Vải thiều xứ Bắc trên đất Tây Nguyên
Những năm gần đây, ở một số địa phương trong tỉnh, nông dân đã mạnh dạn phá bỏ nhiều diện tích cà phê kém chất lượng để chuyển sang trồng chuyên canh cây vải thiều và bước đầu loại cây trồng này đã và đang mang lại kết quả khả quan, thu nhập được cải thiện rõ rệt. Đây là hướng làm ăn mới đang mở ra nhiều triển vọng về khả năng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến Dak Lak người ta thường nghĩ ngay đến thủ phủ cà phê của cả nước; là xứ sở của những cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều...; là vùng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ… nhưng đến nay tại Dak Lak lại có thêm 1 loại cây ăn trái mới vốn chỉ có ở miền Bắc - đó là vải thiều. Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong tỉnh, cây vải thiều đã đem lại nguồn lợi lớn cho nông dân. Dak Lak hiện có khoảng 40ha trồng vải, tập trung tại các huyện Ea Kar, Krông Pak, Krông Năng, Krông Ana, M’Drak… và hiện nay, nhiều địa phương đang có chủ trương mở rộng diện tích trồng cây vải. Người trồng vải chủ yếu là bà con từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang… vào.
Là một trong những người đi đầu trong việc trồng cây vải thiều, đến nay mỗi năm gia đình anh Nguyễn Duy Tiên (thôn 12A, xã Ea Kly, huyện Krông Pak) có thu nhập gần 400 triệu đồng. Thành quả hôm nay là minh chứng cho sự nhạy bén và chịu khó tìm tòi học hỏi của anh. Năm 2003, khi thấy hiệu quả kinh tế của cây cà phê giảm sút nghiêm trọng, anh Tiên đã mạnh dạn chặt bỏ hơn 1ha cà phê già cỗi để chuyển sang trồng 230 cây vải thiều trên đất vườn của mình. Mùa vải năm 2011 vừa rồi thu hoạch được hơn 15 tấn trái, giá bán trung bình tại vườn từ 30.000-35.000 đồng/kg, gia đình anh thu về khoảng 450 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 400 triệu đồng. Trong thời gian hơn 8 năm qua, lợi nhuận từ cây vải đã giúp gia đình anh có cơ ngơi vững vàng, mua sắm được các tiện nghi đắt tiền… Lý giải về việc chọn cây vải làm cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình, anh cho rằng: Thời tiết và thổ nhưỡng ở Dak Lak không có gì khác nhiều so với quê hương anh – tỉnh Hải Dương - hơn thế nữa đất đai nơi đây lại phù hợp với tất cả các loại cây trồng. Thế nên, năm 2003 anh đã về quê mang các giống vải vào trồng trên rẫy nhà mình.
Anh Nguyễn Văn Hòa (thôn 1, xã Ea Sô, huyện Ea Kar) với vườn vải thiều 5 năm tuổi. |
Bước đầu do chưa nắm vững khoa học kỹ thuật cũng như việc chọn giống thích hợp với đất đai, khí hậu nơi đây nên năng suất chưa cao. Không nản lòng, anh vừa sản xuất vừa đúc kết kinh nghiệm, tiếp cận thông tin kỹ thuật thông qua tài liệu, sách báo. Những kiến thức tiếp thu được, anh đem ứng dụng vào thực tế vườn nhà, từ đó năng suất và chất lượng vải ngày càng được nâng cao. Anh chia sẻ kinh nghiệm: Muốn cây vải phát triển tốt phải nắm rõ đặc tính của cây và nên trồng các giống vải chín sớm như u hồng, u trứng, Bình Khê, Cẩm Giàng… bởi những loại này thường chín sớm hơn so với các giống vải thiều ở miền Bắc khoảng 1 tháng, và nhờ chênh lệch về khoảng thời gian thu hoạch nên giá bán cao hơn mà chất lượng không thua kém gì so với vải thiều miền Bắc. Cây vải thiều là cây trồng lâu năm, tuổi thọ của cây có thể lên tới hàng trăm năm. Là cây dễ trồng, khoảng 3-5 năm chăm sóc, cây sẽ cho trái bói và qua năm thứ 6 sẽ cho trái ổn định. Trung bình mỗi cây có thể thu về từ 1-1,5 tạ/mùa. Sau mỗi đợt thu hoạch chỉ cần tiến hành cắt tỉa các cành già, cành sâu bệnh, sau đó bón phân ủ oai và giữ ấm cho cây…
Nhận thấy mô hình trồng vải của anh Tiên đem lại lợi nhuận kinh tế cao nên đến nay đã có hàng chục hộ nông dân trong tỉnh cũng chuyển sang trồng vải thiều chín sớm chẳng hạn như gia đình anh Nguyễn Văn Hòa (thôn 1, xã Ea Sô, huyện Ea Kar) trồng hơn 300 cây vải thiều, mỗi năm mang về cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng. Không những chuyên canh cây vải, anh còn cung cấp các giống vải và hướng dẫn kỹ thuật cho hàng chục hộ dân muốn đến tìm hiểu về cách làm giàu từ cây vải. Gia đình anh Đoàn Văn Thống (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) trồng 60 cây vải thiều là giống vải đặc sản từ vùng vải Thanh Hà (Hải Dương), sản lượng khoảng 5 tấn vải/năm, với giá bán như hiện tại cũng mang về cho gia đình anh khoảng 150 triệu đồng… Hiện nay, những nông dân trồng vải tại Dak Lak đã thành lập câu lạc bộ “Vải Cao Nguyên” để thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và tổ chức các đợt đi tham quan mô hình trồng vải hiệu quả, từ đó rút kinh nghiệm chăm sóc vườn vải của gia đình cho năng suất cao hơn.
Đến nay, cây vải thiều đã có vị thế nhất định và đang dần trở thành cây ăn trái đặc sản, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nhiều địa phương trong tỉnh đang khuyến khích nông dân cải tạo vườn cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao và cây vải thiều được xem là sự lựa chọn thích hợp và triển vọng. Hy vọng trong một tương lai không xa, trái vải mang thương hiệu “Vải Dak Lak” không chỉ được người tiêu dùng tại các tỉnh miền Nam biết đến mà còn đi xa hơn, hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Ý kiến bạn đọc