Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội buôn, thôn đồng bào dân tộc thiểu số

09:44, 29/11/2011

Cùng với các chương trình, chính sách đầu tư hỗ trợ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ, trong những năm qua, tỉnh Dak Lak luôn đặc biệt quan tâm ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội ở các thôn, buôn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Một trong những chương trình đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến rõ nét nhất chính là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy (khóa VIII) về phát triển kinh tế - xã hội buôn, thôn đồng bào dân tộc thiểu số…

Chuyển biến từ một xã nghèo
Chỉ cách nay vài năm, xã Krông Nô (huyện Lak) luôn được nhắc đến là một trong những xã đặc biệt khó khăn, bởi đời sống người dân chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp, nhưng đất đai lại thiếu thốn và cằn cỗi, phương thức canh tác thì còn thô sơ lạc hậu. Toàn xã có trên 1.300 hộ dân thì trong đó có đến gần 100 hộ là đồng bào dân tộc tại chỗ và hộ nghèo thì chiếm đến trên 61%.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết cùng với chính quyền địa phương đã linh hoạt vận dụng, kết hợp, lồng ghép với các nguồn vốn từ nhiều chương trình khác để đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực cũng như hỗ trợ kịp thời việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho người dân… Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay xã đã được đầu tư tổng cộng hơn 29 tỷ đồng để xây dựng các công trình như: giao thông, thủy lợi, trường học... để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế ở địa phương. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, tập huấn đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, chuyển giao khoa học kỹ thuật… cũng được quan tâm triển khai có hiệu quả. Theo thống kê, các chương trình, dự án đã tiến hành hỗ trợ tổng cộng gần 70.000 cây giống cho người dân với kinh phí hàng trăm triệu đồng; hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo nuôi trên 600 con bò cái sinh sản, tổ chức các nhóm hộ để đầu tư bò đực giống lai nhằm cải tạo đàn bò… Nhờ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Krông Nô phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đến nay, số hộ nghèo của toàn xã đã giảm xuống còn 23,98% (theo tiêu chí cũ).

Ông Y Krang Ndu, Chủ tịch UBND xã Krông Nô phấn khởi: Toàn xã hiện đã có trên 90% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; Trạm Y tế xã được xây dựng kiên cố, trang thiết bị được đầu tư đầy đủ để khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, toàn xã đã có 12/14 thôn, buôn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Ngoài ra, các chương trình 134, 167 cũng đã xây dựng nhà ở cho 289 hộ nghèo, tạo điều kiện cho bà con ổn định cuộc sống. Đời sống người dân cũng như bộ mặt của xã vùng ba Krông Nô hôm nay đã đổi thay rất nhiều…

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong vùng đồng bào dân thộc thiểu số đang giúp bộ mặt các thôn buôn ngày càng đổi mới.
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong vùng đồng bào dân thộc thiểu số đang giúp bộ mặt các thôn buôn ngày càng đổi mới.
Thôn, buôn ngày càng đổi mới
Ngày 17-11-2004, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04 về “Phát triển kinh tế - xã hội buôn, thôn đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2010” trong bối cảnh toàn tỉnh có hơn 43.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, với hơn 322.000 khẩu chiếm hơn 19% dân số của tỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm đến 30%, kết cấu hạ tầng, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung cả tỉnh; các điều kiện phục vụ dân sinh cũng vô cùng thiếu thốn… Để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt đến từng cán bộ chủ chốt; đồng thời chỉ đạo cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng Chương trình hành động cụ thể, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết trên từng địa bàn, phân công cụ thể cho từng cấp, từng ngành có liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết. Nhờ triển khai quyết liệt nên Nghị quyết đã sớm phát huy được hiệu quả. Đến nay, đời sống của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện đáng kể, bộ mặt các thôn, buôn vùng sâu vùng xa ngày càng đổi mới…

Triển khai thực hiện Nghị quyết, từ năm 2005 đến nay, tổng số vốn ngân sách tỉnh bố trí để đầu tư trực tiếp cho các thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng kết xấu hạ tầng đã lên đến con số 1.400 tỷ đồng. Trong đó, đã đầu tư thí điểm xây dựng mô hình sản xuất thí điểm cho 13 buôn với tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng. Để đầu tư kết cấu hạ tầng cho các buôn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, trong 2 năm 2009 và 2010 đã cân đối ngân sách gần 40 tỷ đồng bổ sung cho các địa phương, con số này trong năm 2011 là gần 25 tỷ đồng. Đến thời điểm này toàn tỉnh đã hoàn thành 100% kế hoạch đầu tư giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí thực hiện là 385,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2010, toàn tỉnh đã hỗ trợ, xây dựng được gần 13.000 căn nhà ở cho hộ nghèo với tổng vốn huy động được trên 333 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ 2005-2010, các ngành chức năng của tỉnh cũng đã giúp cho 38.836 hộ nghèo được vay vốn với tổng mức dư nợ lên đến 442,6 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2011 đã giải quyết cho trên 10.000 hộ nghèo vay vốn với số tiền là 123 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã từng bước có sự thay đổi trong nhận thức, chủ động hơn trong việc nâng cao trình độ sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện đời sống…

Theo đánh giá của Tỉnh ủy thì việc thực hiện Nghị quyết 04 trong thời gian qua đã từng bước phát huy hiệu quả, tình hình kinh tế - xã hội thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được 5,9 triệu đồng/người/năm (tăng 2,6 triệu đồng so với năm 2005. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt 29,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ lao động phổ thông là người dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ ngành nghề đạt khoảng 41,1%. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống còn 14,98%... Các mục tiêu về văn hóa, xã hội đều đã cơ bản hoàn thành so với Nghị quyết đề ra.

Rõ ràng, những kết quả đã đạt được như đã nêu trên đã thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy. Tuy nhiên, theo đồng chí Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh ủy thì hiện tại đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại nhiều buôn, thôn vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao, khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh vẫn còn khá xa… Chính vì vậy, trong thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp các ngành đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư phát triển kinh tế thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Đặc biệt là tập trung đầu tư để đẩy nhanh sự phát triển toàn diện mọi mặt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Hoàng Minh

Ý kiến bạn đọc