Multimedia Đọc Báo in

Hoạt động xuất khẩu gỗ: cần chủ động nguồn nguyên liệu

13:51, 04/10/2011
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành xuất khẩu gỗ có bước phát triển mạnh về giá trị kim ngạch, thị trường…nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn nguyên liệu.

Đồ gỗ Việt Nam ngày càng được ưa chuộng ở các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông… 9 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành đồ gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy,  kim ngạch cả năm có thể đạt tới mức 4 tỷ USD, vượt xa thành tích năm 2010 - khi lần đầu tiên Việt Nam đạt mức kim ngạch xuất khẩu gỗ 3,4 tỷ USD, vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á và thứ 10 thế giới.
 
a
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại cụm công nghiệp Tân An (T.P Buôn Ma Thuột)

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gỗ vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó nhất là gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, hiện mỗi năm đang phải nhập khẩu tới 4 triệu m³ gỗ từ Lào, châu Phi và một số nước khác. Thiếu nguyên liệu cộng với giá gỗ nhập khẩu ngày càng tăng khiến đồ gỗ Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực vì họ sẵn có lợi thế sử dụng ngay chính nguồn gỗ khai thác trong nước.

Một khó khăn nữa là vướng các đạo luật yêu cầu chứng minh “lai lịch” gỗ nguyên liệu. Trong đó, đạo luật Lacey (Hoa Kỳ) đã có hiệu lực từ ngày 1-4-2010 cấm buôn bán gỗ và sản phẩm từ gỗ bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, bắt buộc doanh nghiệp phải nộp tờ khai, chứng từ rõ ràng về tên, loại gỗ, nước khai thác gỗ, cách thức khai thác... của Hội đồng Quản lý rừng bền vững thế giới (gọi tắt là chứng nhận FSC). Từ tháng 1-2012, doanh nghiệp gỗ còn phải tuân theo đạo luật FLEGT của EU có hiệu lực, cũng yêu cầu các lô đồ gỗ nhập vào EU phải minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc gỗ nguyên liệu.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các đạo luật, bảo đảm ổn định mức tăng trưởng, điều quan trọng là doanh nghiệp phải đảm bảo có được nguồn nguyên liệu sạch, giảm dần nguồn gỗ nhập khẩu. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Nhà nước cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng. Trước mắt, cần rà soát các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, đầu tư giải pháp KH-CN để nghiên cứu, tuyển chọn các giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu. Theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2012 cả nước sẽ trồng  250.000 ha rừng,  gồm trồng mới 130.000 ha, trồng lại rừng sản xuất sau khai thác 120.000 ha...
 
 Bên cạnh đó, để đảm bảo uy tín cho sản phẩm gỗ Việt Nam, Nhà nước cũng cần kiểm soát một cách chặt chẽ nguồn gỗ chuyển tải từ công ty mẹ ở nước ngoài vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam để ngăn ngừa việc trốn thuế và lẩn tránh xuất xứ gỗ.
 

H.H (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc