Những con đường góp phần xóa đói giảm nghèo
Những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước cộng với nguồn lực “sức dân”, nhiều con đường đã được đầu tư xây dựng làm cho hệ thống giao thông Dak Lak ngày càng hoàn chỉnh, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Trong hệ thống giao thông ở Dak Lak, Quốc lộ (QL) 14C dài 68,5 km chạy qua 2 huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Sau thời gian sửa chữa, nâng cấp hoàn thành vào đầu năm nay, con đường này đã đáp ứng niềm mong mỏi của hàng nghìn người dân, thúc đẩy sự phát triển của các địa phương dọc biên giới Việt Nam – Campuchia. Ia R’vê là một trong 4 xã biên giới của huyện Ea Súp có 15 km thuộc QL 14C đi qua. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Ia R’vê cho biết, sau khi đoạn đường này hoàn thành kết hợp với tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 1 vào trung tâm xã, địa phương sẽ được hưởng lợi rất nhiều, đời sống được nâng lên, bà con đi lại thuận lợi, vận chuyển nông sản dễ dàng và có nhiều cơ hội giao thương với các địa phương khác. Những năm tới, khi Khu kinh tế cửa khẩu Dak Ruê được mở, cộng với việc QL 14C nối với QL 29 đi Phú Yên sẽ tạo ra cơ hội về giao thương giữa huyện Ea Súp nói riêng, toàn tỉnh nói chung với Campuchia và các tỉnh bạn. Điều quan trọng là bên cạnh ý nghĩa dân sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, con đường này cũng sẽ có vai trò to lớn đối với quốc phòng - an ninh, dọc tuyến biên giới.
Con đường vào thôn 2, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar được xây dựng bằng 100% vốn đóng góp của người dân. |
Bên cạnh những con đường được Nhà nước đầu tư xây dựng với quy mô lớn, phong trào “toàn dân làm đường giao thông” cũng lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng lên miền núi, có nhiều con đường được hình thành nhờ “sức dân”, trong đó có người đóng góp đến hàng chục triệu đồng, người hiến cả trăm mét đất để làm đường. Có thể kể ra một số điển hình trong việc huy động sức dân làm đường giao thông như: thôn 2, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar), từ năm 2007 đến nay, người dân đã tự nguyện đóng góp được hơn 1 tỷ đồng, xây dựng 5 km đường bê tông; thôn 3, xã Cư Suê (Cư M’gar) chỉ 146 hộ nhưng đã quyên góp gần 900 triệu đồng để làm con đường nhựa rộng 3,5m; trong vòng 5 năm, người dân phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đóng góp được số tiền lên đến 2 tỷ đồng để làm đường nối các tổ dân phố; tổ dân phố Tân Bình, phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) trong năm 2010 đã đóng góp 220 triệu đồng làm con đường bê tông dài 1 km, rộng 2,5 m... Ông Nguyễn Công Định, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kpam cho biết: trong khi nguồn ngân sách địa phương có hạn thì chỉ có nội lực từ sức dân mới có thể làm được những con đường ở từng thôn, buôn, để họ được đi trên chính những con đường do họ đóng góp, làm nên.
Ý kiến bạn đọc