Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Tạo hướng đi bền vững cho nông dân bằng mô hình sản xuất rau an toàn

09:08, 14/10/2011

Tuy không mới nhưng mô hình rau an toàn (RAT) ở thôn 5, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar đã tạo hướng đi bền vững cho người dân trồng rau trong vùng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Từ năm 2008, trên địa bàn huyện Cư M’gar đã xuất hiện những quầy RAT do những người trồng rau ở thôn 5, thị trấn Ea Pôk cung ứng, tạo ra xu hướng tiêu dùng mới cho người nội trợ. Đó cũng là kết quả của mô hình RAT được Trạm Khuyến nông huyện thực hiện với diện tích 3 ha nhằm xây dựng vùng này thành một vùng sản xuất RAT để cung ứng cho người tiêu dùng nguồn rau sạch, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người làm rau. Đây là một mô hình không mới nhưng nó khác xa những mô hình trước đó là qui mô sản xuất lớn hơn và có sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ theo hướng hàng hóa. Mô hình được triển khai dưới hình thức tổ hợp sản xuất, trong đó Trạm Khuyến nông hợp đồng với người nông dân yêu cầu họ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dưới sự chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật khuyến nông, đổi lại người nông dân sẽ được hỗ trợ về vật tư, giống, phân hữu cơ… Ngoài ra, Trạm cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn IPM, ICM, thông thường khoảng 3 lớp/năm, đồng thời cử cán bộ xuống nằm vùng để giám sát và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân ngay khi họ cần. Với cách thức làm này đã khuyến khích người nông dân tham gia vào tổ hợp và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu đã cam kết với Trạm. Ngoài ra, hằng năm đều có những đợt thanh tra, kiểm tra các mẫu sản phẩm và hầu hết sản phẩm RAT mà bà con đã đưa ra thị trường đều đạt chất lượng, trung bình mỗi năm thôn 5 cho ra thị trường khoảng 75 tấn RAT. Trên nền tản đó, tháng 3-2009 HTX nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh ra đời và là cơ sở sản xuất rau đầu tiên trên địa bàn tỉnh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận “Đủ điều kiện sản xuất và sơ chế rau an toàn”.

Kiểm tra mô hình rau an toàn ở thôn 5, thị trấn Ea Pốk.
Kiểm tra mô hình rau an toàn ở thôn 5, thị trấn Ea Pốk.

Theo ông Đỗ Văn Khoan, Bí thư Chi bộ thôn 5, thị trấn Ea Pốk, sau 3 năm triển khai việc sản xuất RAT đã có những thành quả nhất định, trong đó thành quả đáng kể nhất là đã thay đổi được nhận thức của đại đa số bà con nông dân. Họ đã hiểu rõ hơn tác hại của các loại thuốc hóa học, phân bón… nếu không dùng đúng qui trình và học tập được nhiều phương pháp trồng rau tiên tiến. Ngoài ra, nhận thức về bảo vệ môi trường sống ở khu dân cư của những người dân cũng nâng lên, góp phần thay đổi tập quán canh tác, không còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc sâu trong sản xuất. Đây là một bước tiến quan trọng và cần phải được phối hợp tiến hành thường xuyên, liên tục, duy trì một cách bền vững có hiệu quả để tiến tới sản xuất rau sạch và làm nông nghiệp sạch.

 

Điều đáng mừng là ngoài việc thay đổi tập quán sản xuất, người dân còn có cơ hội tiếp cận và ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến trong sản xuất. Đó là, đầu năm 2010, người dân tại đây đã được làm quen với qui trình Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam (VietGAP), nhằm sản xuất RAT đúng qui trình, xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng thuốc hóa học và ứng dụng thuốc sinh học bằng nguyên liệu từ các loại thổ mộc không độc hại, không ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân mà chỉ ảnh hưởng tới thiên địch, địch hại của RAT. Đến tháng 4-2011, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam đã triển khai mô hình tưới phun sương rau thử nghiệm trên 0,2 ha. Thấy hiệu quả cao vì vừa tiết kiệm được sức lao động lại vừa tiết kiệm được nước tưới, các hộ trồng rau đã tự bỏ vốn đầu tư hệ thống này cho vườn rau của gia đình. Đến này, toàn thôn đã có 12 mô hình tưới phun sương với tổng diện tích 1,7 ha.

Ông Lê Hòa, chủ nhiệm HTX Toàn Thịnh mong muốn trong tương lai  sản xuất RAT sẽ theo một chu trình khép kín bao gồm nhà lồng, nhà lưới kết hợp với tưới phun sương. Và hiện mong muốn lớn nhất của bà con thôn 5 là có một mô hình mẫu nhà lồng nhà lưới thí điểm để bà con tiếp cận.

Hoàng Gia - Thuận Nguyễn

Ý kiến bạn đọc