Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo sau niềm vui được mùa

15:15, 13/11/2011

Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương trong tỉnh đang bước vào giai đoạn gần cuối vụ thu hoạch lúa hè thu 2011 (ước tính đã hoàn thành khoảng trên 90% diện tích). Tuy nhiên, việc thu hoạch lại trong giai đoạn mùa mưa, gây nhiều trở ngại đối với người nông dân trong việc bảo quản sản phẩm.

Vận chuyển lúa thu hoạch từ ruộng lên bờ lớn khiến các bờ ruộng, kênh mương hư hại.
Vận chuyển lúa thu hoạch từ ruộng lên bờ lớn khiến các bờ ruộng, kênh mương hư hại.
Lúa gặt về mong nắng
Năm 2011, toàn tỉnh gieo trồng được gần 49.000 ha lúa hè thu, trong đó diện tích lúa nước chiếm 46.434 ha. Nhờ điều kiện thời tiết đầu niên vụ khá thuận lợi, cộng với việc người dân biết ứng dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào đồng ruộng, kết hợp phòng ngừa sâu bệnh kịp thời… nên vụ này được mùa khiến bà con khá phấn khởi. Hiện nông dân đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ thu hoạch những trà lúa chín muộn còn lại; đồng thời tiến hành cày, bừa ải chuẩn bị cho xuống giống vụ đông xuân 2011- 2012. Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, năng suất lúa bình quân vụ hè thu năm nay đạt 6 tấn/ha, trong đó khoảng 6.400 ha diện tích lúa lai cho năng suất từ 7- 9 tấn/ha, cao hơn các giống lúa thường trồng đại trà từ 2- 4 tấn/ha.

Tuy nhiên, giai đoạn thu hoạch lúa hè thu cũng nằm trong khoảng thời gian đang là mùa mưa, vì vậy việc phơi sấy nông sản sau khi gặt về trở thành nỗi lo đối với người nông dân. Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Dak Lak: trong tháng 10-2011, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra tình trạng mưa kéo dài; một số khu vực như huyện Krông Năng, Lăk, Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo mưa lớn đã tạo thành lũ quét, làm mực nước các sông, hồ tăng cao xấp xỉ mức báo động 1, gây ngập úng hàng trăm ha lúa hè thu đang trong giai đoạt thu hoạch. Những ngày gần đây, mặc dù thời tiết đã chuyển biến, song tại một số địa phương vẫn có mưa vừa hoặc mưa nhỏ rải rác, ngày nắng nóng nhưng đầu giờ chiều thường xuất hiện những cơn mưa bất chợt. Điều này đang gây trở ngại lớn đối với những người trực tiếp làm ra hạt lúa, bởi sau khi thu hoạch lúa về, thiếu sân phơi, bà con có thói quen xếp lúa thành đống để trong nhà nhiều ngày khiến lúa dễ bị mốc, lên mầm, ảnh hưởng đến chất lượng hạt. Ông Y Sanh Mlô ở thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp có 3 ha lúa, nhưng tại thời điểm lúa bắt đầu chín thì mưa lớn kéo dài, không kịp thu hoạch nên bị ngập úng. Đến khi gặt về không đủ sân phơi, đành để tạm dưới gầm giường trong nhà chờ nắng. Như vậy, niên vụ này gia đình ông thiệt hại khoảng 5 tấn lúa. Để khắc phục tình trạng trên, những ngày qua ở hầu khắp các địa phương, nhiều hộ dân đang tranh thủ lúc trời nắng ráo đem lúa ra rìa đường thôn, hay khoảnh sân trống của UBND xã, trường học để phơi lúa; một số hộ có điều kiện kinh tế khá đầu tư mua máy sấy lúa dạng nhỏ về sử dụng. Anh Đặng Thanh Tuấn ở thôn 1, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana cho biết: những ngày qua, chiếc máy sấy lúa của gia đình anh luôn hoạt động hết công suất, ngoài việc phục vụ nhu cầu của gia đình, anh còn sấy cho một số bà con khác trong xã.

Phơi lúa trên đường giao thông.
Phơi lúa trên đường giao thông.
Kênh mương nội đồng ngập rơm
Trong quá trình thu hoạch lúa hè thu năm nay, nhiều tuyến kênh mương nội đồng tại các địa phương trong tỉnh cũng đang phải đối diện với tình trạng bị ngập bởi rơm, rạ. Việc sử dụng linh hoạt máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hoàn ngay tại đồng ruộng đã tạo điều kiện cho người nông dân đỡ vất vả hơn, khi gặt xong chỉ mang lúa hạt về nhà, còn rơm thì để lại ruộng. Thường khi thu hoạch vụ đông xuân hằng năm, rơm được rải ra ruộng cho khô sau đó đốt thành tro bón ruộng, hoặc đưa về nhà ủ phân vi sinh bón cho các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, mùa vụ này, do thời tiết mưa nhiều nên rơm, rạ không khô, những khu ruộng trũng nước kéo theo rơm rạ chảy dồn xuống kênh mương làm ngập, tắc dòng chảy. Tại cánh đồng lúa huyện Lak, phần lớn hệ thống kênh mương ở các xã Dak Liêng, Buôn Triết, Buôn Tría, Dak Nuê… những ngày qua bị ngập trong rơm rạ, nhiều đoạn mương còn bị rơm tích tụ lâu ngày tạo thành những sình lầy bốc mùi hôi thối. Ông Nguyễn Văn Minh ở xã Dak Nuê cho hay: nếu tình trạng này kéo dài, sẽ làm tắc các hệ thống cống, kênh mương thủy lợi, trước khi gieo cấy vụ mới địa phương phải tổ chức nạo vét rất tốn công sức. Không những thế, rơm rạ tồn mục còn là nơi nuôi dưỡng các mầm sâu bệnh gây tác động xấu đến cây trồng sau này. Ngoài ra, việc bà con vận chuyển (vác) lúa từ dưới ruộng lên bờ lớn (để máy tuốt lúa hoạt động) thường phải đi qua các bờ, tuyến kênh, mương nhỏ gây lầy lội, phải lót rơm để dễ vận chuyển hơn. Sau mỗi lần như vậy rơm rạ không được vớt lên, bờ đất, biến thành bờ rơm nhầy nhụa. Tuy nhiên, tại một số huyện như Cư M’gar, tình trạng trên hầu như không đáng kể. Ông Trương Bảy, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết: do diện tích lúa nước tại địa phương không nhiều, chỉ với 1.400 ha, rải rác tại mội số xã như Cư M’gar, Ea Tul, Ea Kiết… ruộng đất lại gần khu dân cư nên người dân thường gặt lúa đưa về nhà mới tuốt; rơm rạ được bà con ủ phân vi sinh để bón cho cây cà phê, tiêu khá tốt. Chính vì vậy, việc xả rơm ra đồng ruộng hầu như không có.

Hằng năm, cứ đến đầu mùa thu hoạch lúa, ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến cáo, vận động bà con nên xử lý rơm rạ hiệu quả, hợp lý như: chôn xuống ruộng, sau đó rắc vôi bột lên làm phân hoai mục; hoặc đưa về ủ phân vi sinh tại hộ gia đình để bón cho các loại cây trồng rất tốt, tránh được tình trạng rơm rạ vùi lấp các công trình thủy lợi cũng như diệt mầm bệnh có hại cho cây trồng… Mặt khác, chính quyền các địa phương cũng tạo điều kiện để người dân mượn các khoảng sân trống như tại UBND xã, Nhà văn hóa cộng đồng buôn, hay các điểm công cộng để làm sân phơi nông sản… tuy vậy, việc triển khai thực hiện vẫn rất hạn chế.

Lê Thành

Ý kiến bạn đọc