Multimedia Đọc Báo in

Điện lực Buôn Hồ: Nỗ lực bảo đảm an toàn lưới điện nông thôn sau tiếp nhận

10:20, 08/11/2011

Điện lực Buôn Hồ đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cấp, cải tạo, bảo đảm an toàn lưới điện sau tiếp nhận trên địa bàn. Tính đến nay, việc tiếp nhận lưới điện nông thôn ở đây đã cơ bản hoàn thành với 12/13 hợp tác xã bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý với hơn 401 km đường dây hạ thế, 56 trạm biến áp và 34.450 khách hàng.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý, từ 15-4-2009, điện lực Buôn Hồ đã triển khai tiếp nhận hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn tại 11 xã trên địa bàn. Trước đây, cũng như nhiều vùng nông thôn khác, lưới điện ở đây chủ yếu do người dân đóng góp xây dựng, các hợp tác xã điện quản lý, phân phối. Do thời gian sử dụng lâu, các hợp tác xã không có điều kiện nâng cấp, cải tạo nên hệ thống lưới điện trên địa bàn xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến tổn thất điện năng lớn. Nhiều trụ điện lâu ngày trở nên cũ nát, những đoạn dây trần thấp ngang đầu người  là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây trong suốt mấy chục năm qua. Sau khi tiếp nhận, Điện lực Buôn Hồ đã thay toàn bộ công tơ cũ bằng công tơ mới (với tổng số 18.500 công tơ) và cải tạo tối thiểu an toàn, lau sứ hạ áp, kiểm tra xử lý tiếp xúc xấu, thay trụ mất an toàn tạm thời bằng trụ bê tông vuông, đánh lại số trụ và cắm biển cấm trèo trên toàn bộ lưới điện hạ áp tiếp nhận…

Công nhân Điện lực Buôn Hồ đang tiến hành các thao tác kỹ thuật, cải tạo  đường dây điện phường Đạt Hiếu.
Công nhân Điện lực Buôn Hồ đang tiến hành các thao tác kỹ thuật, cải tạo đường dây điện phường Đạt Hiếu.
Với người dân thị xã Buôn Hồ, đặc biệt các phường Đạt Hiếu, Cư Pơng, Ea Blang…. những nơi có điện nhưng lại được gọi là “vùng sáng chập chờn” thì việc tập trung đầu tư, cải tạo lưới điện, đã mang lại nhiều niềm phấn khởi, vui mừng, tạo cơ hội cho nhiều người phát triển kinh tế gia đình. Ngồi nhớ lại khoảng thời gian cách đây chưa đầy 3 năm về trước, ông Bùi Ngọc (tổ dân phố 1, phường Đạt Hiếu) tâm sự, tuy điện lưới quốc gia đã phủ rộng nhưng để có điện sinh hoạt, một vài hộ tổ dân phố 1, 6… phải kéo điện cách xa vài trăm mét bằng hệ thống dây tạm bợ nên điện rất yếu, không đủ sáng. Buổi tối, bật công tắc, bóng đèn không lên nổi, dù có điện nhưng cả xóm vẫn phải chịu cảnh tối om om, nhiều nhà đành thắp nến, hoặc dùng bình ắc quy có dự trữ sẵn năng lượng để thắp sáng. Hằng đêm, cả nhà ông phải thay nhau thức dậy lúc 1,2 giờ sáng để bơm nước, bởi chỉ có những giờ đó thì mô-tơ mới chạy nổi(!?). Tội nghiệp nhất là mấy đứa con đi học, tối đến, điện yếu chập chờn, không sao học bài được, cứ than nhức mắt hoài…. Ông Nguyễn Hơn, từng là Chủ nhiệm Hợp tác xã điện Đạt Hiếu cho biết, trước đây địa phương này đã có điện từ khá sớm nhưng điện vẫn chập chờn, đường dây kéo xuống nhà người dân quá dài, lại xuống cấp, gây tổn thất điện năng lớn. Điện không đủ để phục vụ cho sinh hoạt, thắp sáng, huống gì đến sản xuất. Từ khi lưới điện được cải tạo, việc chăm sóc mấy ha cà phê, tiêu của ông được thuận tiện thấy rõ. Dòng điện không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn đáp ứng đủ điện năng giúp ông chủ động hơn trong việc tưới nước cho cây trồng. Ông Hơn nhẩm tính, trước đây, gia đình ông dùng dầu chạy máy nổ để tưới cho vườn cà phê, trung bình mỗi giờ tốn hơn 2 lít dầu diezen, chi phí hơn 40 nghìn đồng, bây giờ dùng điện chỉ tốn chưa đến 10 ngàn đồng…

Men theo những con đường đất trong đường làng, ngược ra Quốc lộ 14, chúng tôi thấy nhiều cột điện mới đã được dựng lên; những đường dây điện, trạm biến áp kiên cố an toàn đã kéo về tận ngõ thay thế cho đường dây nhỏ, tạm bợ... Từ khi lưới điện được cải tạo, người dân có điều kiện để đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần được nâng cao. Nhìn những ngôi nhà ở phường Đạt Hiếu sắm sửa thêm ti vi, thiết bị dùng điện cùng với vườn cà phê xanh tốt nhờ chủ động được nguồn nước tưới, chúng tôi cũng vui lây niềm vui của bà con nơi đây.

Ông Lê Kim Nam, Giám đốc Điện lực Buôn Hồ cho biết, với đặc thù lưới điện nông thôn cũ nát, mất an toàn trước đây nên việc tiếp nhận và cải tạo lưới điện nông thôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của điện lực. Trước khi được bàn giao, tổn thất điện năng lên đến 35%, hiện nay, sau khi được cải tạo, kết hợp tuyên truyền, tư vấn cho người dân sử dụng các thiết bị phù hợp, đúng cách, chất lượng điện áp trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể, giảm tổn thất điện năng xuống còn khoảng 4%.

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc