Multimedia Đọc Báo in

Triển khai các dự án du lịch: Còn nhiều vướng mắc khó tháo gỡ!

10:33, 22/07/2011

Nhiều dự án du lịch được tỉnh cho chủ trương đầu tư thời gian qua là tín hiệu lạc quan trong việc khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển ngành du lịch địa phương. Nhưng thực tế, việc triển khai dự án còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Dự án du lịch thác nước đang rất thiếu nguồn vốn đầu tư.
Dự án du lịch thác nước đang rất thiếu nguồn vốn đầu tư.
Loay hoay bài toán mặt bằng và vốn
Qua kiểm tra 22 dự án du lịch được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư nằm trên địa bàn 10 huyện, thị xã và TP. Buôn Ma Thuột, đoàn kiểm tra của tỉnh đánh giá: hầu hết các dự án đều có tiến độ triển khai rất chậm so với kế hoạch; nhiều dự án có quy mô lớn, nhưng tiềm lực mỏng, gặp ách tắc trong quá trình triển khai như: không thực hiện đúng trình tự thủ tục đầu tư nên việc cấp đất chậm được phê duyệt, không đủ kinh phí đáp ứng việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng như  xây dựng các hạng mục…
Trong số 22 dự án, có 9 dự án đã tiến hành đầu tư và kinh doanh. Dự án khu du lịch hồ Lak - huyện Lak đã được quy hoạch chi tiết, do UBND huyện làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak tham gia đầu tư. Cơ sở hạ tầng đã có sự cải thiện đáng kể, góp phần tăng doanh thu và lượt khách du lịch. Tuy nhiên, quy hoạch chưa được quản lý và tổ chức thực hiện tốt; các DN đầu tư chưa có dự án được duyệt, chưa được giao đất, cho thuê đất theo quy định. Công tác quản lý đất trong khu vực quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, nên đã xảy ra tình trạng nhiều người dân làm nhà ở trên đất đã quy hoạch, ảnh hưởng đến quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Trong số hơn 100 ha diện tích được quy hoạch, mới chỉ có khoảng 10% diện tích được động thổ. Hiện nay huyện đã quy hoạch khu tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án, nhưng vẫn chưa thể thực hiện việc đền bù tái định cư cho dân.

Dự án khu du lịch văn hóa, sinh thái Buôn Đôn có quy mô  1.591 ha do Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak làm chủ đầu tư. Tính đến cuối năm 2010, Công ty đã đầu tư bổ sung vào dự án các hạng mục công trình xây dựng, máy móc, trang thiết bị …với kinh phí hơn 59 tỷ đồng; triển khai đo đạc bản đồ 1/500 trên diện tích 200 ha, còn một số hạng mục theo dự án được phê duyệt vẫn chậm được tiến hành đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng không theo quy hoạch được duyệt dẫn đến nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường. Một số hộ dân đang canh tác và sinh sống trong vùng dự án chưa thống nhất phương án đền bù giải tỏa của DN nên chưa di dời, chưa kể còn có hàng chục hộ đồng bào các buôn lân cận đang xâm canh trong vùng dự án. Dự án Khu du lịch thác Dray Knao - huyện M’Drak đã đầu tư xây dựng 16 hạng mục công trình với kinh phí gần 14 tỷ đồng và đã thu hút một lượng khách đáng kể, nhưng hiện đang thiếu vốn đầu tư các hạng mục công trình đã được duyệt; công tác kêu gọi liên doanh, hợp tác cũng còn gặp nhiều khó khăn. Dự án điểm du lịch Buôn Trí A - Huyện Buôn Đôn do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 làm chủ đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình như cầu treo, sàn si, nhà lưu trú, nhà hàng; ký kết hợp đồng thuê đất với dân thời hạn 30 năm và đã tiến hành lập dự án đầu tư giai đoạn mới. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp chưa được cấp đất, diện tích phục vụ DL khoảng 2 ha, kể cả hồ Ea Rông, đảo Ai Nô đều là thuê hàng năm của các hộ dân tại Buôn Trí nên rất khó khăn cho công tác đầu tư…

 Cầu treo qua sông - một hạng mục quan trọng của dự án du lịch sinh thái.
Cầu treo qua sông - một hạng mục quan trọng của dự án du lịch sinh thái.
Đuối sức và... bỏ cuộc
Ngoài các dự án đã tiến hành đầu tư, kinh doanh, nhiều dự án đang trong quá trình tiến hành thủ tục đầu tư cũng tỏ ra đuối sức bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là thiếu vốn. Do nguồn vốn hạn hẹp nên hầu hết dự án chưa thống nhất được phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Dự án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Chư Yang Sin mới chỉ xây dựng đề cương và dự toán kỹ thuật chứ chưa lập được dự án đầu tư vì không có kinh phí. Dự án khu du lịch Đèo Hà Lan - thị xã Buôn Hồ có quy mô hơn 200 ha với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng mới chỉ khởi động vài thủ tục rồi… để đấy. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Suối Cát thừa nhận: do tiềm lực về tài chính của công ty còn mỏng, công ty chủ quan trong việc thuê đơn vị tư vấn lập dự án mà không có sự kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện. Dự án khu trang trại sinh thái của Công ty CP cà phê Trung Nguyên tại M’Drak có quy mô gần 600 ha, tổng mức đầu tư 68 tỷ đồng cũng mới đang  trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản. Một số dự án trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như: Khu nghỉ dưỡng văn hóa-sinh thái Hoàng Lộc (tổng mức đầu tư dự kiến hơn 57 tỷ đồng), khu nghỉ dưỡng Quốc tế (4000 tỷ đồng)… đều mới dừng ở mức làm cam kết bảo vệ môi trường và hồ sơ xin thuê đất. Dự án Khu du lịch và kết hợp nghỉ dưỡng rừng Ea Kmát mới triển khai lập dự án, thiết kế quy hoạch tổng thể, chưa hoàn tất thủ tục thu hồi và bàn giao diện tích khu rừng. Dự án khu du lịch sinh  thái-văn hóa cộng đồng Ko Tam (120 tỷ đồng) huy động vốn mới chỉ đạt 10%, nhưng do dự án triển khai chậm nên một số cổ đông đã rút cổ phần.

Do khó khăn về nhiều mặt, tự xác định không đủ khả năng thực hiện dự án, nên một số chủ đầu tư đã ngậm ngùi bỏ cuộc, như Dự án khu du lịch hồ Ea Súp Thượng,  khu du lịch sinh thái thác Bảy Tầng- huyện Ea H’leo, du lịch sinh thái hồ Krông Buk hạ - Huyện Krông Pak. Mới đây, chủ đầu tư Dự án khu du lịch sinh  thái-văn hóa cộng đồng Ko Tam cho biết: thời gian khởi công và hoàn thành dự án phụ thuộc vào việc phê duyệt đất đai và công tác đền bù, giải tỏa, nhưng nếu giá thuê đất quá cao thì doanh nghiệp sẽ không tiến hành đầu tư nữa! Chủ đầu tư các dự án du lịch sinh thái ven sông thì cho rằng, việc xây dựng thủy điện trên các dòng sông đã khiến dự án không thể thực hiện một số hạng mục. Đơn cử, Dự án điểm du lịch Thác Bảy nhánh đang được đầu tư các hạng mục nhà lưu trú, cầu treo qua đảo… nhưng việc xây dựng thủy điện trên sông Sêrêpôk làm lưu lượng nước ở đây không ổn định nên không thể làm cầu qua đảo; với Dự án khu du lịch thác Krông Kmar - Krông Bông,  do địa phương đầu tư xây dựng công trình thủy điện tại khu vực thác vào năm 2005 đã làm phá vỡ cảnh quan của thác, kéo theo lượng khách du lịch giảm nghiêm trọng nên chủ đầu tư không tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 theo như đã được duyệt…
Trước thực trạng này đòi hỏi cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ hơn nữa các dự án đầu tư, giúp DN tháo gỡ khó khăn, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp đầu tư sai mục đích, vi phạm cam kết với tỉnh. Trong đợt kiểm tra vừa qua, đoàn kiểm tra đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi chủ trương đối với 7 dự án chậm thực hiện thủ tục đầu tư hoặc đầu tư kém hiệu quả; đề nghị 2 dự án không bảo đảm chất lượng phục vụ không được quảng bá, giới thiệu với du khách trong thời gian này; buộc các dự án còn lại phải cam kết cụ thể về tiến độ thực hiện… Những động thái tích cực của cơ quan chức năng chính là một trong những biện pháp cứng rắn, góp phần thúc đẩy các dự án du lịch được triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Hoa Hồng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.