Multimedia Đọc Báo in

Thu ngân sách 6 tháng cuối năm: Đối mặt với nhiều khó khăn mới

06:37, 20/07/2011

Kết quả thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 đạt khá cao so với dự toán được giao và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, vẫn còn mặt thiếu bền vững và dự báo nhiệm vụ thu những tháng cuối năm sẽ đối mặt với nhiều khó khăn mới…

Theo số liệu tổng hợp của UBND tỉnh: tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm được 2.011 tỷ đồng, đạt trên 59% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng thuế, phí và lệ phí là 1.758 tỷ đồng, đạt hơn 67% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm trước; thu biện pháp tài chính chỉ được 232 tỷ đồng, đạt gần 31% dự toán HĐND tỉnh giao và gần 95% so với cùng kỳ năm trước. Phân tích kết quả thu cho thấy: sở dĩ thuế, phí và lệ phí đạt cao là có phần tác động từ các nhân tố khách quan, trong đó đáng kể là giá cả một số mặt hàng cà phê, cao su, xăng dầu… tăng cao, kéo theo thu nhập của người dân, doanh thu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này cũng tăng lên, đẩy sức mua hàng hóa tăng mạnh. Cụ thể, thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng xấp xỉ 53% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu thu từ ngành cà phê. Niên vụ cà phê 2010-2011, sản lượng toàn tỉnh đạt xấp xỉ 400.000 tấn, tăng gần 5% so với niên vụ trước. Sản lượng cà phê tiêu thụ trong những tháng đầu năm khoảng 350.000 tấn, tương đương 88%. Cùng với đó, giá cà phê liên tục tăng (có thời điểm đạt 51.000 đồng/kg) đã kéo theo hoạt động của nhiều ngành nghề khác như kinh doanh vật tư, phân bón, xăng dầu… cũng sôi động hơn. Qua đó, các doanh nghiệp cũng dễ dàng thu hồi công nợ đối với các khoản đã ứng cho nông dân trong những vụ trước, nên DN có điều kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách Nhà nước. Tương tự, thuế tài nguyên thu được từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương tăng hơn 318% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài quốc doanh tăng hơn 92% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do trong thời gian này có các công trình thủy điện hoàn thành, đi vào hoạt động nên phát sinh nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên….

Thiếu vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả - là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp nợ tiền thuế. (Ảnh minh họa).
Thiếu vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả - là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp nợ tiền thuế. (Ảnh minh họa).
Mặc dù kết quả thu 6 tháng đầu năm đạt tương đối cao, nhưng theo dự báo của Cục thuế tỉnh, công tác thu ngân sách những tháng còn lại của năm 2011 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn mới, trong đó đáng lo ngại nhất là tình trạng nợ đọng thuế. 6 tháng đầu năm 2011, toàn ngành thuế đã tập trung xử lý nợ thuế cũ, hạn chế nợ mới phát sinh, nhờ đó, tính đến cuối tháng 5-2011, toàn ngành đã thu được hơn 111,5 tỷ đồng nợ thuế, tương đương gần 60% so với nợ có khả năng thu năm 2010 chuyển sang; riêng nợ thuế phát sinh năm 2011 đã thu được hơn 415 tỷ đồng. Dù vậy, tình trạng nợ đọng thuế vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí còn có nguy cơ gia tăng. Nguyên nhân do một số chi cục thuế địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác thu nợ, bố trí cán bộ làm công tác thu nợ chưa tương xứng với số nợ đọng trên địa bàn… Một nguyên nhân quan trọng khác, đó là lãi suất tiền vay ngân hàng quá cao, doanh nghiệp khó hoặc không vay được vốn ngân hàng, khiến sản xuất kinh doanh bị đình trệ cũng ảnh hưởng đến việc nộp ngân sách Nhà nước, chưa kể có một bộ phận doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền thuế để làm vốn kinh doanh, gây ra nợ đọng.

Cục thuế cho biết: trong những tháng còn lại của năm 2011, ngành thuế sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý kê khai thuế, thanh, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân nộp thuế; tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ sự biến động của các khoản nợ thuế, thực hiện nghiêm việc phạt nộp chậm; cưỡng chế, thu hồi các khoản nợ đọng đúng quy trình. Đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền triển khai các biện pháp vừa bảo đảm thu ngân sách đầy đủ, vừa tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. 

Trần Sáu

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.