Multimedia Đọc Báo in

Trợ lực cho sản xuất rau an toàn

09:55, 07/10/2011

Rau xanh không thể thiếu trong khẩu phần ăn hằng ngày của mỗi gia đình. Từ trước đến nay, loại hình sản xuất mặt hàng này khá phong phú, đa dạng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Ngoài việc canh tác, trồng rau truyền thống, hiện có nhiều phương pháp sản xuất rau như: trồng trong nhà kính, trong nhà lưới, trồng thủy canh….

Nhiều nông dân đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất rau.
Nhiều nông dân đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất rau.
Ở tỉnh ta hiện nay đã hình thành một số vùng rau với nhiều chủng loại sản phẩm đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, phần lớn diện tích rau trên địa bàn tỉnh đều trồng theo phương thức canh tác truyền thống, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, ít áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Việc sử dụng giống rau, nguồn nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các hợp chất hóa học khác không được kiểm soát chặt chẽ nên hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hàm lượng một số kim loại nặng còn tồn đọng trong sản phẩm sau thu hoạch tương đối cao làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để khắc phục những tồn tại trên, ngày 9-7-2010 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu sản xuất rau an toàn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng hiệu quả kinh tế bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng bảo vệ môi trường và tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2015 là 30% diện tích rau tại vùng sản xuất tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất theo hướng Vietgap; 30% tổng sản phẩm rau quả tiêu thụ trên địa bàn tỉnh làm nguyên liệu cho sơ chế và tiêu thụ. Quy mô vùng sản xuất rau an toàn tập trung phải có diện tích từ 2 ha trở lên. UBND tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn gồm: đào tạo tập huấn, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sơ chế rau an toàn; hỗ trợ xây dựng cải tạo và phục vụ trực tiếp sản xuất sơ chế tiêu thụ rau an toàn; vùng sản xuất rau an toàn mới được hình thành được miễn tiền thuê đất 11 năm kể từ ngày đưa vào hoạt động ở địa bàn các huyện, thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột; hỗ trợ xúc tiến thương mại; chính sách tín dụng.
 Rau an toàn là mối quan tâm của toàn xã hội.
Rau an toàn là mối quan tâm của toàn xã hội.
Sau khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện là 6.029.000.000 đồng để đầu tư xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng, cấp giấy chứng nhận và chứng nhận sản phẩm rau an toàn; tập huấn kỹ thuật; xúc tiến thương mại. Ngoài ra UBND tỉnh cũng phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn giai đoạn 2010-2012 và định hướng 2020. Quy mô của dự án: diện tích gieo trồng rau an toàn đến năm 2020 là 4.950 ha. Vùng quy hoạch được xây dựng trên địa bàn 6 huyện, thị, thành phố gồm: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, các huyện Krông Pak, Ea Kar, Cư M’gar, Buôn Đôn với 25 xã, phường, thị trấn. Mục tiêu chung của dự án là quy hoạch vùng đất sản xuất rau an toàn theo hướng tập trung, chuyên canh, từng bước thay đổi tập quán sản xuất và tiêu thụ rau xanh; tăng dần sản lượng rau an toàn cung cấp cho thị trường, góp phần bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân. Mục tiêu cụ thể: đến năm 2015 diện tích canh tác rau an toàn là 830 ha, diện tích gieo trồng 2.490 ha, năng suất bình quân 210 tạ/ha, sản lượng 52.290 tấn, đáp ứng 30% nhu cầu; đến năm 2020 diện tích rau canh tác rau an toàn là 1.650 ha, diện tích gieo trồng 4950 ha, năng suất bình quân 250 tạ/ha, sản lượng 123.750 tấn, đáp ứng 50% nhu cầu rau an toàn trên địa bàn, hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý sơ chế, sản xuất và mở rộng kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm đều khắp. Với tổng kinh phí 401.952,5 triệu đồng, dự án sẽ đầu tư cho các nội dung chủ yếu: xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống kênh mương, điện, nhà lưới, nhà màng, hệ thống ươm cây giống trong khay bầu, bể chứa vỏ bao bì, nhà sơ chế, giới thiệu sản phẩm, xây dựng cửa hàng tiêu thụ rau an toàn. Dự kiến đến năm 2020 toàn vùng có 45 quầy bán rau an toàn.

Đ.T

Ý kiến bạn đọc