Cần giải pháp tổng thể giải quyết nạn chặt phá rừng
Theo Báo cáo của Chính phủ, những năm qua công tác bảo vệ rừng đã đạt được những kết quả quan trọng, thể hiện trên cả 3 mặt: số vụ vi phạm giảm (năm 1998 là 62.357 vụ, năm 2010 là 33.857 vụ, giảm 46%); diện tích rừng mất đi do các hành vi vi phạm lâm luật tuy vẫn còn lớn nhưng cũng đã có xu hướng giảm; diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng cũng có xu hướng giảm (giai đoạn 2006-2010 bình quân 2.032ha/năm so với 7.784ha/năm giai đoạn 1998-2000).
Trong 5 năm (2006-2010) đã khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng đạt 115% kế hoạch, đến nay đã có thêm 540.000ha thành rừng; trồng rừng đạt 114% kế hoạch. Tính cả 2 giai đoạn (1998-2010), tổng diện tích rừng đã trồng và khoanh nuôi tái sinh được 4.675.006ha, đạt 93,5% kế hoạch. Tổng diện tích rừng cả nước đã liên tục tăng lên, độ che phủ rừng tăng từ 32% năm 1998 lên 39,5% năm 2010 trong khi nhiều nước trên thế giới tỷ lệ này thấp.
Nhờ thực hiện dự án, trong nước đã bước đầu hình thành vùng nguyên liệu, tăng nguồn cung cấp gỗ, củi cho tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu. Dự án đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo... Tuy nhiên, diện tích đất trống, đồi núi trọc còn nhiều (hơn 2,8 triệu ha); tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng vẫn diễn ra phức tạp. Chất lượng và tính đa dạng sinh học rừng của một số trạng thái rừng tự nhiên giảm hoặc tăng chậm...
Chính phủ cho rằng, việc xây dựng và triển khai Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 là rất cần thiết. Mục tiêu đặt ra là tăng độ che phủ rừng lên 42-43% vào năm 2015 và 44-45% vào năm 2020; đến năm 2020, GDP của ngành lâm nghiệp đạt khoảng 3%...
Ảnh minh hoạ |
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đánh giá cao những kết quả đạt được của Dự án trên nhiều mặt kinh tế-xã hội đồng thời phân tích một số tồn tại, hạn chế chủ yếu như công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đất lâm nghiệp và quy hoạch 3 loại rừng còn chậm; việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp thực hiện chưa tốt, chậm tiến độ. Việc cấp vốn ngân sách nhà nước cho Dự án còn chậm, cơ chế, chính sách cho vay vốn tín dụng còn bất cập. Việc tổ chức thực hiện chuyển đổi lâm trường quốc doanh còn lúng túng.
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ có giải pháp tổng thể giải quyết tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng trái pháp luật; sớm ban hành chính sách khai thác đối với những diện tích rừng đến chu kỳ thu hoạch; đổi mới mô hình quản lý rừng theo chức năng từng loại rừng; khẩn trương hoàn thành việc rà soát, cắm mốc diện tích 3 loại rừng trên thực địa.
Nguồn TTXVN
Ý kiến bạn đọc