Multimedia Đọc Báo in

Chủ động trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng

08:51, 24/08/2011

Hiện nay, khi cây trồng ở giai đoạn phát triển, thì cũng là lúc các loại sâu bệnh bắt đầu tấn công gây hại, nhất là ở các loại cây trồng chủ lực trong tỉnh như cà phê, lúa, tiêu và một số hoa màu. Vì vậy, bám sát đồng ruộng, tăng cường các biện pháp phòng trừ được xem là phương pháp tối ưu của nông dân.

Theo báo cáo của Chi cục BVTV Dak Lak, trên các trà lúa đông xuân đã xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại như: rầy nâu, rầy lưng trắng (mật độ trung bình 3-5 con/m2, nơi cao từ 10- 20 con/m2; tại các vùng trọng điểm về lúa như Ea Súp lên đến 150- 200 con/m2, thậm chí là 500 con/m2; Ea Kar 200- 300 con/m2 và Krông Ana 5- 20 con/m2). Ngoài ra, còn các loại sâu hại đe dọa cây trồng như: bọ trĩ, cào cào, sâu cuốn lá, đặc biệt là bệnh ngộ độc hữu cơ đang ở mức khá cao; các loại cây trồng khác như cà phê, tiêu, hoa màu… cũng bị bệnh thối gốc do nhện đỏ ve sầu. Còn đối với các huyện Krông Năng, Krông Pak, Cư M’gar… tình hình sâu bệnh hại cây trồng đang có chiều hướng xấu, đặc biệt là trên cây cà phê, bệnh rệp sáp hại quả chiếm tỷ lệ khá cao từ 10-25%; rệp sáp mềm xanh 10-20%; bệnh gỉ sắt 10-25%; bệnh thối rụng quả từ 4-17%... Tại huyện Krông Năng, toàn bộ diện tích gần 26.000 ha cà phê trong giai đoạn trái non đang phải đối mặt với nạn ve sầu hoành hành. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, mật độ ve sầu trên cây cà phê biến động từ 85- 92 con/gốc, tỉ lệ cây bị hại chiếm 94,3%. Những ngày này, khắp các xã, thị trấn trong huyện, bà con đang tổ chức phát động phong trào phun thuốc, rắc vôi bột quanh gốc cà phê để phòng ngừa dịch bệnh, tránh lây lan ra diện rộng. Riêng đối với 650 ha lúa đông xuân, nhờ công tác tuyên truyền, hướng dẫn thường xuyên của ngành nông nghiệp huyện, tình trạng sâu bệnh đã cơ bản được khống chế.

Phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh hại lúa tại huyện Krông Ana.
Phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh hại lúa tại huyện Krông Ana.
Tuy nhiên, ông Lê Rế, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Năng khuyến cáo: với diễn biến thất thường của thời tiết như hiện nay, bà con nên chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa sâu bệnh, tăng cường chăm sóc phù hợp để tăng sức đề kháng của cây; nếu phát hiện những biểu hiện bất thường trên cây trồng, cần báo ngay với chính quyền địa phương và Trạm BVTV để có phương thức xử lý đồng bộ, hiệu quả. Huyện Ea Súp được xem là vựa lúa lớn nhất Dak Lak, thời điểm này, bà con cũng đang khẩn trương hoàn thành việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đợt 1 cho lúa; đồng thời chú trọng đến việc chăm sóc các loại cây trồng khác của địa phương như bắp, đậu và rau màu. Anh Phạm Văn Ngoan, ở thôn 5, xã Ea Rôk cho hay: vụ đông xuân năm ngoái, do chưa biết cách chăm sóc cây trồng hợp lý, nên toàn bộ diện tích 8 sào lúa và 4 sào hoa màu như đậu, bắp, rau… của gia đình anh chỉ đạt năng suất thấp. Vụ này, cùng với bà con nơi đây, gia đình anh đã chủ động hơn trong công tác phòng ngừa sâu bệnh, cây trồng phát triển tốt, mong rằng sắp tới sẽ là một vụ mùa bội thu.

Trước Tình hình sâu bệnh trên, Chi cục BVTV tỉnh đã thường xuyên triển khai các phương án phòng trừ sâu bệnh, trang bị cho người dân những kỹ thuật cơ bản trong chăm sóc cây trồng, sử dụng thuốc BVTV… Đồng thời, chỉ đạo các trạm BVTV phân công cán bộ bám sát cơ sở, theo dõi và phát hiện sớm sự xuất hiện của sâu bệnh, từ đó có phương án xử lý kịp thời. Ông Hồ Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Dak Lak cho biết: cây trồng và sâu bệnh là hai đối tượng luôn song hành nhau, có cây trồng là có sâu bệnh. Để phòng tránh hiệu quả các loại sâu bệnh, các địa phương cần phát động phong trào phòng trừ sâu bệnh cho đồng ruộng, trong đó lấy chính quyền cấp xã và trạm BVTV làm nòng cốt. Đặc biệt, tại các địa bàn có mật độ sâu bệnh lớn cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện và phun trừ kịp thời, theo đúng loại thuốc BVTV đã được hướng dẫn.

Lê Thành

Ý kiến bạn đọc