Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu

16:14, 04/08/2011

...Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 7-2011 có xu hướng chậm lại, nhiều mặt hàng tồn kho lớn, trong khi đó hoạt động xuất khẩu mặc dù có nhiều lợi thế về lượng và giá nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro...

Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ Công thương vừa diễn ra đầu tháng 8. Theo Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), 3 tháng gần đây, hoạt động sản xuất công nghiệp biến động thất thường do nhiều tác động khách quan từ thị trường thế giới và trong nước.  Đến tháng 7, tình hình tuy có khá hơn với tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp là 6,1% so với tháng 6, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất lợi đối với sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay tháng sau đều tăng thấp hơn tháng trước, mức tăng không ổn định: 2 tháng tăng 12,3%; 4 tháng tăng 10,0%... và 7 tháng tăng 8,8%.

 

t
Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đang chậm lại

Nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất tăng chậm như điện sản xuất, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng… đều có mức tăng dưới 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm điện, điện tử như: điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, tủ đá, lắp ráp ô tô… giảm từ hơn 9% - 22%. Lượng tồn kho thép xây dựng , phôi thép nhiều hơn những tháng bình thường. Ngành rượu bia, nước giải khát mặc dù trong mùa tiêu thụ nhưng do xu hướng thắt chặt tiêu dùng nên lượng hàng bán ra tăng không nhiều.

Chỉ số tồn kho một vài sản phẩm cũng khá cao so với cùng kỳ, đơn cử như tồn kho xe máy dung tích trên 125cc tăng 27,3%; điều hòa nhiệt độ tăng 33,2%; tủ lạnh, tủ đá tăng 76,4%; máy giặt tăng 83,5%; xe ô tô 4 chỗ  tăng 120,5%. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp cần thận trọng hơn khi lập kế hoạch sản xuất những sản phẩm trên cho những tháng tiếp theo.

Theo Vụ Xuất nhập khẩu: kim ngạch xuất khẩu (XK) tháng 7 ước đạt 8,4 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng 6; tính chung 7 tháng đạt hơn 51 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ. Đã có 13 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là: thủy sản, cà phê, gạo, cao su, dầu thô, xăng dầu, sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép các loại, đá quý và kim loại quý, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ; phương tiện vận tải và phụ tùng.

XK đang đứng trước thuận lợi lớn khi cầu đang tăng cao, những thị trường có dung lượng lớn đang rất thuận lợi và giá tốt. Đơn cử như tại thị trường Mỹ và EU, nhiều mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam tăng cao, như cà phê sang Mỹ tăng 82%. Nếu tận dụng tốt cơ hội sẽ đạt được nhiều thành tích xuất khẩu trong trung hạn chứ không riêng năm nay.

 

x
Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng chủ yếu nhờ yếu tố giá tăng

Tuy nhiên, kim ngạch XK đạt cao nhưng chưa thực sự bền vững và chỉ do yếu tố giá trên thị trường quyết định. Ngành dệt may dù đạt  kim ngạch tới 7,56 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước và đã ký được nhiều hợp đồng cho thời gian tới nhưng cũng đang có vấn đề khó khăn là việc cân đối giữa đơn hàng FOB dài hạn và ngắn hạn hoặc gia công để giảm áp lực về vốn. Ngành da giày cũng đang lo lắng vì không đảm bảo đủ lao động và vốn để hoàn thành đơn hàng theo đúng yêu cầu của đối tác.

Về lâu dài, vẫn cần có những giải pháp cụ thể cho việc đảm bảo XK tăng trưởng được ổn định. Cụ thể, cần phải có những xem xét, phân tích kỹ hơn để định hướng cụ thể ở thị trường trong và ngoài nước, qua đó vận dụng chính sách, giải pháp trong thời gian tới.

Nhiệm vụ của tháng 8 và những tháng tiếp theo đối với Ngành Công Thương không chỉ thực hiện đồng bộ các Nghị quyết của Chính phủ về ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát mà sẽ  phải giải quyết cụ thể từng vấn đề các hiệp hội, ngành hàng, các DN và Sở Công Thương đưa ra, nhằm đẩy mạnh sản xuất cũng như theo dõi sát biến động thị trường thế giớiđể có các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp XK.

H.H (Tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc