Multimedia Đọc Báo in

Tổ sản xuất rau an toàn ở Khánh Xuân - mô hình điểm đầu tiên của thành phố Buôn Ma Thuột

08:45, 21/10/2011

Từ nhiều năm nay, tổ sản xuất rau an toàn tổ dân phố 12 thuộc HTX Nông nghiệp Thuận Hòa (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) trở thành địa chỉ quen thuộc của không ít người tiêu dùng cũng như các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý.

Khánh Xuân là một trong những địa danh nổi tiếng trong việc cung cấp rau của thành phố, trong đó phải kể đến tổ dân phố 12. Hầu như nhà nào cũng dành một phần diện tích để trồng rau, nhà ít thì chục mét vuông, nhà nhiều thì cả héc-ta. Trước đây việc sản xuất rau của bà con hoàn toàn thực hiện theo kinh nghiệm, thói quen và tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Bắt đầu từ năm 2006, người trồng rau nơi đây được tiếp cận với phương thức sản xuất rau theo quy trình kỹ thuật. Từ nguồn vốn Dự án nông nghiệp cạnh tranh, tổ dân phố 12 đã được chọn là nơi làm điểm mô hình sản xuất rau an toàn đầu tiên của phường Khánh Xuân và của thành phố. Nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dành thời gian về địa phương khảo sát, lựa chọn địa điểm phù hợp với yêu cầu sản xuất, tiến hành lấy mẫu, kiểm tra, phân tích đánh giá điều kiện đất, nước và chứng nhận vùng này đủ điều kiện làm điểm sản xuất rau toàn.

Nhiều hộ dân ở Khánh Xuân đã đầu tư nhà lưới trồng rau và tuân thủ theo quy trình sản xuất rau an toàn.
Nhiều hộ dân ở Khánh Xuân đã đầu tư nhà lưới trồng rau và tuân thủ theo quy trình sản xuất rau an toàn.
Tháng 6-2008, tổ sản xuất rau an toàn thuộc HTX Nông nghiệp Thuận Hòa được thành lập với số hội viên tham gia là 28 hộ, tổng diện tích 5,6 ha. Bà con trong tổ sản xuất được tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất rau an toàn, từ việc chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, nắm bắt danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng trên rau do Bộ NN & PTNT ban hành. Sau các đợt đi tham quan mô hình ở những vùng trồng rau nổi tiếng của Đà Lạt, hiện một số hội viên đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới đủ loại như tưới nhỏ giọt, tưới phun sương khá hiện đại, bài bản. Nhận thấy những ưu việt của mô hình điểm này góp phần hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, bảo vệ môi trường sống, an toàn sức khỏe, đến nay số hội viên tham gia tổ sản xuất đã phát triển lên con số 44 hộ với tổng diện tích 6,6 ha. Ông Trần Đình Trọng, tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn cho biết: Chương trình điểm này được chính quyền địa phương cũng như cơ quan chuyên môn đặc biệt quan tâm. Tổ sản xuất được đầu tư trên 100 triệu đồng để trang bị, xây dựng hệ thống sơ chế, bảo quản rau gồm: nhà sơ chế, hai máy ô-zôn, bồn chứa nước máy, một máy lạnh và một số trang thiết bị khác. Riêng gia đình ông Trọng còn đầu tư thêm 1 triệu đồng mua bộ dụng cụ thử dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để kiểm tra độ an toàn của thực phẩm nhằm bảo đảm sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng là rau an toàn thực sự.

Tuy nhiên, chia sẻ của bà con trong tổ sản xuất rau an toàn cho thấy khó khăn lớn nhất vẫn là đầu ra của sản phẩm. Nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì tăng chi phí sản xuất, giá thành rau sẽ cao hơn rau làm theo thói quen, kinh nghiệm. Chính yếu tố này khiến rau an toàn khi ra đến chợ khá vất vả trong khâu tiêu thụ. Đơn giản bởi tâm lý người tiêu dùng ai chẳng muốn mua rẻ, còn nếu đồng ý rau an toàn phải đắt hơn thì lại e ngại tính trung thực của sản phẩm. Thế nên rau an toàn khi ra đến chợ dường như bị đánh đồng cùng với nhiều sản phẩm rau khác. Tháo gỡ khó khăn này, HTX Nông nghiệp Thuận Hòa đã đứng ra mở cửa hàng tiêu thụ cho nông dân nhưng chỉ kéo dài được 3 tháng rồi đóng cửa vì ế ẩm và … lỗ vốn. Bà con tìm đến các bếp ăn tập thể chào hàng nhưng cũng chưa mấy thành công. Hiện chỉ có nguồn cung cấp cho siêu thị Co.op Mart dưới sự giới thiệu của cơ quan chuyên môn là tương đối ổn định và bảo đảm công bằng về giá so với mức chi phí đầu tư cho sản xuất rau an toàn. Dù còn khá trầy trật đi tìm đầu ra cho sản phẩm tương xứng với công sức, tiền của nhưng những người nông dân ở đây vẫn kiên trì và tin tưởng bởi hướng đi bền vững: sản xuất an toàn, vì sức khỏe chắc chắn là lựa chọn tất yếu của thị trường dù sớm hay muộn.

Đàm Thuần

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.