Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo

Những mô hình giảm nghèo bền vững

11:56, 31/10/2011

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, những năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh ta đã chú trọng vào hoạt động hướng dẫn người nghèo cách làm ăn; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng trăm lượt người nghèo tham gia. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức cho hộ  nghèo, giúp các hộ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao, giảm nghèo bền vững. 

Mô hình trồng rau sạch của  hộ anh Nguyễn Văn Huấn ở thôn Giang Thịnh được Hội Nông dân xã Tam Giang (Krông Năng) đánh giá là mô hình thoát nghèo bền vững cần được nhân rộng trên địa bàn. Là hộ khó khăn, thiếu vốn, 2 năm nay gia đình anh Huấn đã chọn hướng trồng rau sạch tại vườn nhà để phát triển kinh tế. Với 500m2 đất trồng rau xanh, anh Huấn đã trồng rau an toàn bằng phân vi sinh và phân hữu cơ (được sản xuất bằng rơm rạ thu gom sau mỗi mùa thu hoạch lúa). Do không dùng chất kích thích hay phun thuốc tăng trưởng nên sản phẩm từ vườn rau của gia đình anh có số lượng không nhiều, không đa dạng về chủng loại, chủ yếu là trồng rau cải ngọt và xà lách nhưng đổi lại anh bán 1 kg rau sạch có giá tiền cao gấp đôi các loại rau ở chợ. Trong những ngày đầu tháng 10-2011, trung bình 1 kg rau xà lách ở chợ là có giá 6.000 đồng thì rau tại vườn anh Huấn có giá 12.000 đồng/kg. Theo tính toán của anh Huấn, khi trồng rau xà lách, nếu dùng chất kích thích hoặc các loại thuốc bảo vệ thực vật thì khoảng 3,5 tháng là cho thu hoạch, trung bình 5 cây rau sẽ được 1 kg; song nếu trồng bằng phân hữu cơ mà không dùng hóa chất khác thì cỡ 3 tháng là phải thu hoạch và phải 20 cây xà lách mới được 1 kg, nếu để lâu rau sẽ già lại dễ phát sâu bệnh. Rau sạch ở vườn nhà anh Huấn không xanh mướt như các vựa rau khác ở chợ, song cả vùng dân cư nơi này ai cũng đến mua rau của anh để sử dụng hằng ngày.

Trồng rau sạch theo phương pháp thủ công cũng được hộ anh Lã Đình Nhưỡng ở tổ dân phố 11, phường Ea Tam (TP.Buôn Ma Thuột) lựa chọn như một mô hình thoát nghèo bền vững. Từ 3 năm nay, hơn 1.400 m2 đất trồng rau sạch đã mang lại  nguồn thu đáng kể cho gia đình anh Nhưỡng. Tuy nhiên, muốn  trồng rau sạch phải cần có một nguồn vốn đầu tư lớn, để làm nhà lưới và hệ thống nước tưới an toàn, nguy cơ rủi ro rất cao nếu thiếu kiến  thức phòng trừ sâu bệnh cho cây rau. Anh Nhưỡng đã trồng rau và tiêu thụ rau theo hình thức lấy công làm lời. Đây là một việc vừa sức đối với hộ khó khăn, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó thức khuya dậy sớm để gánh rau đi bán. Anh Nhưỡng cho biết trồng rau sạch rất khó vì phải làm đất chu đáo, không được dùng nhiều phân bón hữu cơ, phải cho đất nghỉ ngơi và thay đổi cây trồng. Sản lượng rau anh làm ra không nhiều so với các vựa rau khác trên cùng diện tích song có giá bán cao hơn và quan trọng là tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.

Đàn dê của anh Báu từ 10 con nay đã phát triển lên 21 con.
Đàn dê của anh Báu từ 10 con nay đã phát triển lên 21 con.
Người dân ở tổ dân phố 11, phường Ea Tam (TP.Buôn Ma Thuột) đang rất quan tâm đến mô hình nuôi rẽ dê của anh Đinh Văn Báu. Đầu năm 2011, anh Báu được Hội Nông dân phường Ea Tam đứng ra tín chấp cho anh vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Anh đã đầu tư chuồng trại nuôi rẽ dê. Anh nhận nuôi  thuê 10 con dê con cho các hộ trong vùng, trung bình một con dê sinh sản mỗi năm đẻ được 2-3 lứa, khi dê đẻ, người chủ dê lấy 1 con dê con, anh Báu được nhận 2 con. Việc nuôi dê rất đơn giản vì thức ăn của dê là rau củ quả, nhưng việc chăm sóc bảo vệ dê tránh khỏi bệnh tật rất phức tạp, đòi hỏi người nuôi dê phải có kiến thức về thú y. Thế là bằng tính chịu khó và học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi dê trong khu vực, anh Báu đã chăn nuôi đàn dê mỗi ngày một phát triển. Đến nay đàn dê đã phát triển được 21 con, theo tính toán một nửa đàn dê này đã thuộc về gia đình anh. Một con dê con sinh sản từ 1 năm tuổi trở lên hiện có giá trên 2 triệu đồng, nếu chia đàn tách bầy dê thì  anh Báu đã có trong tay hơn 20 triệu đồng. Dự tính cuối năm nay anh Báu sẽ trả xong nợ và được công nhận thoát nghèo từ việc nuôi rẽ dê. Đây cũng là hướng đi phù hợp cho những hộ nghèo.

Xuân Hòa

Ý kiến bạn đọc