Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ thay đổi tư duy

10:43, 23/10/2011

“Nếu không chịu lao động, cứ thụ hưởng, ỷ lại vào các chính sách bảo trợ của Nhà nước thì khó mà thoát nghèo được. Bà con mình phải thay đổi tư duy, học hỏi cách làm ăn và chăm chỉ mới cải thiện được đời sống kinh tế của gia đình, xây dựng buôn làng mình giàu đẹp”, già làng Y Bhiông M’lô,  ở buôn M’a, xã Cư Huê (Ea Kar) đã nói như vậy trong một buổi họp buôn… Thực tế cho thấy, những năm qua, rất nhiều gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương trong tỉnh có đồng quan điểm như già làng Y Bhiông đã nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế bền vững.

Những điển hình thoát nghèo bền vững...
Không dừng những ngón tay đan điệu nghệ,  H’Cin Niê ở buôn K’nia, xã Tân Tiến (huyện Krông Pak) vui vẻ khoe: “Từ khi được học nghề đan mây tre này, hơn chục hộ trong buôn mình đã thoát nghèo rồi đấy…”. Trong buôn có khá nhiều hộ thiếu đất sản xuất, trong khi con cái lại đông nhưng họ vẫn chỉ làm thuê làm mướn kiếm ăn cầm chừng để được vào diện hộ nghèo và chờ đợi sự trợ giúp của Nhà nước. Không đồng tình với những suy nghĩ cổ hủ ấy, H’Cin rủ mấy người bạn thân rồi vận động họ tuyên truyền cho những người khác trong buôn tham gia lớp học nghề đan mây tre được mở miễn phí ở buôn. Chỉ sau 2 tuần học nghề H’Cin và những người bạn đã có sản phẩm đạt yêu cầu và được trả công tương xứng. Nghề đan mây tre chẳng hề phải bỏ vốn, ai cũng có thể làm được, chỉ cần tranh thủ những lúc nông nhàn hoặc tận dụng  thời gian rảnh rỗi của con cháu trong nhà ngồi đan là có sản phẩm… Nhà H’Cin thuộc diện nghèo nhất buôn vì em là trẻ mồ côi, ở với bà nội đã già yếu, nhà lại đông người mà đất đai thì ít. Từ khi được học nghề, H’Cin có thêm gần 2 triệu đồng mỗi tháng, cộng thêm tiền làm thuê và thu hoạch lúa từ một sào ruộng, cuộc sống của 2 bà cháu đã thoát khỏi nghèo đói. Thấy vậy, nhiều gia đình trong buôn cho con cháu đến nhà những người đã có nghề để học...

Ngồi trầm ngâm trong ngôi nhà tiện nghi, ấm cúng của mình, nhớ lại chuyện xưa, Ama Nanh ở thôn 4, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự: Trước đây nhiều hộ trong buôn của mình vẫn có tư tưởng “đến đâu hay đó”. Có tiền thì nhậu nhẹt rượu chè suốt ngày, đến khi hết tiền đem bán cà phê non, đậu non, ngô non… mua gạo. Không còn cái gì đổi bán thì đợi chế độ trợ cấp. Cái nghèo cái đói dắt dây nhau không bao giờ ngẩng mặt lên được. Gia đình Ama Nanh cũng không phải ngoại lệ. Không thể tiếp diễn mãi tình trạng này trong khi mình có đất, có sức khỏe. Nghĩ vậy nên cả nhà quyết định trồng khoai lang vì vừa ít vốn vừa ít tốn công chăm sóc hơn các loại cây trồng khác. Hằng ngày vợ hái ngọn, cắt dây đem ra chợ bán, chồng ở nhà chăm bón để có rau gối đầu liên tục. Cần mẫn như vậy, dần dần anh chị không chỉ đủ sống mà còn chắt chiu dành dụm mua được thêm 1,2 ha đất. Khi ấy mía bán cho người ép mật đang được giá nên vợ chồng anh quyết định trồng mía. Sau một thời gian có vốn vợ chồng anh lại chuyển đổi sang trồng cà phê, chăn nuôi để vừa tăng thu nhập vừa có nguồn phân bón cho cây trồng…Đến nay, gia đình Ama Nanh đã có hơn 2 ha cà phê kinh doanh; 7 sào trồng đậu, ngô; 3 sào ruộng trồng lúa. Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi bò, hươu. Tổng thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ xây nhà cửa khang trang, gia đình anh còn mua sắm được nhiều phương tiện phục vụ sản xuất như xe tải, xe công nông, máy suốt lúa đậu, ngô, máy cày… Từ một nông dân không cam chịu phận nghèo, vượt lên thói quen cố hữu “đến đâu hay đó”, với hai bàn tay lao động và tư duy đổi mới, gia đình Ama Nanh không những thoát nghèo mà còn là gương điển hình sản xuất giỏi của xã Cư Êbur.

Gia đình chị Nông Thị Bời (dân tộc Tày) rời quê hương Cao Bằng vào lập nghiệp tại Tây Nguyên từ năm 1990. Sau nhiều lần thay đổi chỗ ở, năm 2001, vợ chồng anh chị quyết định định cư tại xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) để gây dựng cuộc sống. Thiếu vốn, thiếu đất ở, đất sản xuất, gia đình chị Bời phải ở nhờ nhà người thân, các con còn nhỏ, cô con gái đầu còn bị dị tật bẩm sinh nên cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm khốn đốn. Không thể luẩn quẩn mãi trong vòng đói nghèo, làm thuê, ở nhờ, vợ chồng chị quyết định vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 7 triệu đồng để mua 1 con bò giống về nuôi. Ba năm sau, nhờ được chăm sóc chu đáo, bò đã sinh sản được 2 con bê. Lúc này cũng đã đến thời hạn trả nợ ngân hàng nên gia đình chị bán bò để trả và tiếp tục vay thêm 10 triệu đồng nữa, cộng với số tiền dành dụm được, anh chị đã mua 4 sào ruộng nước canh tác. Năm 2006, vợ chồng chị Bời lại chuyển sang đầu tư chăn nuôi heo. Gia đình chị đã mua được đất, làm được nhà, mua và mượn thêm đất để sản xuất. Tâm sự về con đường thoát nghèo, chị chia sẻ: “Quan trọng nhất vẫn là nghị lực vươn lên bởi nếu người nghèo không tự mình nỗ lực, vượt khó thì những sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng không phát huy được tác dụng, người nghèo sẽ không thoát được nghèo”.

H’Cin (bên trái) vận động chị em trong buôn học nghề để thoát nghèo.
H’Cin (bên trái) vận động chị em trong buôn học nghề để thoát nghèo.
Đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi tư duy
Đánh giá về công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn, ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar nhấn mạnh: điều quan trọng nhất người dân trong huyện (mà đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số) đã làm được đó là không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà tự lực tự cường, phát huy sức mạnh đoàn kết để vươn lên phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và xã hội… Điển hình như buôn M’Briu (xã Cư Huê) với 205 hộ, 99% số hộ là đồng bào dân tộc tại chỗ. Trong những năm qua, bà con trong buôn đã đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển, chủ yếu là sản xuất cà phê, ngô lai và dịch vụ  nông nghiệp. Với mô hình tổ đổi công, học tập cộng đồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…, kinh tế gia đình bà con trong buôn ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 7 triệu đồng/người/năm. Hay như bà con dân tộc Thái và Mường ở thôn 5 xã Ea Păl - một xã vùng sâu vùng xa của huyện. 41 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn đã giúp nhau cùng phát triển kinh tế bằng cách hùn vốn, giúp vốn, giúp giống, vần công, đổi công, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Thôn 5 cũng đã xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả câu lạc bộ khuyến nông với 40 hội viên tham gia hoạt động thường xuyên theo định kỳ mỗi tháng 2 lần. Từ những hoạt động trên, bà con trong thôn đã tiếp cận được với nhiều thông tin khoa học - kỹ thuật, thị trường, giống cây, con mới phục vụ phát triển kinh tế. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 7,5 triệu đồng/năm; 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn hiện đại; 95% số hộ có xe gắn máy; thôn đã hoàn thành phổ cập giáo dục đến bậc trung học cơ sở…

“Kiên trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa hiểu rõ về chính sách xóa đói giảm nghèo, giúp bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, có tinh thần thi đua sản xuất vươn lên, thoát nghèo đang là hướng đi mang lại hiệu quả ở các địa phương…”, bà H’Ni M’lô, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết.

Theo kinh nghiệm của cán bộ Phòng LĐTB&XH của các huyện như Ea Kar, Buôn Hồ, Krông Năng… thì tùy tình hình cụ thể mà mỗi xã, phường có cách tuyên truyền, vận động bà con khác nhau. Ví dụ như, khi tuyên truyền các chính sách giảm nghèo phải tùy nhận thức từng người, từng buôn mà có cách tiếp cận phù hợp để họ hiểu rằng việc chây lười, ỷ lại hay thụ hưởng các chính sách dành cho hộ nghèo là suy nghĩ đáng xấu hổ… Chủ tịch UBND xã Ea Tam (huyện Krông Năng) chia sẻ kinh nghiệm: xã luôn lồng ghép tuyên truyền chính sách xóa đói giảm nghèo với các hành động cụ thể như dạy nghề; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; hỗ trợ khoa học - kỹ thuật… nên bà con tiếp thu nhanh. Cách hiệu quả nhất là phối hợp với già làng, trưởng buôn vận động phong trào hộ gia đình làm kinh tế giỏi, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm hẳn. Ở huyện Cư M’gar lại có cách làm khá hiệu quả: đoàn liên ngành của huyện thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ nghèo nhằm triển khai tốt các chính sách ưu đãi đúng nhóm đối tượng; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để có hướng giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Qua những buổi đối thoại trực tiếp, người nghèo nắm được các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho mình, xác định rõ trách nhiệm của bản thân cần vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại…

Chính nhờ chiến lược kiên trì, linh hoạt trong tuyên truyền bên cạnh những chính sách xóa đói giảm nghèo mà kết thúc giai đoạn giảm nghèo 2006-2010, toàn tỉnh chỉ còn dưới 10% hộ nghèo, giảm hơn 54.000 hộ nghèo so với cuối năm 2005…

Minh Quân

Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ công
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công để tạo thuận cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công phục vụ, thông thoáng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trong của cải cách hành chính mà các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đang nỗ lực thực hiện.