Multimedia Đọc Báo in

Phát triển cà phê bền vững: Còn buông lỏng...

07:15, 22/11/2011

Một thực tế đang diễn ra ở tỉnh ta: diện tích cây cà phê mỗi năm một tăng. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2010-2011, bà con nông dân  trên địa bàn tỉnh đã trồng mới trên 13.040 ha, đưa tổng diện tích cà phê hiện có của tỉnh lên 195.000 ha, tăng gần 30.000 ha so với năm 2004 (năm mới chia tách tỉnh Dak Lak, Dak Nông).

Hiện nay, 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có diện tích trồng cà phê, địa phương thấp nhất là 31 ha (huyện Ea Súp), cao nhất gần 36.000 ha (huyện Cư M’gar). Toàn tỉnh hiện có 180.500 hộ trồng cà phê, trong đó, số hộ có quy mô dưới 0,5 ha chiếm 35% (hơn 63.000 hộ), hộ có quy mô diện tích từ 0,5-1 ha chiếm khoảng 34% (khoảng 61.000 hộ), quy mô từ 1 đến dưới 2 ha gần 24% số hộ, còn lại khoảng 7% số hộ (trên 13.000 hộ) canh tác từ 2 ha cà phê trở lên. Nghiêm trọng hơn, do chạy theo phong trào, nhất là trong vài năm trở lại đây khi giá cà phê nhân tăng cao, nhiều gia đình đã tự ý lấn chiếm đất rừng, phá rừng trái phép chuyển sang trồng cà phê hoặc phát triển cà phê trên những chân đất không thích hợp, không chủ động được nguồn nước, trồng cà phê trên đất có độ dốc lớn... Trong khi đó, từ năm 2007 trở lại đây, tỉnh ta đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới,  Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Các nghị quyết, đề án, quyết định này của tỉnh đều hướng đến mục tiêu là duy trì ổn định chỉ có 150.000 ha cà phê trong vùng sinh thái thuận lợi để thâm canh tăng năng suất, đưa sản lượng mỗi niên vụ đạt từ 400.000 tấn cà phê nhân trở lên. Tỉnh kiên quyết chuyển đổi, thay thế cây trồng khác đối với những khu vực trồng cà phê không đủ nước tưới, có dốc trên 15 độ, sản xuất kém hiệu quả, đồng thời, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, khuyến cáo bà con nông dân không nên mở rộng diện tích trên những chân đất không phù hợp mà chỉ nên tập trung đầu tư thâm canh theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), từng bước tiếp cận, áp dụng các chương trình sản xuất cà phê sạch, cà phê có trách nhiệm, có chứng chỉ như 4C, UTZ. Tỉnh cũng rà soát quy hoạch lại vùng chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, tập trung phát triển cà phê theo hướng bền vững, sản xuất cà phê có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng. Tỉnh cũng vận động bà con nông dân sản xuất cà phê tham gia tổ chức thành lập các nhóm hộ, câu lạc bộ, hợp tác xã kiểu mới, chủ động xây dựng vùng chuyên canh, liên kết các thành phần kinh tế tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp thu, áp dụng các thành tựu mới của khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến cà phê...

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án phát triển cà phê bền vững. Các địa phương vẫn cứ “để mặc” cho bà con nông dân tự phát phát triển cà phê ồ ạt không theo quy hoạch, kế hoạch dẫn đến nhiều hệ lụy, tác động xấu đến môi trường sinh thái, thiệt hại cho bà con nông dân. Thực tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 45.000 ha cà phê được chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, diện tích còn lại đều lấy nước tưới từ các giếng đào, giếng khoan. Thế nhưng, do tình trạng khai thác nguồn nước ngầm quá mức để tưới cho cây cà phê nên mực nước ngầm ngày càng suy giảm, khan hiếm, nhiều vùng phải đào sâu xuống 25 – 30 mét mới có nước (trước đây chỉ cần đào sâu xuống khoảng 15 – 20 mét là đã có nước). Cũng do trồng cà phê trên những chân đất không chủ động nguồn nước nên hàng năm tỉnh luôn có từ vài nghìn ha cà phê bị khô hạn, thậm chí, có nơi hàng trăm ha cà phê bị chết khô. Ngay mùa khô hạn năm 2011, tỉnh đã có trên 10.415 ha cà phê bị thiếu nước tưới, khô cháy, các loại sâu bệnh hại ngày càng phát triển mạnh gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.

Quang Huy

Ý kiến bạn đọc