Multimedia Đọc Báo in

Bình Minh mong điện, mong đường

17:42, 02/10/2011

Mang “mác” hộ khẩu thị trấn, nhưng đến nay, gần 600 người dân ở thôn Bình Minh (thị trấn Krông Năng) vẫn sống trong cảnh “thắp đèn dầu, leo cầu khỉ”!

Thôn Bình Minh, thị trấn Krông Năng được thành lập năm 1999, toàn thôn có 130 hộ, 598 khẩu, hầu hết là đồng bào kinh tế mới từ các tỉnh Quảng Bình, Bình Định vào lập nghiệp từ những năm 1977. Được tiếng là dân thị trấn, mọi khoản đóng góp với địa phương đều cao hơn người dân các xã khác trong huyện, nhưng từ khi thành lập đến nay, cuộc sống người dân thôn Bình Minh vẫn phải chịu rất nhiều thua thiệt. Do không có điện, đường, trường, trạm… nên mọi sinh hoạt ở đây như đi lại, chợ búa, học hành và kể cả việc khám chữa bệnh đều phải… “xài ké xã bạn”.

Ngày ngày đi làm người dân thôn Bình Minh vẫn phải qua lại trên những cây cầu khỉ tạm bợ này.
Ngày ngày đi làm người dân thôn Bình Minh vẫn phải qua lại trên những cây cầu khỉ tạm bợ này.

Bao bọc lấy thôn một bên là suối, một bên là sông Krông Năng, nên Bình Minh chẳng khác gì một ốc đảo, nhất là vào mùa mưa, lũ, cả thôn đều bị cô lập. Tính theo đường chim bay, từ thôn Bình Minh đến thị trấn Krông Năng (trung tâm huyện) chưa tới 3 km, nhưng để ra được đến đó, người dân phải đi vòng qua xã Phú Xuân với quãng đường dài gấp ba, bốn lần. Chưa kể, thôn còn có hơn 150 ha đất canh tác nằm bên kia sông Krông Năng, để qua được sông sản xuất, bà con phải tự góp tiền mỗi hộ 400.000 - 500.000 đồng bắc cầu tạm qua sông, nhưng chỉ sau một trận mưa lớn là tất cả bị cuốn phăng. Có năm phải làm cầu 3 - 4 lần, tốn kém không phải ít; đã vậy, sản phẩm làm ra bao giờ cũng bị tư thương ép giá. Chị Đinh Thị Nguyệt một hộ dân trong thôn than thở: Đất canh tác của gia đình chủ yếu nằm bên kia sông, mỗi bận đi làm hoặc mang vác sản phẩm về nhà đều phải qua cầu khỉ, biết là nguy hiểm nhưng cũng phải “liều” vì không còn lựa chọn nào khác. 4 đứa con của chị đều đã nghỉ học ở nhà đi làm thuê, phần vì gia đình khó khăn, phần vì đường sá đến trường, xa xôi, cách trở... Không chỉ thiếu đường đi mà điện thắp sáng cũng thiếu trầm trọng. Năm 2004, hơn 70 hộ dân có kinh tế khá trong thôn đã tự nguyện đóng góp mỗi hộ 4 triệu đồng để “kéo ké” đường dây từ xã Phú Xuân về sử dụng, nhưng do khoảng cách quá xa, đường dây không bảo đảm nên điện cũng tù mù, sáng không hơn đèn dầu là bao; tivi, quạt điện, nồi cơm điện sắm về cũng chỉ để ngắm chơi. Ông Đinh Trọng Phú (78 tuổi), là một trong những người sống ở thôn Bình Minh lâu nhất, tâm sự: “Khi thị trấn được thành lập, Bình Minh được “biên chế” vào thị trấn, người dân ai cũng khấp khởi mừng, vì nghĩ sẽ được trên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống người dân theo đó sẽ bớt khổ, nào ngờ đến nay diện mạo thôn vẫn chẳng khác gì trước, sinh hoạt vẫn phải dùng đèn dầu, cầu thì tạm bợ…!”. Trưởng thôn Bình Minh Đinh Minh Sòng cũng trăn trở: “Đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn lắm, nhìn chung thôn không có thay đổi nhiều. Cuộc sống tuy thiếu thốn, nhưng không làm bà con bức xúc bằng việc hơn 200 học sinh là con em của thôn, hàng ngày phải lội bộ gần 4 km đường đất, men theo những con suối để sang xã Phú Xuân học. Vào mùa mưa, các ngầm suối đều bị ngập, nguy hiểm luôn rình rập nên phụ huynh phải cõng các cháu qua suối đến trường”.

 

Trao đổi về những khó khăn, bất cập ở Bình Minh, ông Đinh Văn Kiêm, Chủ tịch UBND thị trấn Krông Năng cho biết: Muốn xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, điện ở Bình Minh đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, trong khi ngân sách thị trấn thì có hạn, không thể kham nổi. Bởi thế nên địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh xin hỗ trợ nhưng cũng chỉ nhận được những lời hứa hẹn. Cách đây vài năm, ngành điện có về khảo sát kéo đường dây vào thôn, nhưng rồi mọi việc vẫn chưa có động tĩnh gì, còn đường từ trung tâm thị trấn vào thôn Bình Minh cũng chỉ mới ở giai đoạn khảo sát lập dự án !

Lệ Văn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.