Multimedia Đọc Báo in

Những doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn

09:32, 31/08/2011

Hàng loạt chi phí đầu vào như điện, xăng dầu, nguyên liệu, lãi vay ngân hàng… tăng cao khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) trở nên khó khăn. Trong bối cảnh đó, các DN đã triển khai nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn nên đã hạn chế thấp nhất những tác động của việc tăng giá, duy trì sức cạnh tranh trên thị trường; tạo ra thời cơ để phát triển.

Chi nhánh Viettel Dak Lak: Biến khó khăn trong khủng hoảng kinh tế thành thời cơ trong kinh doanh
Theo Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel Dak Lak Trần Văn Thuân, trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông nói riêng đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, Viettel luôn quán triệt quan điểm “khủng hoảng cũng là cơ hội của doanh nghiệp”.

Làm tốt công tác chăm sóc khách hàng là một trong những biện pháp giúp Viettel Chi nhánh Dak Lak vượt qua  khủng hoảng.     Ảnh: G.N
Làm tốt công tác chăm sóc khách hàng là một trong những biện pháp giúp Viettel Chi nhánh Dak Lak vượt qua khủng hoảng. (Ảnh: G.N)
Xương sống của các mạng viễn thông di động là các trạm trung chuyển phát sóng (BTS), nhưng hiện nay, việc lắp đặt các trạm BTS gặp rất nhiều khó khăn do giá vật tư, thiết bị và nhân công tăng cao, nhất là địa bàn vùng sâu vùng xa, chi phí lắp đặt trạm càng lớn. Mặc dù vậy, Viettel Dak Lak vẫn không ngừng đẩy mạnh việc lắp đặt các trạm BTS phủ sóng đến các địa bàn này mà các nhà mạng khác khó với đến được. Riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xây dựng mới hàng chục trạm BTS rải rác khắp các địa bàn trong tỉnh, góp phần đưa Viettel Dak Lak chiếm trên 60% thị phần viễn thông tại Dak Lak hiện nay. Ông Thuân cho rằng, khủng hoảng kéo theo hệ lụy là doanh nghiệp bị giảm năng lực cạnh tranh do chi phí tăng, nội bộ đôi khi chưa đoàn kết và đội ngũ nhân viên kinh doanh không sâu sát thị trường…Nhận thức được điều đó, Viettel Dak Lak đã quán triệt trong đội ngũ cán bộ công nhân viên của mình phải biết nắm lấy thời cơ giành thị phần từ đối thủ (mà trong giai đoạn bình thường rất khó giành được). Đi đôi với các nhiệm vụ trên, Viettel Dak Lak còn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động bán hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng…Nhờ đó từ đầu năm đến nay, doanh thu tăng đều từ 20 đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán hàng (kit + thẻ cào) đạt 65% kế hoạch cả năm, phát triển được 863 nghìn thuê bao Regester, 800 nghìn thuê bao Regester 2G, 28 nghìn thuê bao Regester 3G và 35 nghìn thuê bao Regester Homephone. Hiện đơn vị đang hướng đến con số 1 triệu thuê bao Regester.

Có thể nói rằng, xác định khó khăn trong bối cảnh vật giá tăng cao để vượt qua đã được Viettel Dak Lak thực hiện khá thành công. Nhờ đó, đơn vị luôn đứng vững trong cơn lốc khủng hoảng hiện nay, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất kinh doanh và góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng tại địa phương của một đơn vị kinh tế quân đội.

Công ty TNHH MTV Buôn Wing, huyện Cư Mgar: Đứng vững trong khó khăn nhờ đa dạng cây trồng
Những năm gần đây, màu xanh của cây công nghiệp, của rừng trồng đang trở lại trên diện tích hơn 3.400 ha mà trước đây được đánh giá là rừng nghèo của Công ty TNHH MTV Buôn Wing (Lâm trường Buôn Wing cũ). Từ năm 1994, thực hiện chủ trương của tỉnh cho chuyển đổi đất rừng nghèo thành đất sản xuất, công ty đã đầu tư trồng cây cao su, điều, tiêu nhằm phát huy hiệu quả kinh tế vùng, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần làm thay đổi diện mạo của xã vùng 3 (xã Ea Kiết) nghèo khó. Từ những khó khăn ban đầu do thiếu vốn, lao động, kỹ thuật - có lúc tưởng chừng như “đứt gánh giữa đường” - song, nhờ sự đoàn kết nhất trí cao của CBCNV công ty, cùng tài khéo léo xoay xở, huy động vốn, thậm chí có khi nhiều tháng liền, Ban giám đốc công ty không hưởng lương để tích cóp từng đồng vốn… nên hoạt động của công ty được duy trì và phát triển. Cùng với đó, công ty phối hợp với chính quyền địa phương vận động hàng trăm hộ dân trong vùng liên kết trồng cao su, tiêu, điều theo phương án bà con bỏ công sức lao động, công ty đầu tư 100% vốn (cây trồng, phân bón, kỹ thuật chăm sóc) lợi nhuận ăn chia theo thỏa thuận. Ông Trần Anh Sơn, Giám đốc Công ty cho hay: những ngày đầu liên kết trồng cây với người dân, toàn bộ CBCNV trong công ty không ngại vất vả, vật lộn cả ngày với nắng, mưa để hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Cùng với việc hàng năm vào dịp lễ tết, công ty luôn tổ chức thăm hỏi, tặng quà những gia đình khó khăn, neo đơn; thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu giữa CBCNV công ty với người dân trên địa bàn nhằm thắt chặt mối đoàn kết vì lợi ích chung.

Anh Trần Anh Sơn, Giám đốc Công ty TNHHMTV Buôn Wing trong lô cao su                          của công ty.      Ảnh: L.T
Anh Trần Anh Sơn, Giám đốc Công ty TNHHMTV Buôn Wing trong lô cao su của công ty. (Ảnh: L.T)
Nhờ những nỗ lực đó, đến nay công ty đã có 170 ha cao su, 500 ha điều cao sản đang trong thời kỳ thu hoạch, 140 ha rừng trồng theo Dự án 661 (phủ xanh đất trồng đồi trọc) của Chính phủ; giải quyết việc làm cho 597 hộ dân trên địa bàn theo hình thức liên kết, giao khoán; doanh thu hằng năm của công ty lên đến hàng chục tỷ đồng… Dự kiến, đến 2015 công ty sẽ tăng số diện tích cao su lên 700 ha, điều lên 1000 ha và bổ sung một số ngành nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây lâm nghiệp. Công ty TNHH MTV Buôn Wing luôn được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu của tỉnh về công tác quản lý kinh tế, cũng như tạo công  ăn việc làm cho người lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Đắc Hải: Uyển chuyển trong sản xuất các mặt hàng
Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Đắc Hải (Cụm Công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) là đơn vị chuyên sản xuất các mặt hàng bằng gang. Những tháng đầu năm 2011, lãi suất ngân hàng, giá nhân công và nguyên vật liệu đầu vào liên tục tăng cao trong khi cả nước đang quyết liệt thực hiện cắt giảm đầu tư công… nên nhiều công trình, dự án phải ngừng hoặc giãn tiến độ, khiến đầu ra sản phẩm do DN sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều hợp đồng lúc đầu tính toán có lãi, nhưng khi kết thúc lại không còn lãi do thời gian thực hiện quá lâu, lợi nhuận đã bị lãi suất ngân hàng hoặc trượt giá “ăn” hết. Để khắc phục tình trạng này, DN đã triển khai khá nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí, trong đó đầu tư công sức, tiền của  nghiên cứu lại thị trường tiêu thụ, chuyển từ chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ cho những công trình lớn (nắp cống thoát nước, cột đèn, cột điện…) sang sản xuất phụ kiện máy kéo nhỏ, bơm nước, bơm hút cát, máy xay xát cà phê, hồ tiêu… cung cấp cho các đại lý và các chợ. Sau thời gian ngắn sản xuất theo hướng mới cho thấy: mặc dù giá trị hợp đồng, đơn hàng không lớn, nhưng bù lại số lượng nhiều hơn, nên vẫn duy trì được việc làm và thu nhập cho người lao động, cán bộ công nhân của DN phải làm việc hết công suất vẫn không đủ hàng để cung ứng cho các đại lý, tiểu thương ở chợ. Chỉ riêng khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã tiêu thụ trên 30 tấn sản phẩm/tháng, nhưng DN chỉ đáp ứng được khoảng 2/3 nhu cầu.
Khách hàng (bên trái) tìm hiểu, đặt hàng tại Công ty TNHH sản xuất dịch vụ                             Đắc Hải.           Ảnh: L.N
Khách hàng (bên trái) tìm hiểu, đặt hàng tại Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Đắc Hải. (Ảnh: L.N)
Ông Nguyễn Văn Phan, Giám đốc Công ty cho biết, việc chuyển hướng sản xuất kịp thời, hợp lý có ý nghĩa rất lớn giúp DN đứng vững và phát triển trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đáng kể nhất là nhờ giá trị các hợp đồng, đơn hàng không lớn nên khách hàng có điều kiện thanh toán ngay, từ đó vòng quay đồng vốn cũng nhanh hơn, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN được nâng lên đáng kể.

Chi nhánh Công ty CP Bia Sài Gòn-miền Trung tại Dak Lak: Chú trọng áp dụng giải pháp hữu ích và đa dạng hóa sản phẩm
Có thể nói, từ ngày chính thức đi vào hoạt động (tháng 5-2007) đến nay, Chi nhánh Công ty CP Bia Sài Gòn-miền Trung tại Dak Lak liên tục đối mặt với những khó khăn khách quan: năm 2008, sau hơn 1 năm bước vào sản xuất giai đoạn I (công suất 25 triệu lít/năm) đã bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (giá cả vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng gấp nhiều lần) đã ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của Chi nhánh. Đến tháng 9-2009, sau khi dự án nâng công suất thiết kế lên 70 triệu lít/năm hoàn thành, Chi nhánh lại gặp phải khó khăn mới, do công ty mẹ giao kế hoạch sản xuất chỉ bằng 87% công suất thiết kế. Bước vào năm 2011, trong khi giá cả nguyên vật liệu, lãi suất ngân hàng lẫn tiền thuê đất tăng cao, thì Chi nhánh chỉ được giao kế hoạch sản xuất năm tương đương 72% công suất thiết kế.
Một góc dây chuyền sản xuất                    bia chai serepok.      Ảnh: L.N
Một góc dây chuyền sản xuất bia chai serepok. ( Ảnh: L.N)
Để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nguồn thu cho ngân sách, bảo đảm việc làm, thu nhập cho trên 200 lao động, Chi nhánh đã triển khai hàng loạt biện pháp, trong đó đáng kể nhất là phát động phong trào nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hữu ích, cải tiến kỹ thuật và đa dạng hóa các mặt hàng. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2009 và 2010, toàn Chi nhánh đã có 17 đề tài nghiên cứu do người lao động thực hiện, trong đó nhiều đề tài được đưa vào áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả rất cao, như: sử dụng khí thải CH4 đưa vào lò hơi đốt than, rút ngắn thời gian một mẻ lọc trên nồi Lautertun; tái sử dụng hơi nồi đun sôi để gia nhiệt dịch đường; tận thu nước nóng từ quá trình vệ sinh công nghiệp; lắp đặt hệ thống đo đếm năng lượng điện, nước, hơi nhằm giám sát mức độ tiêu hao; ép men thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư sản xuất thêm 2 sản phẩm mới là bia chai và nước uống đóng chai mang thương hiệu Sêrêpôk. Những biện pháp tích cực trên đã góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Chi nhánh và thu nhập cho người lao động, đặc biệt là tăng nguồn đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Cụ thể, thu nhập bình quân của người lao động đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng; hơn 4 năm qua, tổng số tiền nộp ngân sách đạt 740 tỷ đồng, tham gia công tác xã hội hơn 1,2 tỷ đồng…

Công ty TNHH Một thành viên XNK 2-9 Dak Lak: Thành công nhờ chủ động nắm bắt thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu
Một thực tế nhiều năm qua mà các công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trong nước gặp phải, đó là bị các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp cạnh tranh thu mua nguyên liệu xuất khẩu làm cho không ít doanh nghiệp trong nước lâm vào tình cảnh khó khăn, bị động, “bể” hợp đồng. Nhưng  với Công ty TNHH Một thành viên XNK 2-9 Dak Lak, nhờ có một chiến lược phát triển hợp lý nên đã dễ dàng vượt qua thách thức.
Hội thảo tập huấn về sản xuất cà phê bền vững cho các hộ trồng cà phê                  liên kết .                Ảnh: L.V
Hội thảo tập huấn về sản xuất cà phê bền vững cho các hộ trồng cà phê liên kết . ( Ảnh: L.V)
Ông Lê Tiến Hùng, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết: trước đây, với lối làm ăn cũ, đơn vị thường hợp đồng bán nguyên liệu cho các công ty nước ngoài thông qua văn phòng đại diện của họ tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp này sau đó bán lại cho nhà rang xay nước ngoài khác. Vì thế, sản phẩm cà phê của công ty khi đến được tay nhà rang xay đã phải trải qua rất nhiều khâu trung gian, nên chất lượng, thương hiệu cà phê của đơn vị không được biết đến, các đơn đặt hàng của công ty bị lép vế. Từ năm 2008, dự báo thị trường cà phê sẽ có nhiều biến động, nếu tiếp tục giữ lối làm ăn truyền thống, sản phẩm cà phê của công ty khó có thể cạnh tranh được trên thị trường, nhất là với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Vì lẽ đó, lãnh đạo công ty đã đưa ra nhiều chiến lược kinh doanh mới, trong đó tập trung đầu tư lớn cho xây dựng nhà xưởng, sân phơi, công nghệ chế biến cà phê ướt, dây chuyền sơ chế hiện đại hàng chục tỷ đồng... Mặt khác, công ty cũng chủ động tìm đối tác là các nhà rang xay nước ngoài và bán trực tiếp sản phẩm cho họ mà không qua trung gian, nhờ vậy tỷ lệ sản phẩm cà phê công ty bán trực tiếp cho nhà rang xay nước ngoài đã đạt 35%. Song song với đầu tư công nghệ chế biến, công ty cũng tăng cường nâng cao chất lượng nguyên liệu cà phê đầu vào bằng cách liên kết với với nông dân các địa phương trong tỉnh mở rộng vùng nguyên liệu cà phê bền vững đạt các chứng nhận UTZ, 4T… Chưa kể hàng năm công ty còn tổ chức 3-5 cuộc hội thảo về sản xuất cà phê bền vững, hàng tháng tổ chức gặp mặt các hộ trồng cà phê liên kết để trao đổi kinh nghiệm, tư vấn về các vấn đề liên quan đến sản xuất cà phê bền vững…, đồng thời công ty cũng bảo đảm mua 100 % sản phẩm cà phê liên kết đạt chất lượng với giá cao. Hiện tại, công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất cà phê bền vững 2.484 ha; tăng cường củng cố lại hệ thống thu mua, bảo đảm hàng năm thu mua đạt từ 80.000 – 100.000 tấn cà phê nguyên liệu.

Nhóm PV

 


Ý kiến bạn đọc