Cẩn trọng với vàng
Gần đây, giá vàng biến động bất thường, không dừng lại ở mức “đỏng đảnh” như trước đây mà đã trở nên “điên loạn”. Đằng sau cơn sốt giá vàng còn đọng lại nhiều thông điệp đáng để mọi người, nhất là những người “đầu tư vàng theo phong trào” suy ngẫm…
Theo một số nhà đầu tư vàng, thông thường có 6 lý do khiến nhiều người “đổ xô” tích trữ vàng, bao gồm: Phòng vệ trước áp lực lạm phát gia tăng vì giá vàng nhìn chung luôn tăng cao cùng lạm phát. Tiếp đến là tránh hao hụt tài sản cất trữ mỗi khi USD giảm giá (do vàng được mua bán bằng USD, niềm tin vào USD không còn thì giá vàng sẽ tăng). Thứ nữa, trước những bất ổn kinh tế-chính trị, vàng luôn là “hàng hóa trong khủng hoảng” vì thường cho mức sinh lời cao hơn các kênh đầu tư khác. Nguồn cầu của vàng luôn tăng vượt trội so với nguồn cung, trong khi sản lượng lại đang giảm cũng khiến nhiều người chọn mua vàng. Một lý do quan trọng mà giới đầu tư tìm tới vàng vì đây là loại tài sản luôn có giá trị nội tại, dù có biến động nhưng vẫn duy trì được giá trị trong dài hạn. Và cuối cùng, vàng là tài sản lý tưởng để đa dạng hóa danh mục đầu tư chứng khoán (thông thường vàng có tương quan ngược với chứng khoán, tức là khi chứng khoán giảm thì vàng tăng giá).
Không ít người vét tiền đi mua vàng ngay cả lúc giá bị thổi cao ngất ngưởng (Ảnh minh họa). |
Thời gian qua, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước cũng gặp một số khó khăn nhưng nhìn chung vẫn phát triển đúng định hướng, nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan chuyên môn, chưa đến mức người dân đổ xô mua vàng để cất trữ. Dù vậy, vì thiếu những thông tin cần thiết, và đặc biệt là hay hành động theo phong trào, chuộng “văn hóa rỉ tai” nên nhiều người đã bị giới đầu cơ lợi dụng, gây lũng đoạn thị trường vàng để kiếm lợi. Diễn biến trên thị trường vàng trong những ngày qua cho thấy, sự “nhạy cảm” quá mức của nhiều người đối với giá vàng thế giới, nhìn nhận về dự báo giá vàng thất thường đã khiến niềm tin vào vàng trở thành thái quá, không kiểm soát được. Bản chất của giá cả là cung - cầu, cộng thêm yếu tố niềm tin trợ lực, nhiều người mua vàng với hy vọng giá sẽ còn lên, không mua nhanh thì không… còn để mua. Và như vậy là rủ nhau đi mua vàng, bất kể giá đang cao ngất ngưởng. Một nhà đầu tư nhận xét: “Sự mơ hồ về giá cả bắt nguồn từ sự lũng đoạn, còn lũng đoạn lại dựa căn bản vào lòng tham và nỗi sợ hãi. Lợi dụng điểm này, giới đầu cơ vàng đã tạo “sóng” và hốt bạc vào những thời điểm giá vàng thế giới biến động mạnh”. Giới đầu cơ được lợi cũng đồng nghĩa với không ít nhà đầu tư nghiệp dư bị thiệt. Cụ thể, người mua vàng giá cao trước hết sẽ bị lỗ một khoản tương đối lớn do giá vàng trong nước tăng nóng, sớm muộn cũng sẽ điều chỉnh để tương đương với giá vàng thế giới. Điều này đã và đang diễn ra: sau khi vượt 46 triệu đồng/lượng vào ngày 9-8-2011, giá vàng lập tức giảm mạnh và hiện nay đang giao động quanh mức 45 triệu đồng/lượng. Một khoản lỗ tiềm năng nữa, đó là giá vàng thế giới sau khi đạt trên dưới 1.800USD/ounce đã xuất hiện dấu hiệu điều chỉnh giảm. Nếu lần này lại xảy ra trường hợp giá vàng thế giới sau khi bị đẩy lên rất cao rồi sụt giảm tới mức 20%-25% như năm 2006 và 2008 thì các nhà “đầu tư theo phong trào” sẽ lỗ nặng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang xây dựng một khung pháp lý quản lý vàng theo hướng hoàn thiện, thông thoáng hơn, bảo đảm thị trường có thể hoạt động theo quy luật của nó nhưng vẫn kiểm soát được. Theo dự thảo nghị định mới về quản lý vàng thì cơ quan duy nhất được phép xuất khẩu vàng là NHNN, thông qua hình thức trực tiếp hoặc ủy quyền cho một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng. Về lâu dài, sẽ chỉ có NHNN được phép xuất, nhập vàng. Những doanh nghiệp, ngân hàng đáp ứng được các tiêu chí, sẽ được NHNN chọn làm người thu mua vàng trong dân cho NHNN và có thể được NHNN ủy quyền cho xuất số vàng đó… Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, vấn đề quan trọng nhất đối với thị trường vàng hiện nay là ngăn chặn tình trạng đầu cơ. Công bằng mà nói, giá vàng tại thị trường Việt Nam bị chi phối bởi giá vàng thế giới nên chuyện giá vàng lên xuống, cung cầu khi thấp khi cao là bình thường. Cái bất bình thường lặp đi lặp lại nhiều lần là mỗi khi giá vàng thế giới biến động tăng mạnh thì giá vàng trong nước không những tăng mạnh mà còn cao hơn hàng triệu đồng/lượng. Như vậy, lợi nhuận vào túi một số người, còn rủi ro thuộc về phần lớn khách hàng là vấn đề cần được quan tâm. Thời gian gần đây, giá vàng thường xuyên biến động, chu kỳ cũng như biên độ ngày càng thu hẹp, trong khi đó Việt Nam không thể chi phối được giá vàng cũng như cung cầu thì cách tốt nhất để tạo ra sự ổn định cho thị trường là tạo một môi trường, cơ chế thích hợp để thị trường trong nước và thế giới liên thông với nhau. Để làm được điều này, có thể tính toán đến việc bỏ giấy phép xuất nhập khẩu vàng. Bởi khi được nhập khẩu vàng, doanh nghiệp sẽ phải tính toán việc kinh doanh cho hiệu quả, trong đó có việc xuất khẩu vàng; tránh được lo ngại về việc cho nhập khẩu vàng sẽ đẩy nhập siêu lên cao. Cái được của việc chủ động về nguồn cung sẽ giúp giảm được khoảng cách về giá vàng trong nước và thế giới; đồng thời cũng tránh được đầu cơ làm giá khi thị trường khan hiếm vàng. Một giải pháp mang tính tổng thể hơn là thành lập một trung tâm giao dịch vàng quốc gia. Theo các nhà đầu tư, trung tâm này không chỉ khơi thông kênh đầu tư vàng, tạo dòng chảy cho thị trường dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, mà còn hạn chế được việc lưu hành vàng miếng trên thị trường (do giao dịch qua chứng chỉ hoặc sổ tiết kiệm gửi bằng vàng).
Ý kiến bạn đọc