Bước “đột phá” nào cho các công ty lâm nghiệp?
Gần 6 năm thực hiện sắp xếp đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý các nông lâm trường quốc doanh theo Nghị định 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ tuy không dài nhưng cũng đủ để đánh giá thực trạng hoạt động của 15 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. 6 năm với cơ chế tự chủ, nhưng hoạt động sản xuất của phần lớn các công ty này vẫn rơi vào bế tắc…
Hoạt động chế biến gỗ tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy. |
Cùng với các công ty Nhà nước, 15 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty TNHH một thành viên theo Nghị định 25/2010/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Sau gần 1 năm trôi qua, các đơn vị lâm nghiệp này chỉ mới thay đổi được tên công ty, con dấu và tên chức danh lãnh đạo; còn thì hoạt động vẫn lúng túng, ì ạch bởi những khó khăn, tồn tại cố hữu. Theo như trao đổi của một số công ty thì trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, phần lớn doanh nghiệp đều gặp những trở ngại trong phát triển, sản xuất kinh doanh; đặc biệt đối với các công ty lâm nghiệp thì càng khó khăn hơn. Sau 6 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, khách quan mà nói: đối với những công ty có điều kiện, tiềm lực đã có những bước phát triển ổn định, Còn lại phần lớn đều lâm vào bế tắc. Bởi một điều khá dễ nhận ra, đó là chính vì tiền thân từ các lâm trường, chủ yếu là hoạt động công ích, nên nguồn vốn tự có để chủ động mở rộng sản xuất của các đơn vị này gần như bằng không. Nếu nhìn vào quá trình đổi mới từ lâm trường đến các công ty lâm nghiệp thì vẫn chẳng khác gì nhiều, vẫn “cũ từ con người đến cách quản lý”. Chính vì vậy mà hoạt động của các đơn vị này cứ ì ạch năm này qua năm khác. Ngay cả việc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trên diện tích rừng được giao, các đơn vị này cũng phải loay hoay xoay xở, chứ chưa nói gì đến việc đảm đương tốt chức năng nhiệm vụ chính là bảo vệ, phát triển rừng. Hiện nay diện tích đất, rừng được giao cho 15 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là gần 208.000 ha, chiếm gần 33% diện tích đất lâm nghiệp. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng đất đai, và lợi nhuận hàng năm thu về từ khối kinh tế này không đáng kể. Thậm chí rất nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh bế tắc, nợ lương công nhân, “sống cầm hơi” từ nguồn trích phần trăm cho chỉ tiêu khai thác gỗ tự nhiên được phê duyệt hàng năm.
Rõ ràng Nghị định 25 của Chính phủ là tạo điều kiện cho các công ty lâm nghiệp thêm một lần tiếp tục chuyển đổi; và như trao đổi của những người quản lý trong ngành lâm nghiệp: dù chưa tạo được bước “đột phá” thì cũng hy vọng tạo được bước chuyển biến tích cực đối với hoạt động của các doanh nghiệp này. Bởi khi chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty TNHH một thành viên, về bản chất quản lý đã có sự thay đổi ít nhiều. Quyền tự chủ, tự quyết của doanh nghiệp cũng được thể hiện rõ ràng, đậm nét hơn và bản thân doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển thì bắt buộc phải có sự nỗ lực tự thân rất cao. Thế nhưng, đáng tiếc đã qua 1 năm thực hiện, chuyển biến của các DN vẫn rất ì ạch…
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông) liên kết trồng rừng với người dân xã Cư Pui. |
Các doanh nghiệp, đặc biệt là công ty lâm nghiệp hiện đang phải “gồng mình” đối mặt với những khó khăn thách thức rất lớn. Đó là việc chậm thích ứng với cơ chế, môi trường sản xuất kinh doanh mới; một số công ty chỉ quản lý rừng tự nhiên là rừng sản xuất, nhiều năm nay không được giao chỉ tiêu khai thác, không được hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng nên không thực hiện được nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, dẫn tới rừng có chủ nhưng lại như vô chủ. Rồi đến cơ chế quản lý đối với hoạt động của công ty lâm nghiệp còn nhiều bất cập, khó tách bạch giữa hoạt động kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ công ích. Các công ty lâm nghiệp với mục tiêu chính là sản xuất kinh doanh và quản lý bảo vệ mà chủ yếu là rừng sản xuất, nhưng trên thực tế không phải mọi diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất đều có thể kinh doanh hàng năm. Mặt khác, nhiều công ty lâm nghiệp không dám nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do không có đủ khả năng trả tiền sử dụng đất hàng năm theo quy định của Luật đất đai. Ngoài một loạt những tồn tại, khó khăn trên thì câu chuyện về thiếu vốn là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên khó khăn, bế tắc trong hoạt động sản xuất của các công ty lâm nghiệp. Tại nhiều phiên họp của tỉnh và các sở, ngành liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp về vấn đề trên, các nhà quản lý đã chỉ ra: ngoài các yếu tố như nguồn vốn, khả năng tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh… trong các công ty lâm nghiệp còn hạn chế, thì sự yếu kém, bế tắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn có sự thiếu năng động và ý chí tự quyết trong từng đơn vị doanh nghiệp. Một cơ chế chính sách cụ thể để hỗ trợ về tài chính, tạo điều kiện cho các công ty chủ động trong hoạt động sản xuất vẫn luôn được ngành lâm nghiệp kiến nghị qua nhiều cuộc họp của địa phương cũng như trung ương như: vay vốn ưu đãi, cho ghi nợ thuế hoặc giãn thời gian nộp thuế sử dụng đất … Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có một cơ chế, chính sách cụ thể nào về vốn để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn ưu đãi, vốn vay của các ngân hàng thương mại vẫn gian nan và chật vật. Do vậy, để các doanh nghiệp “thay da đổi thịt” thật sự thì ngoài cơ chế hỗ trợ, cần nghiêm túc rà soát, đánh giá lại năng lực của các công ty để có những giải pháp khắc phục triệt để những yếu kém, từ đó có lộ trình cho sự phát triển nhanh chóng, hợp lý.
Ý kiến bạn đọc