Xuất khẩu cà phê: Chật vật bài toán vốn và nguyên liệu
14:52, 14/07/2011
Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu cà phê, nhưng không thể mua được hàng để thanh lý hợp đồng; có doanh nghiệp trong nước phải mua lại cà phê từ thương nhân nước ngoài với giá cao hơn cả giá xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê tháng 6-2011 đạt 115 nghìn tấn với kim ngạch 250 triệu USD, đưa tổng lượng xuất khẩu 6 tháng lên 913 nghìn tấn với kim ngạch 1,93 tỷ USD, tăng 38,6% về lượng và gấp hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê tháng 6-2011 đạt 115 nghìn tấn với kim ngạch 250 triệu USD, đưa tổng lượng xuất khẩu 6 tháng lên 913 nghìn tấn với kim ngạch 1,93 tỷ USD, tăng 38,6% về lượng và gấp hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Lượng cà phê còn tồn không nhiều |
Tuy giá cà phê vẫn đang ở mức rất cao, nhưng thị trường cà phê trong vòng 1 tháng qua có nhiều dấu hiệu bất ổn. Thị trường xuất nhập khẩu cà phê trong tháng 6 đã xảy ra một nghịch lý là, nhiều thương nhân trong nước phải mua cà phê với giá cao để xuất khẩu với giá thấp hơn và chấp nhận chịu lỗ. Nguyên nhân là các thương nhân nước ta thường ký hợp đồng xuất khẩu trước khi chưa có chân hàng trong tay, rồi sau đó mới thu mua hàng để xuất đi. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, hầu hết khối lượng cà phê đã nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Ước tính sản lượng cà phê trong nông dân hiện nay chỉ còn chưa tới 100.000 tấn, tức là chỉ khoảng 7% - 10% tổng sản lượng thu hoạch. Trong khi đó, các hãng kinh doanh nước ngoài đang chào bán mạnh trở lại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam đang thiếu hàng giao theo hợp đồng.
Theo tính toán của Hiệp hội Cà phê Việt Nam (VICOFA), hiện nay lượng tồn kho tại các kho ngoại quan và kho riêng của các hãng kinh doanh nước ngoài khoảng 200.000 tấn. Trong đó, 2 hãng lớn nhất đã chiếm hơn 50%, khoảng trên 100.000 tấn. Do nguồn vốn dồi dào và có chiến lược gom hàng tốt, các hãng này đã mua được cà phê với giá cạnh tranh. Hiện nay, nếu bán ngược lại cho thị trường nội địa sẽ được giá cao hơn so với việc đưa hàng sang châu Âu và Bắc Mỹ.
Trông chờ vào vụ thu hoạch... |
Cũng theo VICOFA, hàng cà phê trong nông dân thì hết hoặc phân tán, trong khi các công ty xuất khẩu đang chật vật với lãi vay của đồng vốn, với các hợp đồng còn nợ chưa giao, thị trường cà phê nội địa Việt Nam buộc phải nhường sân cho một vài hãng kinh doanh nước ngoài. Nếu doanh nghiệp nào không đủ sức cầm cự cho đến khi có cà phê thu hoạch vụ mới, thì sẽ có nguy cơ phá sản. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh cà phê đang khát nguyên liệu, và trông chờ vào vụ thu hoạch mới…
Việt Nam có hơn 150 công ty xuất khẩu cà phê, trong đó 20 công ty chiếm phần lớn tổng khối lượng xuất khẩu. Hiện Việt Nam xuất khẩu cà phê sang hơn 80 quốc gia và lãnh thổ, trong đó Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Italia và Nhật Bản thuộc tốp đầu 10 khách hàng lớn nhất.
H.H
(Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc