kịp thời xây dựng bổ sung nhiều giải pháp quan trọng: Về sản xuất nông nghiệp, bám sát diễn biến của thời tiết và tình hình sâu bệnh hại để có phương án phòng chống hữu hiệu; kiểm tra tất cả các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ, làm tốt công tác ứng cứu kịp thời khi có thiên tai. Đặc biệt, cần chú trọng mở các lớp đào tạo, huấn luyện nông dân, nhất là đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa lai. Về công nghiệp, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh công tác quản lý và xúc tiến đầu tư. Cùng với đó, tỉnh sẽ làm việc với các ngành liên quan, có kế hoạch cung ứng điện, nước bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình giá cả thị trường, bảo đảm ngăn chặn kịp thời các hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá sai quy định...
Lạm phát tăng cao khiến sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng |
Nhìn về 6 tháng cuối năm, có thể thấy áp lực lớn nhất vẫn là lạm phát. Qua thực tế cho thấy, giá tiêu dùng tháng 6-2011 tăng 1,29%, đã có sức giảm tương đối lớn so với tháng trước đó (giá tiêu dùng tháng 5-2011 tăng 2,43%) nhưng vẫn còn tăng hơn 14% so với tháng 12-2010. Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết: do ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất cao, khu vực sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm lại, đặc biệt là DN nhỏ và vừa có lợi nhuận giảm sút, một số phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Điều đó sẽ ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của những tháng cuối năm 2011, thậm chí là các năm tiếp theo.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc