Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar: Từ những “giấc mơ” thương hiệu

09:36, 31/08/2011

Xây dựng thương hiệu là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp. Ea Kar được đánh giá là một trong những vùng đất giàu tiềm năng cho phát triển sản xuất nông nghiệp, những   “thương hiệu” cũng bắt đầu định hình khi ngành nông nghiệp nơi đây đã và đang hướng người dân sản xuất những vùng chuyên canh.

Từ thương hiệu “Bò thịt Ea Kar”
Từ một phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún trong dân, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, người chăn nuôi do phụ thuộc vào thương lái nên thiệt đơn thiệt kép, thì đến năm 2005, chăn nuôi bò thịt ở Ea Kar phát triển mạnh mẽ thành một nghề khi có sự liên kết chặt chẽ giữa ba nhà. Với phương thức liên kết: thương lái đầu tư mua con giống, còn trạm khuyến nông của huyện trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn bò cho các hộ nông dân; khi bán, thương lái thu lại tiền giống, phần còn lại được chia theo thỏa thuận giữa hai bên… nhờ đó, nông dân đã được tiếp cận với nhu cầu của thị trường và được hướng dẫn kỹ thuật, định hướng phát triển để có những sản phẩm phù hợp. Chăn nuôi bò vỗ béo nhờ vậy đã nhanh chóng phát triển, và giờ đây đã trở thành một nghề mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.

Việc tuân thủ các quy trình, kỹ thuật chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng bò thịt Ea Kar.
Việc tuân thủ các quy trình, kỹ thuật chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng bò thịt Ea Kar.
Năm 2008 đánh dấu một bước đi táo bạo của ngành nông nghiệp nơi đây đó là xây dựng thương hiệu bò thịt Ea Kar. Ông Nguyễn Văn Hà - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Kar khẳng định, chỉ có thương hiệu thì mới mang lại những giá trị tối ưu cho những sản phẩm do người nông dân làm ra. Một sản phẩm có thương hiệu sẽ được nhiều người biết đến, tạo được sự yên tâm, tin tưởng cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, huyện đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho bò thịt và sau 3 năm (năm 2010) hoàn tất hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ (trực thuộc Bộ KH-CN), đến tháng 3-2011 Cục có quyết định tạm đồng ý nhãn hiệu “Bò thịt Ea Kar” là thương hiệu được Cục bảo hộ. Anh Trần Văn Đông, Trạm phó Trạm khuyến nông Ea Kar cho biết thêm: “Thương hiệu đã trở thành niềm tự hào của ngành chăn nuôi địa phương cũng như những người trực tiếp tạo dựng nên thương hiệu này. Thành quả đó có được từ quá trình ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình chăn nuôi theo chuẩn để không ngừng cải thiện chất lượng đàn bò trên địa bàn trong những năm qua. Đó là việc ngành nông nghiệp của huyện liên kết với Trường Đại học Tây Nguyên hỗ trợ kỹ thuật và lập các mô hình chăn nuôi hiệu quả, huy động người chăn nuôi tham gia thực hiện dự án vỗ béo bò bằng hình thức chuyển đổi vườn cà phê kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi; nâng cao lợi nhuận sản xuất từ 4-8 lần/1ha đất canh tác; các chương trình cải tạo chất lượng đàn bò thịt như: “Zê bu hóa đàn bò”, “Cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo”;  thực hiện chương trình phối tinh nhân tạo và nhân giống trực tiếp bằng bò đực giống thuần với bò cái nền địa phương v.v… được áp dụng. Tỷ lệ bò lai của huyện đến nay đã đạt gần 50% trong tổng đàn, tăng từ 12.000 con (năm 2.000) lên khoảng 28.000 con (năm 2010).

Đến trung tâm sản xuất giống lúa lai lớn nhất nước
Hạt giống cho năng suất cao, phẩm chất ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, tạo nên lợi thế cạnh tranh. Trước những bước phát triển của công nghệ sản xuất hạt giống lai, việc sản xuất thành công giống lúa lai F1 tại huyện Ea Kar, năng suất bình quân trên 4 tấn/ha đã mở ra triển vọng cho phát triển vùng nguyên liệu sản xuất giống lúa lai tại tỉnh ta cũng như cả nước. Giống lúa lai sản xuất tại đây được đánh giá có chất lượng tốt không thua kém gì giống nhập khẩu, nhưng giá lại rẻ và đáp ứng nhanh cho mùa vụ sản xuất. Theo đánh giá tại hội nghị tổng kết sản xuất giống lúa lai niên vụ 2009 – 2010 do Tổng Công ty Cà phê Việt Nam tổ chức tại huyện Ea Kar: với lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu rất thuận lợi để sản xuất giống lúa lai F1, lại là vùng có diện tích lúa nước tập trung, độ phì nhiêu cao, nền nhiệt độ, bức xạ ổn định, hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh, Ea Kar nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất giống lúa lai của  cả nước. Việc sản xuất thành công giống lúa lai F1 với các tổ hợp Bắc ưu 903, Nhị ưu 838, Bio 404... năng suất rất cao đưa Ea Kar trở thành vùng sản xuất lúa lai F1 lớn nhất nước, thậm chí còn cao hơn cả Trung Quốc - nơi được xem là quê hương của các giống lúa lai. Vụ đông xuân 2009-2010, các đơn vị thành viên của Tổng Công ty cà phê Việt Nam gồm: Trung tâm Sản xuất giống lúa lai Ea Kar; Công ty cà phê 719, 720, 721, 716 đã hợp tác với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam… đã tổ chức sản xuất các tổ hợp lúa lai F1 hệ 2 dòng và 3 dòng được 448ha, năng suất 4,5 tấn/ha, tổng sản lượng hạt giống lúa lai F1 đạt 1.174 tấn.

Thu hoạch lúa lai vụ đông xuân 2010-2011.
Thu hoạch lúa lai vụ đông xuân 2010-2011.
Có thể khẳng định, với việc sản xuất thành công hạt giống lúa lai F1 với 12 chủng loại: HYT 100, HYT 102, HYT103, HYT 106, HYT 108, HYT 83, HYT 92, TH 3-3, Bio 404, Bắc ưu 903, Nhị  ưu 838, Sán ưu 99 tại huyện Ea Kar trong những năm qua đã đánh dấu một chặng đường phát triển quan trọng của ngành nông nghiệp Dak Lak cũng như của cả nước. Và như khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng tại buổi lễ ra mắt Trung tâm vào tháng 3-2010: đây là cơ hội để nông dân Dak Lak tiếp cận với phương pháp sản xuất lúa công nghệ cao, đồng thời tạo nguồn cung ứng giống chất lượng tốt cho cả nước. Sản xuất thành công hạt giống lúa lai tại Ea Kar không chỉ mở ra triển vọng về phát triển vùng nguyên liệu sản xuất hạt giống lúa lai cho cả nước, mà còn đánh dấu bước thành công trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thay đổi tập quán thuần canh cây lúa nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm lúa gạo của Dak Lak.  Tuy nhiên, nhằm khai thác tốt tiềm năng để đến năm 2020 diện tích sản xuất hạt giống lúa lai đạt 1.000 ha như Chương trình phát triển lúa lai mà Trung tâm đã kết hợp với các Công ty cà phê 716, 719, 720, 721 (Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) xây dựng, thì cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư và tìm thị trường cho sản phẩm.

Yên Ninh

Ý kiến bạn đọc