Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu không khó

09:48, 01/09/2011

Nhờ cần cù, nhẫn nại và sáng tạo trong cách nghĩ cách làm, nhiều hộ nông dân trong tỉnh không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng…

Gia đình ông Bùi Văn Lê (thôn Liên Cơ, xã Hòa Đông, huyện Krông Pak) khi lên Dak Lak lập nghiệp (năm 1980) chỉ với hai bàn tay trắng, vợ chồng ông vừa làm thuê vừa khai khẩn đất hoang để trồng ngô, sắn… loay hoay mãi vẫn không thoát nghèo. Năm 1999, tình cờ xem truyền hình có giới thiệu mô hình trồng hoa phong lan mang lại hiệu quả kinh tế cao..., ông bắt đầu nhen nhóm ý tưởng học và làm theo. Ông quyết định bán toàn bộ 5 sào đất rẫy được 100 triệu đồng để đầu tư vào trồng phong lan. Những năm đầu khởi nghiệp gặp không ít khó khăn, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên lan chết tới 60 - 70%, cây còi cọc, ít ra hoa. Dù vậy, ông vẫn không nản lòng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tìm hiểu qua sách báo, đồng thời tìm đến những mô hình trồng phong lan thành công ở Đà Lạt, TP.HCM học hỏi thêm.

Ông  Bùi Văn Lê giới thiệu về vườn phong lan của mình.
Ông Bùi Văn Lê giới thiệu về vườn phong lan của mình.
Đến nay, trên diện tích 1 sào đất tại vườn nhà mình, ông Lê luôn canh tác ổn định gần 30.000 giò phong lan, trong đó có nhiều loại lan quý (vũ nữ, hồ điệp, catlida, vanda…). Với giá bán trung bình từ 300 đến 600 ngàn đồng/giò như hiện nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông cũng thu về từ 300 đến 400 triệu đồng. Ông Lê cho biết, phong lan là loài hoa đẹp, có giá trị thu nhập khá cao, nhất là trồng trong nhà kính, nhưng đòi hỏi người trồng ngoài việc nắm vững kỹ thuật chăm sóc, chế độ dinh dưỡng… thì cần có sự đam mê thực sự với loại cây này mới thành công được. Không những làm giàu cho mình, hằng năm ông Lê còn hỗ trợ rất nhiều cho bà con trong xã có nhu cầu trồng phong lan về vốn, cây giống, cũng như kỹ thuật chăm sóc…

Trước đây, gia đình chị Huỳnh Thị Hà, ở thôn Tân Thắng, xã Ea Na (huyện Krông Ana) cũng như bao hộ dân khác trong vùng, kinh tế hết sức khó khăn, chỉ trông chờ vào vài sào rẫy. Không cam chịu cảnh nghèo, năm 2001, chị bắt đầu nuôi 2 con heo để bán thịt, nhận thấy việc nuôi heo bằng rau, cám thông thường không hiệu quả, chị mở lò nấu rượu để lấy hèm nuôi heo. Biết tính toán lấy ngắn nuôi dài, cộng với sự chịu khó, sau mỗi lứa heo xuất chuồng, chị lại tăng thêm số lượng heo giống trong chuồng.

Chị Huỳnh Thị Hà chăm sóc đàn heo.
Chị Huỳnh Thị Hà chăm sóc đàn heo.
Chị Hà cho biết, việc nuôi heo bằng hèm rượu sẽ giảm chi phí mua cám, bột tăng trọng từ 30 - 40% mỗi lứa. Chỉ cần mỗi con bình quân cho ăn 5.000 - 10.000 đồng thức ăn mua thêm/ngày, cộng với rau và hèm rượu của nhà làm ra thì việc nuôi heo sẽ rất hiệu quả, lại ít bị ảnh hưởng bởi tình hình thức ăn chăn nuôi lên giá, song cũng cần chú trọng đến khâu vệ sinh chuồng trại và cách phòng ngừa dịch bệnh cho heo thường xuyên. Hiện nay chị đang nuôi 50 con heo thịt và 3 heo nái; để có đủ hèm cho heo ăn, mỗi ngày chị nấu rượu chừng hơn 1 tạ gạo. Với mô hình nuôi heo kiểu khép kín (con giống từ heo mẹ của gia đình đẻ ra), mỗi lứa chị nuôi từ 15 - 20 con, sau 5 - 5,5 tháng chị cho xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 1,5 - 2 tấn heo thịt, tương đương với số tiền 25-30 triệu đồng. Riêng chăn nuôi heo, trừ các khoản chi phí, mỗi năm chị lãi trên 100 triệu đồng; cộng thêm 3 sào cà phê, 8 sào ca cao, chưa kể cửa hàng tạp hóa tại nhà, mỗi năm chị thu nhập thêm khoảng 50 triệu đồng nữa.

Lê Thành

Ý kiến bạn đọc