Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ mô hình chăn nuôi heo siêu nạc

07:23, 28/11/2011

Có hơn 1,2 ha cà phê nhưng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện Krông Bông không thuận lợi để phát triển loại cây trồng này nên anh Đỗ Ngọc Dũng ở thị trấn Krông Kmar luôn trăn trở, suy nghĩ tìm hướng chuyển đổi. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh  biết đến mô hình nuôi heo siêu nạc do Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã cất công tìm hiểu thực tế ở tỉnh Bình Phước. Với phương thức Công ty đầu tư toàn bộ về con giống, thức ăn, thuốc phòng dịch và đầu ra…, hộ chăn nuôi đầu tư đất đai, nhân công, nguồn vốn ban đầu để xây dựng trang trại, sau khi bàn bạc, vợ chồng anh quyết định “thử sức” với mô hình chăn nuôi mới này. Từ nguồn vốn tích lũy được và vay mượn thêm ngân hàng, người thân, vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư tỷ đồng xây dựng hệ thống trang trại rộng 1.500 m2 chia làm 24 ô, mỗi ô nuôi 40 con heo. Trong trang trại còn có kho dự trữ thức ăn, khu vực để thuốc thú y, dụng cụ khám, chữa bệnh cho heo, lối đi thuận tiện cho việc chăm sóc, hệ thống nước uống, cho ăn tự động, xử lý chất thải bằng hầm biogas.

Trang trại chăn nuôi heo siêu nạc của anh Đỗ Ngọc Dũng.
Trang trại chăn nuôi heo siêu nạc của anh Đỗ Ngọc Dũng.

Anh Dũng cho biết, chăn nuôi heo siêu nạc quan trọng nhất là phải tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra thú y và giữ nhiệt độ của chuồng nuôi không nóng quá vào mùa hè và quá lạnh vào mùa đông. Để đáp ứng yêu cầu này, anh Dũng đã hợp đồng với 2 lao động địa phương, cho đi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh thông thường. Tuy số lượng nuôi lớn (gần 1.000 con) nhưng nhờ quy trình chăn nuôi khép kín nên mỗi ngày 2 công nhân chỉ mất vài tiếng đồng hồ vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều để kiểm tra thú y, lượng cám trong máng ăn tự động và dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại. Điều đáng nói, phế phẩm chăn nuôi được gia đình anh tận dụng bán lại cho các hộ trong vùng để ủ phân vi sinh bón cho cây trồng. Nhằm hỗ trợ việc chăn nuôi cho các hộ, phía Công ty cũng bố trí một bác sĩ thú y phụ trách địa bàn kịp thời giúp đỡ, xử lý khi có tình huống, dịch bệnh phát sinh. Nhờ cách làm khoa học trên, đàn heo của gia đình anh Dũng phát triển ổn định, mỗi lứa xuất được trên 96 tấn heo thịt, lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng. Cứ theo đà này, anh chị ước tính đến năm 2013 sẽ hoàn trả vốn vay và sinh lời. Trong cuộc trò chuyện, anh Dũng luôn mong muốn, trang trại chăn nuôi heo siêu nạc của gia đình mình sẽ hiệu quả để các hộ nông dân tham quan, học tập. Khi nông dân có nhu cầu, anh sẵn sàng tư vấn, trao đổi kinh nghiệm nhưng điều quan trọng trước tiên là chính người nông dân phải mạnh dạn thay đổi tư duy trong làm ăn bởi phát triển sản xuất, chăn nuôi luôn đòi hỏi biết áp dụng khoa học – kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư tương đối lớn.

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc