Nghề nuôi cá ở Ea Kao - TP. Buôn Ma Thuột: Thấp thỏm nỗi lo...
09:45, 27/07/2011
Xã Ea Kao-TP Buôn Ma Thuột lâu nay được xem là vùng nuôi cá thương phẩm trọng điểm của Dak Lak. Các loại cá thương phẩm ở đây cung cấp phần lớn cho thị trường thành phố và các huyện lân cận với số lượng từ 2,5- 3 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, theo đánh giá của phòng nuôi trồng thủy sản (Sở NN-PTNT) thì nghề nuôi cá ở Ea Kao đang đối mặt với nhiều khó khăn đang nảy sinh từ thực tế nuôi trồng và tiêu thụ.
Không dám đầu tư
Đó là giải bày của hầu hết các hộ nuôi cá ở Ea Kao hiện nay, Bởi họ cho rằng nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương này ngày càng bộc lộ rõ sự bấp bênh và thiếu bền vững. Ông Đậu Đức Dục (thôn 4) tâm sự: Với mặt nước rộng hơn 4 sào của gia đình, nếu dốc sức đầu tư cho nghề nuôi cá thương phẩm (rô phi, mè, chép, trắm cỏ…) thì mỗi lứa, khoảng bốn tháng có thể thu được từ 7-8 tấn cá. Theo thời giá hiện tại, cá được bán 27.000-28.000 đồng/kg, tính ra, mỗi lứa gia đình ông cũng thu được hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn lời một nửa. Ông Dục tính toán, một năm chỉ cần nuôi hai lứa thì mức lợi nhuận cũng kha khá, khoảng trên dưới 200 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, hoặc các loại rau màu khác. Vậy, tại sao gia đình ông Dục và nhiều hộ khác ở Ea Kao chỉ nuôi một năm một lứa cá? Câu trả lời của họ là chi phí đầu vào hiện nay quá đắt đỏ, trong khi đầu ra lại bấp bênh. Anh Phạm Viết Quyền, một trong những hộ nuôi cá lâu năm ở đây cho biết, với giá cá bán ra như hiện nay thì còn được, chứ xuống trên dưới 20.000 đồng/kg thì coi như “công cốc”, hay nói đúng hơn là làm để “vổ béo” cho các đại lý bán thức ăn cho cá! Anh Quyền làm một phép tính: sắp tới, nếu giá cá được giữ nguyên 27.000- 28.000 đồng/kg, nuôi cá trên mặt nước một sào, sản lượng thu hoạch hơn 2 tấn, tương đương 54 - 55 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn cho cá trên dưới 30 triệu đồng, tính ra vẫn có lời và vẫn có thể sống được với nghề nuôi cá. Nhưng khổ nỗi, không ai lường trước đầu ra lên xuống thế nào để có kế hoạch đầu tư và yên tâm sản xuất.
Cũng như nhiều hộ nuôi cá ở Ea Kao, ông Đậu Đức Dục không dám đầu tư mở rộng quy mô ao đầm và tăng vụ cá vì lo ngại chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra bấp bênh. |
Theo anh Quyền, giá thu mua cá ở đây luôn thất thường bởi do thương lái thao túng. Chuyện bắt chẹt, ép giá đối với người nuôi cá thường xuyên xảy ra, khiến không ai dám đầu tư chuyên tâm với nghề nuôi cá một năm 2-3 lứa. Vì thế phải canh tác thêm cây lúa, hoa màu để tránh rủi ro. Và chính nỗi lo ấy đã hạn chế năng lực nuôi trồng thủy sản ở vùng đất giàu tiềm năng này. Ông Nguyễn Đức Hạnh - Thôn trưởng thôn 4 cho biết, không kể thôn 2, chỉ riêng thôn 4 hiện có hơn 60 ha mặt nước nuôi cá thương phẩm, sản lượng mỗi năm đạt trên 500 tấn. Nếu người dân đầu tư nuôi mỗi năm hai lứa trở lên thì sản lượng còn cao hơn nhiều, và Ea Kao sẽ là vùng cung cấp cá thương phẩm lớn nhất nhì của tỉnh. Từ đó, nghề nuôi cá ở đây không chỉ giải quyết được công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ, mà còn mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều hộ gia đình sở hữu mặt nước tử 4-5 sào trở lên. Ông Hạnh cũng như nhiều người khác còn kỳ vọng lớn hơn: nghề nuôi cá được sắp xếp, tổ chức lại một cách khoa học, gắn kết bền chặt dựa trên tinh thần tập thể của các hộ cùng nghề…
HTX nghề cá - Tại sao không?
Nhìn chung nghề nuôi cá ở Ea Kao hiện vẫn trong tình trạng riêng lẻ, manh mún nên trong quá trình sản xuất, tiêu thụ còn gặp nhiều bất cập. Không chỉ bị thương lái bắt chẹt; chi phí đầu vào ngày càng tăng, mà người nuôi cá còn phải đến các đại lý cám mua nợ và phải chịu lãi suất 5%/tháng, cùng với các rủi ro khác như dịch bệnh, tuyển chọn cá giống không bảo đảm, vệ sinh ao hồ không đúng qui cách, hoặc theo kiểu “mạnh ai, nấy làm” đã “cầm chân” nghề nuôi cá ở đây trong thời gian qua, không cách nào “phất” lên được.
Trước thực tế đó, nhiều người như ông Quyền, ông Hạnh, ông Dục… đã có ý tưởng tập hợp những hộ nuôi cá thành một tập thể kinh tế. Sau đó tổ chức lại cung cách làm ăn theo hướng tập trung, khép kín từ khâu nuôi thả cho đến tiêu thụ sản phẩm…phải thật sự chủ động và thống nhất cao. Ông Quyền cho rằng, làm như thế mới từng bước tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Chẳng hạn hai vấn đề cốt lõi mà người nuôi cá ở Ea Kao đang quan tâm là chi phí đầu vào và tìm kiếm thị trường cho đầu ra hiện đang bị “người ngoài” chi phối. Nhãn tiền là các đại lý kinh doanh cám không cần biết người nuôi cá lời hay lỗ, cứ đến kỳ thì họ thu đủ tiền, ai thiếu thì cứ 5% lãi suất/tháng mà nhân lên. Đối với thương lái thu mua, họ nhắm vào từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đối tác để áp đặt giá một cách tùy tiện. Hộ có điều kiện nuôi cá thương phẩm đúng tiêu chuẩn (như thời gian nuôi, trọng lượng cá theo quy định từng loại) thì đỡ thua thiệt, còn hộ nào khó khăn, không theo được như đòi hỏi của thương lái thì bị ép giá đến cùng, nhưng cũng phải chấp nhận, thành ra nhiều khi người nuôi cá chỉ lấy công làm lời. Ông Quyền nhận ra, chỉ còn mỗi cách thành lập HTX nuôi cá mới giải quyết được “bài toán” trên. Một khi có HTX thì sẽ mở được các dịch vụ ăn theo như cung cấp thức ăn cho cá, tuyển chọn cá giống, vươn xa tìm thị trường tiêu thụ, kỹ thuật nuôi thả và chăm sóc cá khi có dịch bệnh xảy ra. Tất cả đều phải có phương án cụ thể, chủ động và khép kín mới mong có một ngày nghề nuôi cá thương phẩm Ea Kao được mọi người biết đến. Ý tưởng này đưa ra được hầu hết các hộ nuôi cá ở đây hưởng ứng, vấn đề còn lại là thời gian và cách tổ chức thực hiện sao cho phù hợp với thực tế - Ông Quyền nói với sự quyết tâm, tin tưởng của một trong những người đi đầu mở mang nghề nuôi cá ở đây.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc