Multimedia Đọc Báo in

Giảm lãi suất tín dụng: Những động thái ban đầu

09:56, 07/09/2011

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 có tốc độ tăng thấp nhất so với  đầu năm, lãi suất liên ngân hàng (NH) giảm, thanh khoản của hệ thống NH ổn định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã linh hoạt hơn trong điều hành…. Đây là những cơ sở cho thấy lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới.

Khơi thông nguồn vốn
Một động thái quan trọng thể hiện quyết tâm giảm lãi suất cho vay, đó là cuối tháng 8-2011, Thống đốc NHNN đã chủ trì cuộc họp với 12 NHTM hàng đầu Việt Nam (Ngoại thương, Công thương, Đầu tư và Phát triển, NN&PTNT, Á Châu, Xuất nhập khẩu, Sài Gòn Thương Tín, Kỹ Thương, Quân đội, Hàng Hải, Việt Nam Thịnh Vượng, Quốc tế) để bàn về các giải pháp triển khai hoạt động NH trong những tháng cuối năm 2011. Tại cuộc họp, đại diện các NH đã cam kết thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm; đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất-kinh doanh thông thường xuống 17%-19%/năm từ giữa tháng 9-2011. Cuộc họp cũng đã thống nhất đề ra nhóm giải pháp chủ yếu về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH trong 4 tháng cuối năm. Trong đó, đáng quan tâm là tạo sự luân chuyển và điều hòa vốn giữa thị trường I (huy động vốn từ dân cư, doanh nghiệp) và thị trường II (liên ngân hàng), giữa tổ chức tín dụng (TCTD) thừa và TCTD thiếu vốn; NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt qua các kênh, bảo đảm hài hòa về mức tăng và lượng cung ứng tiền qua các tháng; tiếp tục giữ ổn định mức trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ 14%/năm; sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất-kinh doanh để trả nợ vay; tăng tỷ lệ và mở rộng phạm vi áp dụng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các TCTD...

Ngay sau cuộc họp này, NHNN đã có hàng loạt động thái khơi thông cho các NHTM thực hiện mục tiêu trên. Đáng kể nhất là từ 1-9-2011, NHNN hủy bỏ tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động cho các NHTM, thay vì chỉ được sử dụng 80% vốn huy động để cho vay như trước đây; điều chỉnh hệ số rủi ro với một số tài sản có bằng ngoại tệ khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Theo các NH, việc hủy bỏ quy định về tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động giúp họ có thể sử dụng hết vốn huy động từ doanh nghiệp, dân cư để cho vay. Ngoài ra, còn mở ra sự liên thông thông qua thị trường liên NH, qua đó làm chi phí vốn trong hệ thống NH thấp xuống. Đây là những điều kiện quan trọng để NH tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất cho vay.

Khách hàng giao dịch EximBank Buôn Ma Thuột.
Khách hàng giao dịch EximBank Buôn Ma Thuột.
Lãi vay giảm, nhưng chưa nhiều
Khoảng 2 tháng trở lại đây, đã có một số NH giảm lãi suất cho vay. Đầu tháng 7-2011, NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) dành 2.000 tỷ đồng triển khai Chương trình “Tài trợ xuất khẩu bằng VNĐ với lãi suất ưu đãi” 19,5%/năm; mục đích nguồn vay là để bổ sung vốn thu mua hàng hóa, nguyên, vật liệu, thanh toán cho các chi phí liên quan đến sản xuất, kinh doanh, chế biến hàng hóa xuất khẩu; thời gian cho vay tối đa 6 tháng. Đến cuối tháng 8-2011, Eximbank tiếp tục dành 1.000 tỷ đồng triển khai tiếp 2 chương trình tài trợ lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đó, lãi suất của Chương trình “Tài trợ xuất khẩu bằng VNĐ với lãi suất ưu đãi” là 17%/năm, thời gian cho vay tối đa 3 tháng; lãi suất Chương trình “Tài trợ xuất khẩu bằng VNĐ với lãi suất ngoại tệ” là 7,0%/năm,  thời gian cho vay tối đa 6 tháng. Cũng với mục đích hỗ trợ một phần lãi vay cho khách hàng, NH TMCP Á Châu (ACB) có Chương trình “Tiếp vốn kinh doanh, ưu đãi lãi suất” dành cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; áp dụng cho các khoản vay được giải ngân từ ngày 1-8 đến hết 31-12-2011 và không giới hạn số lần giải ngân. Với Chương trình này, ACB giảm lãi suất 1,2%/năm cho các khoản vay từng lần hoặc hạn mức tín dụng từ  500 triệu đồng trở lên (đối với khu vực TP. HCM và Hà Nội) hoặc từ 300 triệu đồng trở lên đối với các tỉnh, thành phố khác. Tương tự, từ ngày 18-8-2011, NH TMCP Kỹ Thương (Techcombank) triển khai Chương trình “Tài trợ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với lãi suất ưu đãi”. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được vay vốn mua hàng hóa, nguyên liệu để thực hiện phương án kinh doanh xuất khẩu trực tiếp và cam kết bán lại ngoại tệ thu được cho Techcombank, sẽ được vay với lãi suất 19,5%/năm, chương trình kéo dài đến hết năm 2011. Không đứng ngoài cuộc, từ giữa tháng 7-2011, NH TMCP Phát triển nhà TP. Hồ Chí Minh (HDbank) cũng đã  triển khai nhiều chương trình giảm lãi cho vay, như: hỗ trợ vay vốn dành cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, áp dụng lãi suất thấp hơn mức lãi suất hiện hành từ 1%- 2%/năm đối với VNĐ, và từ 1%-1,2% /năm đối với USD (khách hàng xuất khẩu vay USD kỳ hạn  dưới 3 tháng hoặc chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất khẩu sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi cao hơn). Đối với Chương trình tài trợ ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có mức lãi suất thấp hơn lãi suất hiện hành từ 1%-6%/năm; mức vay tối đa 25 tỷ đồng cho 1 dự án; áp dụng cho các doanh nghiệp vay vốn thanh toán các chi phí mua máy móc thiết bị, xây  dựng nhà xưởng, công trình phụ trợ liên quan để thực hiện dự án đầu tư phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, có thể thấy, các chương trình ưu đãi lãi suất chủ yếu dành cho doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vay vốn lưu động, thời hạn 3-6 tháng và lãi suất giảm cũng không đáng kể. Lý giải về điều này, các NH cho biết giá vốn huy động vài tháng trước đây khá cao nên phải cần 1-2 tháng nữa mới có thể kéo giảm lãi suất cho vay với hầu hết khách hàng, còn hiện tại vẫn phải giới hạn đối tượng vay. Theo thống kê của NHNN, hiện lãi suất cho vay VNĐ bình quân đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu từ 16,5%-20%/năm; sản xuất kinh doanh khác 18%-21%/năm; phi sản xuất 22%-25%/năm. Đối với lãi suất cho vay USD, phổ biến ở mức 6%-7,5%/năm (ngắn hạn) và 7,5%-8%/năm (trung, dài hạn).

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến cuối tháng 8-2011, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt xấp xỉ 15.000 tỷ đồng, tăng 23% so với với đầu năm 2011; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế gần 29.400 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm 2011; nợ xấu gần 680 tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng dư nợ.

Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc